Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Thành Thăng Long - Hà Nội (bình luận bản thảo)
Thứ hai, 15/08/2011 12:42
Tác giả: PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế (Chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Lịch sử.

Tóm tắt nội dung:

- Thành tựu nghiên cứu về hệ thống thành luỹ Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử, phản ánh vị thế, tầm quan trọng cũng như tương xứng với bề dày của mảnh đất “ngàn năm văn vật”. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một công trình nào tập hợp những kết quả nghiên cứu về lịch sử hệ thống thành luỹ Thăng Long - Hà Nội. Kết quả nghiên cứu tuy nhiều, song chúng lại được trình bày rải rác ở nhiều nơi: trong sách hoặc kỷ yếu khoa học, trên các tạp chí chuyên ngành, xuất bản ở trong và ngoài nước… khiến việc tìm hiểu, nghiên cứu gặp không ít khó khăn. Đề tài “Thành Thăng Long - Hà Nội” mong muốn tổng hợp kết quả nghiên cứu, khái quát lịch sử hệ thống thành luỹ Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử.

-               Nội dung sách tập trung vào đối tượng chủ yếu là thành Thăng Long và thành Hà Nội. Với các mục đích và yêu cầu cụ thể:

          1.1. Sơ lược những thành lũy trên đất Thăng Long - Hà Nội: thành Vạn Xuân, thành cửa sông Tô lịch thời Lý Nam Đế, trị sở Tống Bình thời Tùy, phủ thành Giao Châu/An Nam, thành Đại La thời Đường...

          1.2. Quá trình xây dựng, mở mang, những đổi thay của thành Thăng Long từ khi vua Lý Công Uẩn định đô tại Thăng Long năm 1010 qua các thời Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng cho đến cuối thế kỷ XVIII. Kinh thành Thăng Long của nước Đại Việt.

          1.3. Những đặc trưng nổi bật của thành Thăng Long: Cấu trúc tòa thành kết hợp với điều kiện tự nhiên, cảnh quan, môi trường sinh thái. Chức năng của ba vòng thành cùng một số kiến trúc quan trọng của Cấm thành, Hoàng thành, La thành qua tư liệu thư tịch, bản đồ cổ và di tích còn lại trên mặt đất và trong lòng đất đã được phát hiện.

          1.4. Thành Thăng Long/Hà Nội thời nhà Nguyễn thế kỷ XIX: Qui mô, cấu trúc và những di tích quan trọng.

          1.5. Qua thành Thăng Long - Hà Nội cùng qui mô, cấu trúc, phương thức và kỹ thuật xây thành, kiến trúc cung đình và văn hóa, mối quan hệ với địa hình, cảnh quan, điều kiện giao thông, giao lưu văn hóa với bên ngoài... phân tích các đặc điểm, giá trị lịch sử văn hóa của một di sản quý giá của Thủ đô và dân tộc.

Bình luận sách

* PGS.TS. Trịnh Sinh (Bình luận bản thảo)

1. Đây là một cuốn sách quý, ra đúng dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long sẽ rất có ích cho đông đảo bạn đọc. Nhóm tác giả là những nhà sử học chuyên nghiệp thể hiện ở công trình những phần viết có đầy ắp những tư liệu chuyên ngành. Vì thế, việc ra đời cuốn sách này cần được sự quan tâm hơn nữa của nhà xuất bản và các nhà quản lý văn hoá. Tôi đề nghị Hội đồng nghiệm thu bản thảo này, đương nhiên là nhóm tác giả cần có những chỉnh sửa trong phạm vi thời gian hết sức eo hẹp để kịp cho ra đời dịp kỷ niệm này.

2. Nhìn chung, cuốn sách được biên soạn dựa theo thư tịch cổ là thế mạnh của các tác giả. Tuy vậy, cần thêm nhiều phần viết về sự so sánh, chỉnh lý hơn qua các tài liệu liên ngành như khảo cổ học cho chính xác và nhuần nhuyễn hơn. Người đọc có cảm tưởng như là các tác giả mới thu thập được phần tư liệu thô (chủ yếu qua thư tịch) mà chưa có sự gia cố nhiều về những nhận định, những sự chắt lọc qua tư liệu đó để đạt được những điều chính yếu muốn nói: ví dụ, qua sự thăng trầm của thành Thăng Long - Hà Nội thì cuối cùng điểm nhấn đây là quân thành, thành thị hay kinh thành hay cả 3 và thời nào thì có sự nổi trội hơn. Tác giả cũng không có nhiều so sánh với các thành ở trong khu vực Đông Nam Á hay Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc để thấy được cái đặc thù của thành Thăng Long từ kết cấu, sự kế thừa qua hơn 10 thế kỷ. Đặc thù của vòng thành Đại La kế thừa cách đắp thành của An Dương Vương, theo địa hình, thành đất đắp có gia cố vật liệu kiến trúc, có hào tự nhiên, luỹ tre... Hy vọng ở những lần xuất bản sau, với một đề tài như vậy, các tác giả cần tránh sự dàn trải, gom mỗi thứ một tý mà cần đi sâu vào một mảng nào đó chăng? Ví dụ, một khoảng thời gian nhất định, một kỹ thuật đắp thành, một vai trò ví dụ thị thành? Hay có thể một tính chất hội tụ và lan toả của một vùng của Thăng Long - Hà Nội.

3. Cuốn sách có những ưu điểm, nhất là với 335 trang A4, đã dẫn người đọc đi cả một quãng đường dài hơn 10 thế kỷ một cách tổng hợp, có phân kỳ từng giai đoạn, triều đại. Nhưng cuốn sách cũng có những hạt sạn cần chỉnh sửa để kịp tiến độ, chủ yếu là những vấn đề chỉnh sửa lỗi cục bộ. Tôi đã đọc rất kỹ và xin nêu ra ở đây:

- Phần mục lục không được đánh số trang, rất khó cho bạn đọc theo rõi kết cấu của các chương mục.

- Một số chữ tiếng Pháp sai, ví dụ: phần mở đầu, tr.6  dòng 10 từ trên xuống, sách của H. Maspero là Le protectora. Theo tôi, tiếng Pháp không có từ này. Dòng chú thích trang 12 cũng lặp lại cái sai này. Tại trang 213, một trích dẫn tiếng Anh sai là Kingdom chứ không phải Kingdon (dòng 6 dưới lên). Trích dẫn tiếng Pháp sai: Trong tác phẩm của H. Richard, tên tác phẩm có 1 dòng mà đã sai 3 từ: Historie natenelle, civile et politeque du Tonquin? (chú thích ở trang 213,215, 216...), tác phẩm của Philippe Papin cũng viết sai chữ Historie (trang 216). Chú thích tác phẩm của G. Baldinotli cũng sai: royganes de Tinquin (?) (tr. 222). Chú thích ở trang 238 vừa sai tên tác giả, vừa sai tên tác phẩm: G. Dumontier: Le pagodes de Hanoi. Trong chú thích trang 258, tác phẩm của Paul Doumer, toàn quyền Đông Dương, đã viết sai từ Souvenins.

- Một số tư liệu của học giả nước ngoài được trích dẫn, nhưng các tác giả không chỉnh lý hoặc do cách dịch sai: Ví dụ, Hoàng Thái Tôn Lê Duy Kỳ tức Lê Chuẩn Thống)- trích thư của giáo sĩ Ceram ngày 24 tháng 5 năm 1784 gửi về Paris, thì tôi không rõ tại sao lại có tên một vị Vua lạ như vậy trong thời Lê. Nếu trong bối cảnh của năm viết thư thì đấy sẽ phải là Vua Lê Chiêu Thống, vị Vua bị mang tiếng rước quân Thanh vào gây hoạ. Một số tên tác giả người Việt cũng không đúng và lặp đi lặp lại như Vũ Tuân Sán  trang 12, 13 (đúng ra là Vũ Tuấn Sán)

- Tại phần khảo tả về thành Đại La của Cao Biền, từ tr. 16 đến 28, tác giả đã có nhiều công sức trong việc so sách các thành cũng tên là Đại La ở Trung Quốc. Ví dụ hình ảnh của các thành trong sách Võ Kinh Tổng Yếu thời Tống. Tiếc là đoạn so sánh này không cụ thể để đối sánh với thành Đại La của Hà Nội xem giống và khác nhau ra sao. Theo tôi, thành Đại La ở Hà Nội là một dạng thành khác các thành kia, không thể dựng bằng gạch nhiều đến thế và quy mô đến thế. Mà, các nhà khảo cổ đã nói, cũng như hiện vẫn còn phế tích thành: chỉ là một dạng thành đất đắp có lèn thêm vật liệu kiến trúc, vì vậy khi so sánh cần phải chỉ rõ hơn, nếu không sẽ làm độc giả hiểu lầm là thành Đại La hồi đó giống như các thành trong Võ Kinh Tổng Yếu.

- Nhìn chung, tôi cảm tưởng các tác giả đã trích dẫn khá nhiều tư liệu Trung Quốc về các thành cùng thời với Đại La của Hà Nội. Nhưng dường như các tư liệu này khó có thể so sánh được với ngôi thành Đại La cụ thể mà lần theo lịch sử thì thời Lý Trần vẫn sử dụng La Thành hay Đại La Thành của thời Bắc thuộc làm vòng thành ngoài. Mà thành này thì không có gì liên hệ được với các loại thành mà thư tịch cổ mà tác giả trích dẫn. Vậy, cần phải giải thích rõ hơn: có thể giống như tư liệu Trung Quốc, hoặc khác với Trung Quốc  để tránh sự liên tưởng xa rời sự thật lịch sử mà sa vào tầm chương trích cú.

- Trong quá trình nghiên cứu về thành Thăng Long, các tác giả có áp dụng phương pháp thống kê rất tốt, ví dụ trang 71, thống kê các hoạt động xây dựng ở Thăng Long thời Lý (1010-1225) đã cho thấy một cách khách quan các công trình được ưu tiên xây dựng là các cung điện và chủ yếu là được dựng mới ở giai đoạn đầu (1010-1034) có ý nghĩa lịch sử chính xác, nói lên được buổi đầu định đô, nhà Lý đã chú trọng trong việc an dân, củng cố quyền lực chính trị và cả tâm linh (chùa chiền xây dựng trong giai đoạn này nhiều). Hoặc các bảng ghi sự kiện xây dựng cung, công trình tôn giáo đời Trần, bản các sự kiện liên quan đến thành Đông Đô thời Hồ, và Đông Quan thời Minh (trang 137)...Tuy vậy, tác giả không nói rõ là bản thống kê này phải chăng là dựa vào Đại Việt Sử Ký Toàn Thư? Tác giả cũng lên sơ đồ các cung điện khu trung tâm thành Thăng Long vào 2 năm (1010 và 1029) dựa vào thư tịch cổ, điều đó rất có ích cho người đọc, nhưng cũng không có nguồn tư liệu tổng hợp dẫn đến sơ đồ này.

- Để hấp dẫn cho cuốn sách, có lẽ cần một số bản đồ giả định về thành Thăng Long qua thời Đại La, Lý Trần... để độc giả nắm rõ lịch sử và dễ hình dung hơn.

- Các tác giả đã có minh hoạ bản đồ thời Nguyễn gồm 4 cái bản đồ (trang 267). Trong đó có 3 bản đồ có chú thích năm còn 1 bản đồ không có năm chỉ có chú là thời Nguyễn, cần bổ sung cho lô gic. Thật tiếc là có những bản đồ thời Nguyễn được vẽ công phu nhất, sớm hơn các bản đồ mà tác giả đã dẫn, là bản đồ vẽ năm 1873, tỷ lệ 1: 8.800 có đầy đủ trích dẫn các vị trí Hà Nội với địa danh đầy đủ. Theo các nhà sử học, bản đồ này được vẽ chi tiết và có niên đại sớm, đáng tin cậy. Vì thế, tôi đề nghị phải có bản đồ này trong sách thì mới nâng tầm của sách lên.

- Các tác giả không minh hoạ một bản đồ thời Lê Hồng Đức, một tấm bản đồ nổi tiếng. Mặc dầu chưa phải là bản đồ gốc, nhưng có thể là giá trị nhất của một loạt 9 bản đồ thời Lê còn lại đến nay, trong đó có hình thể thành Thăng Long hình thước thợ và ghi chi tiết địa danh Thăng Long thành và nhiều địa danh nay vẫn còn. Vì thế, bản đồ này không thể thiếu được trong sách.

- Nhiều đoạn chú thích vẫn để trống, cần điền cả phần tiếng Việt và tiếng Hán vào cho hoàn chỉnh, ví dụ trang 30

- Trong sách có rất ít hình minh hoạ. Mà với công trình có đề tài Thành Thăng Long hấp dẫn như vậy, cần có nhiều hình minh hoạ hơn. Ví dụ: một hình lính Pháp trước thềm đá điện Kính Thiên, một Đoan Môn xưa và cảnh “con đường lát gạch hoa chanh” mà khảo cổ đào được. Các ảnh hiện vật hấp dẫn là sản phẩm có thật của thành Thăng Long xưa: một viên đạn đá, một mũi chông trong công trình kho vũ khí mà chúng ta tìm được dưới lòng hồ Ngọc Khánh. Hay chí ít ra các ảnh đầu rồng thời Lý, thềm bậc thời Lý...của Hoàng Thành...Đều đáng được minh hoạ cho hấp dẫn. Vì ngoài giới yêu lịch sử Thăng Long thì còn có bộ phận đại chúng cần có các hình ảnh sống động, hấp dẫn, để sách có sức lan toả trong cộng đồng tốt hơn.

Nhìn chung, tôi ủng hộ việc ra đời cuốn sách này. Nhưng có thể vì thời gian biên tập quá gấp nên công trình mới chỉ có thế mạnh ở tư liệu thư tịch. Lần xuất bản sau cần tăng hàm lượng lý luận hơn nữa, cũng như đúc rút những đặc trưng của Thăng Long qua một đối tượng cụ thể là thành Thăng Long thì sẽ có ích cho những ai muốn đi sâu tìm hiểu hơn.

Chúc nhóm tác giả sớm chỉnh sửa xong và Hà Nội sớm có một công trình tốt.                                                    

 Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá