Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Địa chí vùng Tây Hồ
Thứ hai, 15/08/2011 12:45
Tác giả: NNC. Nguyễn Vinh Phúc (Chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Địa lý.

Tóm tắt nội dung:

- Là công trình biên soạn từ đề tài khoa học cấp Thành phố, nâng cấp, bố cục thành tác phẩm để đưa vào Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.

- Trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội, vùng Tây Hồ có một vị trí đặc biệt quan trọng. Vùng Tây Hồ đã gắn bó từ rất xa xưa với đời sống mọi mặt của Tăhng Long - Hà Nội, vừa mang những đặc tính chung của kinh tế Thủ đô, vừa có những đặc trưng riêng. Vì vậy bản thảo viết về địa chí Tây Hồ là một bản thảo rất cần thiết, đặc biệt trong thời điểm hiện nay.

- Địa chí vùng Tây Hồ” là một công trình khảo về địa phương gồm Tây Hồ, hồ Trúc Bạch, tất cả quận Tây Hồ, một số xã thuộc Từ Liêm (Xuân Đỉnh), hai phường quận Ba Đình (Trúc Bạch, Quán Thánh) và một phường quận Cầu Giấy (Nghĩa Đô).

- Tác phẩm trình bày một cách hệ thống và toàn diện các vấn đề về địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hoá - xã hội của toàn bộ vùng ven hồ Tây (như đã trình bày ở trên). Đặc biệt, công trình sẽ đánh giá những biến đổi của khu vực này thời gian qua, đồng thời có những kiến nghị về quy hoạch vùng hồ Tây trong tương lai.

Bình luận

* PGS.TS Nguyễn Hoàn (Bình luận bản thảo)

Xuất phát từ yêu cầu và nhiệm vụ đã được xác định của bộ “Địa chí Vùng Tây Hồ” trong bản đề cương chi tiết, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã viết: “Đây là một địa chí Vùng Tây Hồ (tất nhiên chủ yếu viết về hồ Tây, hồ Trúc Bạch và quận Tây Hồ), song nó mở ra một vùng quanh bờ các hồ khoảng vài ba kilomet, vì vùng này có quan hệ mật thiết với Hồ Tây, hồ Trúc Bạch về địa lý, địa chất, cũng như lịch sử, văn hóa, xã hội. Như vậy phạm vi nghiên cứu đã được xác định rõ ràng. Và nội dung nghiên cứu chi tiết đã được thông qua, được viết đầy đủ trong bản đề cương. Vì vậy người đọc bám sát vào yêu cầu và những sản phẩm phải hoàn thành để góp ý, nhận xét mà cơ quan chủ quản đã giao nhiệm vụ.

Phần một: Điều kiện tự nhiên vùng Tây Hồ: gồm 67 trang đánh máy.

Người đọc nhận thấy cấu trúc về chương mục nói chung là hợp lý. Đi vào chi tiết, nên chăng sau mục III.

(Đặc điểm địa chất – địa hình)

Tiếp theo IV: Đặc điểm khí hậu – thủy văn vùng Hồ Tây

V: Đặc điểm tài nguyên mới

VI: Hiện trạng môi trường

Như vậy đứng trên quan điểm địa lý, nó chặt chẽ và logic hơn.

Về nội dung: Trên cơ sở phân tích các tài liệu, tác giả đã kết luận được: hồ Tây là khúc uốn của sông Hồng cổ, bị bỏ dòng sau khi chuyển dịch lên phí Bắc.

Theo người đọc nên dùng thuật ngữ chuyên môn thống nhất của Địa Mạo là khúc uốn Sông, không nên dùng là khúc quanh.

Trên cơ sở phân tích các mặt cắt địa chất, đệ tứ vùng Hà Nội – hồ Tây của liên đoàn Địa chất công trình Địa chất Thủy văn miền Bắc và theo tài liệu khảo sát của công ty khảo sát thiết kế sở giao thông công chính Hà Nội, cùng với mặt cắt, địa chất cắt qua sông Hồng của Tổng công ty dầu khí Việt Nam, với kiến thức chuyên môn sâu về địa chất – đệ tứ - địa mạo, tác giả đã trình bày ngắn gọn súc tích, có hệ thống dễ hiểu về đặc điểm kiến tạo, về quá trình trầm tích của Hà Nội, quá trình trầm tích của Hồ Tây. Không những thế, tác giả đã khái quát tổng hợp để nêu lên đặc điểm địa tầng, địa chấn, địa kỹ thuật của một khu vực rất hẹp, của những vấn đề rất lớn thuộc về khoa học địa chất, địa mạo.

Người đọc đánh giá cao cách trình bày: gọn, dễ hiểu cho một đối tượng đông đảo không có chuyên môn về địa chất – địa mạo đệ tứ.

Số liệu phong phú, có nhiều mặt cắt địa chất đẹp

Người đọc cho rằng có thể bổ sung thêm cả những quan điểm của các tác giả khác về Địa chất – Địa mạo trầm tính và lịch sử Hồ Tây nếu có, còn chưa thống nhất.

Một số điểm cần lưu ý:

Cần bổ sung những kết luận về tiềm năng tài nguyên địa chất của vùng Tây Hồ và phụ cận. Đây là một điểm nhấn quan trọng, người đọc thường quan tâm.

Tác giả mới cung cấp các số liệu về định tuổi địa chất tương đối. Cần bổ sung số liệu về định tuổi địa chất tuyệt đối nếu có.

Nhiều ký hiệu của bảng chú giải, tuổi địa chất in ấn quá nhỏ và mờ hoặc có lỗi kỹ thuật. Vì vậy cần kiểm tra chính xác trước khi in ấn và xuất bản (trang 15, 16, 17 v.v.)

Cần bổ sung một số phẫu diện đất ở một số điểm đặc trưng, điển hỉnh của vùng Tây Hồ.

Cần bổ sung các số liệu về sử dụng đất hiện nay và sơ đồ quy hoạch sử dụng đất vùng Tây Hồ trong quá trình đô thị hóa.

Phần năm: Văn hóa – nghệ thuật

Tác giả trình bày trong 107 trang đánh máy với nội dung phong phú, súc tích.

Với trình độ hiểu biết sâu sắc, có phương pháp trình bày hấp dẫn. Tác giả trình bày tỉ mỉ, uyên thâm về nội dung, trang phục, kiến trúc, văn hóa tinh thần, tôn giáo – tín ngưỡng, lễ hội phong tục tập quán, các di tích lịch sử, các di tích cách mạng kháng chiến, các danh nhân văn hóa.v.v..

Người đọc đánh giá cao sự hiểu biết kim cổ của tác giả về nội dung đã được trình bày ở phần văn hóa – nghệ thuật.

Nội dung: phong phú, súc tích. Trong quá trình diễn giải, tác giả đã so sánh, phân tích các dấu hiệu theo thời gian lịch sử. Điều đó làm tăng chất lượng và hấp dẫn người đọc.

Tác giả đã cung cấp cho người đọc nhiều thông tin, làm giấu kiến thức và sự hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật qua các biến cố thay đổi của thời đại.

Nhược điểm: Theo người đọc, do thời gian hạn hẹp, do đó các tác giả còn mắc nhiều lỗi kỹ thuật trong in ấn. Một số lễ hội cổ truyền ở phường Nghĩa Đô quận Cầu Giấy chưa thấy trình bày. Ví dụ: Hội Nghinh Xuân ở đình Bái Ân, phường Nghĩa Đô .v.

Phần sáu: Văn học

Tác giả đã trình bày trong 126 trang đánh máy, với nội dung rất phong phú, đa dạng, uyên thâm kim cổ. Đây là một phần quan trọng nổi trội có nhiều đóng góp công sức so với các phần khác.

Cụ thể, tác giả đã trình bày sâu về mảng văn học truyền miệng, thần thoại và truyền thuyết (ông Dầu bà Dầu – Trâu vàng- Thánh Linh Lang ở Yên Phụ ở Thụy Khuê, ở Thủ Lệ...). Mảng ca dao - ngạn ngữ...

Người đọc đánh giá cao về nội dung cũng như cách trình bày của tác giả. Qua đây, chúng ta càng trân trọng và đánh giá cao công sức sưu tâm, chọn lọc và vốn hiểu biết và khả năng tự dịch thuật của tác giả như:

Văn học Hán – Nôm: thơ – phú – văn xuôi.

Văn học chữ quốc ngữ: Thơ – văn xuôi

Cụ thể là:

Các tác giả Hán – Nôm viết về Tây Hồ, gồm 40 tác giả văn và thơ từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX

Các tác giả quốc ngữ trước 1945 viết về Tây Hồ gồm 25 tác giả văn và thơ.

Các tác giả hiện đại viết về vùng Tây Hồ, gồm 109 tác giả (trong đó có 14 người viết văn xuôi).

Một số đoạn trích các áng văn của người Pháp viết về Tây Hồ (gồm 5 tác giả)

Qua phần trình bày, chúng ta càng nhận thấy tác giả có vốn hiểu biết sâu, rộng về văn học. Trên cơ sở đó tác giả đã sưu tầm, chọn lọc và tổng kết để viết nên mảng văn học phong phú này.

Văn phong sáng sủa, khúc chiết.

Tác giả đã cung cấp nhiều thông tin, tư liệu về văn học qua các thời kỳ của vùng

Tây Hồ.

Nhược điểm: Còn nhiều lỗi kỹ thuật

Trang 6, trang 7, trang 14, 15v.v.)

Phần bẩy :Giáo dục - y tế

Tác giả trình bày trong 36 trang đánh máy

Nội dung

Về giáo dục:

+ Tác giả đã trình bày các hình thái giáo dục qua các thời kỳ lịch sử.

+ Các trường học và các nhà giáo tiêu biểu xưa và nay.

- Về y tế:

+ Tác giả đã trình bày về y tế qua các thời kỳ lịch sử.

+ Các thầy thuốc tiêu biểu xưa và nay.

Nói chung tác giả đã kiểm kê về giáo dục và y tế của vùng Tây Hồ xưa và nay qua các thời kỳ lịch sử. Đồng thời đã lựa chọn và giới thiệu được những trường học các thầy thuốc và các nhà giáo tiêu biểu.

Người đọc mong muốn tác giả đã trình bày sâu thêm về Trường PTTH Chu Văn An qua các thời kỳ. Bởi vì đối với vùng Tây Hồ, Trường PTTH Chu Văn An là một điểm nhấn quan trọng về giáo dục. Trường PTTH Chu Văn An là một trường tiêu biểu, có nhiều lãnh tụ học ở đây, đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước.

Phần chín: Quy hoạch

Tác giả trình bày trong 68 trang đánh máy, với khoảng 40 sơ đồ và ảnh minh họa.

Tác giả đã hệ thống hóa các bản quy hoạch vùng Tây Hồ qua các thòi kỳ lịch sử: từ thời phong kiến thời kỳ Pháp thuộc, thời kỳ sau cách mạng 8 – 1945 với vai trò của Hồ Tây trong quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội từ 1954 đến 2005 cùng với một số đồ án quy hoạch chi tiết vùng Tây Hồ thời kỳ sau 1954.

Cụ thể:

Quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/2000, năm 1994

Quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/2000 năm 2001

Quy hoạch chi tiết, khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra).

Quy hoạch chi tiết khu đô thị mới tây hồ Tây tỷ lệ 1/2000 năm 2005.

và một số công trình kiến trúc ven Tây Hồ, hồ Trúc Bạch.

Tác giả đã sưu tầm, cập nhật, hệ thống hóa các thông tin để cung cấp cho chúng ta một bức tranh tổng thể về vai trò của vùng Tây Hồ đối với quy hoạch Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, tới năm 2005.

Số liệu đáng tin cậy và có những nhận xét cá nhân bổ ích với những kiến thức sâu về chuyên môn ngành

Người đọc mong mỏi có thêm thông tin mới cần được cập nhật về vai trò của hồ Tây trong mối quan hệ chặt chẽ với quy hoạch mới của Thủ đô Hà Nội tới năm 2030 và tầm nhìn tới 2050.

Nói tóm lại: Đây là một công trình nghiên cứu có tính tổng hợp, liên ngành thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau.

Người đọc đánh giá cao công sức của các tác giả đã bỏ ra cho công trình khoa học này.

Các tác giả đã giới thiệu cho người đọc một bức tranh toàn cảnh, hấp dẫn, đa lĩnh vực về địa chí vùng Tây Hồ với nội dung phong phú, nhiều số liệu được cập nhật, được phân tích nhằm đáp ứng cho người đọc nhiều kiến thức liên ngành về một vùng Tây Hồ của Thủ đô hà Nội với tinh thần ngàn năm yêu quý đất Thăng Long.

Về hình thức: Văn phong khúc triết, sáng sủa, hấp dẫn.

Số liệu: phong phú, đa ngành đa lĩnh vực, tổng hợp bổ sung cập nhật.

Rất tiếc vì thời gian hạn hẹp, các tác giả còn để mắc nhiều lỗi kỹ thuật.

Xét về tổng thể, công trình khoa học “Địa chí vùng Tây Hồ” đáp ứng được nội dung khoa học và hình thức như bản đề cương chi tiết đã đề ra.

Người đọc kính trình hội động khoa học cho được nghiệm thu công trình khoa học này. Các tác giả cần sửa chữa và bổ sung nội dung góp ý của các phản biện của hội đồng nghiệm thu, đồng thời phải sửa chữa các lỗi kỹ thuật và kiểm tra chi tiết trước khi in ấn, xuất bản.

Cần bổ sung bản danh mục các tài liệu tham khảo.


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá