Tóm tắt nội dung
Đề
tài nhằm mục đích giới thiệu cho bạn đọc một cách hệ thống diện mạo tiêu biểu
nhất của thành tựu văn hóa, văn học dân tộc trong 5 thế kỷ đầu tiên của nền độc
lập tự chủ dưới thời Trung đại, bao gồm trong nó 6 triều đại: Ngô, Đinh, Tiền
Lê, Lý, Trần, Hồ. Đây là thành tựu rực rỡ khơi nguồn cho những truyền thống tốt
đẹp bậc nhất của văn hóa Việt Nam với trung tâm là Thăng Long mà phong kiến
phương Bắc đã tìm mọi cách phá hủy trong cuộc xâm lược của chúng vào 2 năm
1406-1407 và trong suốt hơn 20 năm đô hộ sau đó. Việc sưu tầm, nghiên cứu được
đặt ra từ 1968, sau 40 năm đã công bố sơ bộ được 3 tập lớn nhưng còn để lại
nhiều mảng trống, nhiều sai sót quá lớn về dịch thuật và khảo đính, chú giải.
Nay chính là lúc bổ sung những chỗ còn khuyết trong văn nghiệp của nhiều tác
giả, trong diện mạo chung của nhiều loại hình, cũng như chỉnh sửa một cách
nghiêm túc những sai sót lớn trên mọi phương diện, để có thể công bố một công
trình tinh tuyển đạt chất lượng cao cả về nghiên cứu cũng như dịch thuật
làm một di sản tinh thần trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, đáp ứng
nhu cầu của rất nhiều ngành học thuật cũng như của bạn đọc rộng rãi, đồng thời
cũng là để góp phần vào lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long vào năm 2010.
Bộ sách
nhằm hướng tới đối tượng độc giả rộng rãi: các nhà khoa học, người làm công tác
nghiên cứu, học sinh, sinh viên, kể cả những ai muốn tìm ở đây một sự thưởng
thức văn chương thuần túy cũng có thể được đáp ứng ở cả hai phương diện: chân
xác, tin cậy về tính khoa học và tinh luyện về nghệ thuật ngôn từ. Đó là yêu
cầu của thời đại và cũng là mong mỏi của giới nghiên cứu cũng như của độc giả
trong nước và nước ngoài, mở đầu cho những công trình tìm về bản sắc dân tộc
một cách cụ thể thiết thực, với những bằng chứng văn tự xưa nhất và quý giá
nhất còn lại đến nay.
Bình luận
* PGS.TS. Vũ Thanh (Bình luận bản thảo)
1.Tập
sách Thơ văn Lý – Trần và nhóm
tác giả biên soạn do GS Nguyễn Huệ Chi chủ biên từ lâu đã nổi tiếng trong giới
học thuật cả nước. Lần này nhân dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
công trình đồ sộ này lại được bổ sung, sửa chữa, nâng cao quả là một niềm vui
lớn với bạn đọc, thể hiện sự công phu và tâm huyết của các tác giả. Công trình
hoàn thành sẽ là một trong vài bộ sách có giá trị nhất trong đợt kỷ niệm đầy ý
nghĩa lịch sử này. Tuy nhiên, bản thảo cuốn sách lại được hoàn thiện quá muộn, thật
sự là một điều đáng lo lắng, không hiểu công trình có kịp ra mắt bạn đọc trong
dịp đại lễ không ?
Nguồn
tư liệu được các tác giả cuốn sách sử dụng là cơ bản và đáng tin cậy, trong đó
có những tư liệu mới quý hiếm. Kết cấu của cuốn sách như được trình bày ở bản
thảo là khá hợp lý, bao quát được nhiều tác giả, tác phẩm, phản ánh được chiều
sâu của một giai đoạn văn học đặc biệt trong lịch sử dân tộc, giai đoạn mở đầu
cho hào khí và sự phát triển của Thăng Long – Hà Nội.
Đây
là một tập sách dày dặn và công phu, mang tính chuyên sâu, thể hiện tâm huyết
của các tác giả và cơ quan chủ quản.
2.
Sau đây là một vài ý kiến của chúng tôi với mong muốn góp ý cho cuốn sách được tốt hơn:
- Trước hết, về tình hình bản thảo mà chúng tôi nhận được.
Bản thảo chưa có bài viết mở đầu tập sách của GS Nguyễn Huệ Chi như trong phần
Kết cấu có ghi. Bài viết này rất quan trọng, vì trên cơ sở đó mà việc nhận xét,
thẩm định tập sách sẽ chính xác, cụ thể và khoa học hơn.
+
Phần bản thảo mà chúng tôi nhận được không đầy đủ, còn thiếu rất nhiều tác giả,
tác phẩm. Bản thảo lại không có Mục lục nên việc theo dõi, đối chiếu rất vất
vả. Sự khó khăn đó cũng do bản thảo còn có biến đổi so với phần Kết cấu cuốn
sách mà GS Nguyễn Huệ Chi trình bày trong cuộc họp Nghiệm thu đề cương chi tiết
lần trước. Thiếu hẳn các phần mục và tác giả từ Thượng sĩ ngữ lục của Trần Tung, các tác giả Lê Văn Hưu, Trần Quốc
Tuấn, Trần Thánh Tông, Trần Quốc Toại, Trần Quang Khải cho đến Mạc Đĩnh Chi...
Có thể nói còn vắng rất nhiều tác giả quan trọng không thể thiếu của tập sách.
+ Ở phần tiếp theo, các tác giả Trần Tú Hoãn,
Trần Ích Tắc, Khuyết danh – Bắc sứ đề Quế
Lâm... cũng chưa có bản thảo.
+
Phần sau cùng chỉ có đến mục Lĩnh Nam
chích quái của Trần Thế Pháp, còn thiếu Việt
điện u linh của Lý Tế Xuyên và tác phẩm Hương
miệt hành…
Do
đó việc thẩm định tập sách không thể toàn diện được. Chỉ xin được nhận xét trên
cơ sở những gì chúng tôi nhận được:
-
Về số lượng tác giả và tác phẩm được tuyển chọn trong tập sách như vậy là còn
thiếu nhiều, trong đó có cả những tác phẩm quý hiếm, ví như bài văn bia Lý triều Thái tổ hoàng đế ngự chế Bùi Gia… do
Lý Thái tổ tự tay viết đã được Chủ biên giới thiệu trong lần họp trước thì nay
vẫn chưa thấy. Rất mong những tác phẩm này sẽ được nhóm tác giả bổ sung kịp
thời.
-
Ngoài bài Nghiên cứu tổng quát văn học Lý
– Trần khoảng 30 – 50 trang của Chủ biên hiện chưa có, cũng nên có 1 đến 2
trang nói về quy cách biên soạn: tuyển chọn tác giả, tác phẩm theo hướng nào,
trong một tác giả lại ưu tiên chọn tác phẩm kiểu gì, rồi ghi thêm nguồn tư liệu
chúng ta sử dụng cho cuốn sách, vấn đề bản quyền nếu thấy cần thiết phải thông
báo và một vài quy cách chung khác nữa…
- Về Phần I:Các tác
gia đầu thời tự chủ đến hết đời Lý (Trong bản thảo không có đề mục cụ thể
như trong Kết cấu): Các soạn giả mở đầu tập sách bằng bài thơ Nam quốc sơn hà, theo tôi là hoàn toàn
đúng đắn. Bài thơ được cho là Khuyết danh cũng là hợp lý. Tuy nhiên, nên bổ
sung thêm ít nhất là một bản dịch nữa (ví như Bản dịch của Bùi Văn Nguyên in
trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập
I, NXB KHXH, H, 1980, tr. 250-251) để bạn đọc chiêm nghiệm thì sẽ lý thú hơn.
+
Bài thơ-kệ Quốc tộ của Đỗ Pháp Thuận,
ở phần đầu đề chữ Hán trang 10 lại viết 2 chữ “quốc quốc”. Chữ thứ hai phải là
“tộ” mới đúng. Câu “Vô vi cư điện các” nên dịch là “Giác ngộ nơi điện các” có
lẽ sẽ hợp lý hơn với tư tưởng Phật giáo. Trong phần chú thích, các soạn giả
cũng ghi rõ trong Đạo Phật, chữ “vô vi” còn có nghĩa là “giác ngộ”. Dùng chữ
“vô vi” sẽ dễ bị hiểu lầm: Chẳng có lẽ gì đại sư Pháp Thuận lại đi khuyên nhà
vua – đệ tử của nhà Phật là hãy sống theo cách sống của một đạo sĩ đi, cho dù
đó là thời đại của “tam giáo đồng nguyên”.
+Trong
bài Vương lang quy từ trang 19 đến 22
không có sự thống nhất giữa phần chữ Hán và phiên âm. Chữ Hán dòng 3 là “thiên
trùng vạn lý”, ở phần phiên âm lại là “vạn trùng sơn thủy”, dẫn đến khảo đính
3*cũng sai. Tương tự, dòng 8 bản Hán là chữ “biên”, phiên âm là “Nam” là thiếu
chính xác.
+
Nguyễn Vạn Hạnh, Kết cấu ghi là “Lý Vạn Hạnh” là không thống nhất.
+
Bài Chân dữ huyễn trang 41: câu
“huyễn hữu tức không không” phiên âm thành “(Thì coi) cái “hữu” là huyễn và
càng tỏ rõ cái “không” là không” thì thật là rối. Nên phiên là: “Cái “huyễn
hữu” cũng là cái “không không” thì súc tích và dễ hiểu hơn và cũng hợp với phần
dịch thơ của Đoàn Thăng ở ngay sau đó hơn.
+
Tương tự ở trang 62 – 65 trong bài Đáp Lý
Thánh Tông tâm nguyện chi vấn của Lâm Khu có câu “Tri không không giác
hữu”, phần dịch nghĩa ghi “Biết đúng cái không thì cái không hóa ra cái có” có
lẽ chưa chính xác. Tham khảo phần dịch thơ của Nguyễn Lang trong Việt Nam phật giáo sử luận, tập I, NXB
Văn học – Hà Nội, 1994, trang 150, chúng tôi thấy câu đó được dịch là “Không
cũng không như có”, tức là: “Nếu biết được cái không vốn là không tức là biết
được cái có”. Nghĩa này ngược hẳn với cách hiểu của dịch giả và nhóm biên soạn
trong bản thảo, vì vậy các soạn giả nên tham khảo, nghiên cứu thêm.
+
Trang 48-49: Bài Thị chư thiền lão tham
vấn thiền chỉ: phần chữ Hán câu cuối là “bản”, phiên âm thành “hẳn”. Những
sai sót kiểu như vậy trong bản thảo còn khá nhiều, đòi hỏi cần có sự rà soát kỹ
lưỡng hơn nữa. Như ở trang 140 chữ Hán là “tòng thượng giáo”, phiên âm trang
142 lại là “tông thượng giáo”...
-
Trang 125 – 126: Bài kệ Tâm không của
thiền sư Viên Chiếu. Đầu đề ghi “Tâm không”, dịch nghĩa “Cái tâm là không” có
lẽ chưa chính xác. Nên dịch là “Tâm đạt đến Không” có lẽ hợp lý hơn chăng (?).
-
Tên địa danh trong bản thảo cũng còn sai rất nhiều do chưa được sửa chữa lại
cho phù hợp với tình hình hiện nay như ở các trang 224, 294. Ở phần chú thích khi cần giải thích địa danh cũ
nay thuộc tỉnh nào vẫn giữ tên các địa danh như Hà Tây, Hà Bắc, Vĩnh Phú... Rất
nhiều chú thích khác còn mắc lỗi này.
+
Trong chú thích 4, trang 295 khi nói về một số tạp chí ra từ năm 1971 vẫn dùng
từ “gần đây”.
+
Trang 387 – 388 bài Truy tán Vạn Hạnh
thiền sư của Lý Nhân Tông không có dịch nghĩa, vì vậy cả 3 chú thích đều
không có phần đánh số thứ tự 1,2,3 ở trên văn bản. Khảo đính 3* cũng không có
phần đánh số trên văn bản. Câu 1 dịch 2 từ “tam tế” là “ba cõi” e không chính
xác. Trời, đất, người là Tam tài (chứ không phải “ba cõi” và “tam tế”). Tam tế
chỉ thời gian: quá khứ, hiện tại, tương lai. Vì vậy, phần dịch nghĩa câu “Vạn Hạnh dung tam tế” phải là: Vạn Hạnh
thông hiểu cả quá khứ, hiện tại, tương lai. (Dịch thơ là: “Vạn Hạnh thông tam
tế”).
Hiện
nay các nguồn tư liệu về Phật giáo đã xuất hiện khá nhiều, cũng xuất hiện nhiều
Viện Nghiên cứu Phật học, nhiều nhà tu hành làm công tác nghiên cứu có tri thức
chuyên sâu, chúng ta cũng cần sự hợp tác của họ trong việc tìm kiếm tư liệu tra
cứu, cũng như thảo luận để tìm ra một cách hiểu sao cho chính xác một số khái
niệm và cách dịch và hiểu một số bài thơ, câu thơ mà khi đọc bản dịch người đọc
còn thấy khá trừu tượng, khó hiểu và bị lẫn lộn. Tất nhiên đó là công việc lâu
dài và không chỉ của một số người mà đòi hỏi phải có sự hợp tác, trao đổi.
+
Chú thích 2 trang 401, phải thêm chữ “không” vào câu: “Vì không có con trai...”
câu mới chính xác.
+
Trang 551 thiếu chú thích 3 và 4.
-
Phần bản thảo bắt đầu từ Nguyễn Trung Ngạn trang 809 chưa được biên soạn kỹ như
các phần trên, còn sai sót nhiều. Ở các trang 811, 812, 813, 871, 877... các
quy cách biên soạn như viết hoa tên người, tên đất, in nghiêng phần tên tác
phẩm chưa được thực hiện, lỗi vi tính còn rất nhiều như ở trang 1253 – 1257,
1320...
+
Mục Lĩnh Nam chích quái trang 1341còn
thiếu phần giới thiệu tác giả, tác phẩm. Mục này có thể nên tuyển thêm một số
truyện nữa liên quan đến Thăng Long.
Cuối cùng, bản thảo cần được bổ sung đầy đủ,
cần được đọc lại một cách kỹ càng hơn để sửa chữa hết những lỗi vi tính và
những sai sót khác về câu chữ.
3. Nhận xét chung:
Tôi
trân trọng đánh giá cao công phu của bản thảo“Tuyển tập thơ văn Lý – Trần”của nhóm tác giả do GS Nguyễn Huệ Chi chủ
biên. Tuy nhiên, cho đến nay công trình vẫn chưa được hoàn thiện. Mong
muốn trong thời gian sớm nhất tập sách sẽ được các tác giả hoàn thành và đưa
xuất bản, đáp ứng đòi hỏi của bạn đọc yêu mến Thăng Long - Hà Nội và kỷ niệm
1000 năm ngày Đức Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long – trung tâm của trung tâm
đất nước.
Một
vài ý kiến của tôi ở trên chỉ là những đóng góp thêm.
Nhà xuất bản Hà Nội