Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Thư mục tư liệu trước 1945 (bình luận bản thảo)
Thứ hai, 15/08/2011 12:41
Tác giả: PGS.TS. Vũ Văn Quân (Chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Tư liệu Tổng hợp.

Tóm tắt nội dung:                       

- Thăng Long - Hà Nội, trong chiều dài và chiều sâu lịch sử, đã sáng tạo và truyền trao đến ngày nay cho chúng ta nhiều giá trị văn hiến nổi bật, trong đó đặc biệt quan trọng là nguồn tư liệu viết bằng chữ Hán Nôm. Tuy nhiên, nhiều tư liệu hiện chỉ còn độc bản, vì nhiều lý do (chẳng hạn, như nhiều văn bia tại các địa phương đã bị phá hủy, hiện chỉ còn thác bản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Vì thế, việc xây dựng và xuất bản bộ Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Thư mục tư liệu trước 1945 nhằm giới thiệu một cách cơ bản, toàn diện nguồn tư liệu này là công việc cần thiết trên nhiều ý nghĩa và thiết thực để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Công trình này nhằm đạt một số mục tiêu cơ bản sau:

Thứ nhất, lần đầu tiên, các nguồn tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội (bao gồm văn bia, hương ước, địa bạ, thần tích, thần sắc, gia phả...) được tập hợp, giới thiệu trong phạm vi hành chính Hà Nội hiện nay (1010), bao gồm các tư liệu đã được tập hợp tại các trung tâm lưu trữ, các cơ quan nghiên cứu và một phần tư liệu mới được sưu tập.

Thứ hai, các tư liệu được tập hợp, phân loại theo mục, quy về đơn vị hành chính hiện đại, giới thiệu tóm tắt nội dung, đặc điểm và tình trạng văn bản, nơi lưu giữ, ký hiệu văn bản... để người đọc dễ dàng tra cứu.

Bình luận sách

* PGS.TS. Hoàng Hồng (Bình luận bản thảo)

1. Đề tài Thư mục tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội tập hợp và trình bày các tư liệu về Thăng Long - Hà Nội trước năm 1945 theo một hệ thống bao gồm các vấn đề: Tư liệu văn khắc; tư liệu hương ước; tư liệu thần tích, thần sắc; tư liệu địa bạ và tư liệu Hán Nôm khác. Đây là các nguồn tư liệu rất quan trọng để nghiên cứu văn hóa, xã hội, kinh tế của Thăng Long - Hà Nội truyền thống. Đề tài không chỉ có ý nghĩa giới thiệu một di sản văn hóa quí giá của Thăng Long - Hà Nội được tích hợp qua các thời đại hiện còn lưu giữ được mà còn là công cụ tra cứu thuận lợi cho các nhà nghiên cứu khi cần khai thác những thông tin lịch sử về Thăng Long - Hà Nội. 

2. Cách trình bày tư liệu trong đề tài đã thể hiện được những thông tin cơ bản của tư liệu là: Địa điểm sản sinh tài liệu, tác giả tài liệu, nội dung chính của tài liệu, đặc điểm hình thức của tài liệu, tài liệu là bản gốc hay bản sao, cơ quan lưu giữ tài liệu. Đây là những tiêu chí chủ yếu trong việc xác định tài liệu dưới góc độ sử liệu học. Mặt khác, cách trình bày này cũng phù hợp với yêu cầu cần giới thiệu một số lượng lớn tài liệu. 

3. Đề tài được xây dựng dựa trên cơ sở những thành tựu rất to lớn của các thế hệ học giả trong việc khai thác di sản Hán - Nôm Việt Nam. Các tác giả của đề tài đã tập hợp và sử dụng được nguồn tài liệu tham khảo rất phong phú, đã có phương pháp khai thác khoa học, chọn lựa được những tư liệu phù hợp, lấy được những thông tin cơ bản của tài liệu, đáp ứng mục tiêu mà đề tài đặt ra.

4. Một số vấn đề trao đổi                      

4.1 Công trình Thư mục tư liệu văn hiến Thăng Long-Hà Nội tuy về tổng thể rất đồ sộ nhưng xem xét từng lĩnh vực cụ thể có thể còn sơ sài so với thực tế. Vi dụ phần Tư liệu văn khắc, mục Huyện Ba Vì, mô tả 65 bia. Chắc chắn là huyện Ba Vì cũng như các huyện khác có số lượng bia lớn hơn rất nhiều, thác bản có thể đang được lưu giữ tại các cơ quan nghiên cứu địa phương. Nếu việc sưu tầm và khai thác tư liệu được mở rộng thì Thư mục tư liệu văn hiến Thăng Long-Hà Nội sẽ phong phú hơn.

 4.2 Trong Cách tiếp cận, đề tài đã thực hiện tốt một số nguyên tắc đề ra như tính cơ bản, tính tiện ích. Tuy nhiên, về tính toàn diện, có sự trao đổi sau:

- Đề tài đã có thể bao gồm tất cả các loại hình tư liệu chữ viết chưa

- Nội dung thư mục tư liệu chủ yếu đề cập tới Thăng Long - Hà Nội làng xã, chưa thấy đề cập tới Thăng Long - Hà Nội thành thị

- Đề tài chưa bao quát hết các quận huyện của Hà Nội, chẳng hạn: Tư liệu văn khắc gồm 6 quận, huyện; Tư liệu hương ước gồm 27quận huyện; Tư liệu thần tích, thần sắc gồm 6 quận huyện; Tư liệu địa bạ gồm 5 quận huyện.

4.3 Tên đề tài Thư mục tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội (trước năm 1945) cho ta hai cách hiểu về giới hạn nghiên cứu:

- Giới hạn về tư liệu được sản sinh trước năm 1945

- Giới hạn về không gian địa lý Thăng Long - Hà Nội trước năm 1945

Trong quá trình triển khai đề tài, các tác giả thực hiện giới hạn phạm vi nghiên cứu theo cách hiểu thứ nhất, nghĩa là lựa chọn, tập hợp những tư liệu trước năm 1945 nhưng của cả Hà Nội mở rộng hiện tại bao gồm cả tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội tháng 11.2008. Mô tả một không gian Hà Nội rộng lớn như vậy lại phải hoàn thành công việc trong một thời gian ngắn nên tính toàn diện khó đảm bảo. Theo tôi, đề tài chỉ nên đề cập tới Thăng Long - Hà Nội truyền thống và có thể giới hạn phạm vi không gian của đề tài theo hai cách: Hà Nội trước năm 1945 hoặc Hà Nội trước tháng 11.2008

5. Đánh giá chung

Những trao đổi trên đây là để các tác giả tham khảo, cân nhắc. Nhìn tổng thể đề tài được thực hiện rất công phu, nghiêm túc, đáp ứng được những yêu cầu đặt ra. Sau khi chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng có thể in thành sách phục vụ độc giả. 


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá