Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội
Thứ hai, 15/08/2011 12:49
Tác giả: PGS.TS. Võ Quang Trọng (Chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09.

Tóm tắt nội dung:

Là một cuốn sách được biên soạn trên cơ sở kế thừa kết quả của chư­ơng trình nghiên cứu cấp Nhà nước KX.09: Phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và giá trị lịch sử văn hóa 1000 năm Thăng Long - Hà Nội phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô, tiếp thu thành quả của các thế hệ đi trước, công trình này tiếp tục làm sáng tỏ các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long - Hà Nội, bao gồm văn học dân gian và tiếng Hà Nội, di sản Hán Nôm, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, trò chơi, trò diễn, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực và nghề truyền thống;  Chỉ ra được kinh nghiệm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể, trên cơ sở tổng kết lịch sử, kinh nghiệm của các nước và thực tế của Hà Nội hiện nay; từ đó đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội.

Cuốn sách gồm các chương sau đây:

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn của bảo tồn và phát huy                                        giá trị di sản văn hóa phi vật thể           

Chương 2: Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội 

Chương 3: Giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội  

Chương 4: Các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội         

            Bình luận sách

* PGS.TS Trần Lâm Biền (Bình luận bản thảo)

Nhìn về hình thức đây là một bản thảo tốt: vấn đề mà bản thảo này đề cập đang là vấn đề mà xã hội cần. Với độ dày 325 trang đánh máy trên khổ giấy A4, ngoài “Lời nói đầu” và danh mục 388 đơn vị tài liệu tham khảo, nội dung của cuốn sách được cơ cấu một cách hợp lý theo 4 chương.

          Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn của bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

          Nội dung của chương này đề cập đến một số khái niệm như là công cụ làm việc: khái niệm văn hóa, văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, văn hóa Thăng Long - Hà Nội, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.

          Chương này cũng đề cập tới một số quan điểm và chính sách bảo tồn văn hóa phi vật thể của tổ chức UNESCO, của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đồng thời phân tích kinh nghiệm của một số nước về công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể như: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ... Có thể nói kinh nghiệm của các nước được các tác giả đúc rút lại trong bản thảo này là rất hữu ích đối với công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể ở Thủ đô nước ta.

          Chương2: Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội

          Có thể nói đây là chương quan trọng nhất của bản thảo. Các tác giả đã gom các lĩnh vực thuộc di sản văn hóa phi vật thể ở Hà Nội lại theo 6 nhóm chính: 1. Văn học dân gian, 2. Thư tịch Hán Nôm, 3.Tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội, 4. Nghệ thuật biểu diễn, 5. Văn hóa ẩm thực và 6. Làng nghề và phố nghề. Sau khi lập danh mục nhóm, các tác giả đã đi vào phân tích khá sâu từng loại hình cụ thể.

          Việc lập danh mục này cũng cho thấy Thăng Long - Hà Nội có một tài sản đồ sộ và phong phú về di sản văn hóa phi vật thể. Đó là những tài sản tinh thần vô giá mà người dân Thăng Long - Hà Nội bao đời đã sáng tạo nên, đã nâng niu gìn giữ nó trong chiều dài cả 1000 năm lịch sử. Điều đó cũng chỉ ra cho người Hà Nội ngày nay trách nhiệm phải bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa của cha ông, nhất là trong quá trình hội nhập toàn cầu cũng như quá trình CNH, HĐH hiện nay ở nước ta hiện nay.

          Chương 3: Giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội

Sau khi lập danh mục, các tác giả đã dành một chương - chương 3 để phân tích những giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội. Theo các tác giả thì các giá trị lịch sử được các công trình này thể hiện ở các nội dung như: Sự sáng tạo bản địa của người Thăng Long xưa, những chứng nhân về các sự kiện lịch sử, các hiện tượng lịch sử, giá trị sử liệu, giá trị về chính sách mà người đời nay vẫn còn có thể tiếp tục kế thừa... Giá trị văn hóa được thể hiện ở chỗ chúng như là những kho tàng tri thức đa dạng và giàu có. Giá trị nhân văn, giá trị giáo dục được thực hiện ở vai trò giáo dục đạo đức, tính vị tha, tính nhân bản của con người...

          Những phân tích khá sắc sảo trong chương này của các tác giả làm cho người đọc có thể thấy được những giá trị to lớn của các di sản văn hóa phi vật thể hiện còn của Thăng Long - Hà Nội. Những giá trị này còn đóng một vai trò to lớn trong xây dựng văn hóa, lối sống văn minh thanh lịch của Thủ đô hiện nay.

          Chương 4: Các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội

          Để có cơ sở đề ra các giải pháp các tác giả không chỉ dựa trên kết quả phân tích, đánh giá về di sản mà còn đánh giá về tình hình bảo tồn phát huy các giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội, những thành tựu đã đạt được và những hạn chế cần khắc phục. Những tài liệu được trình bày cho người đọc thấy được trong những năm qua, hệ thống quản lý ở Thủ đô Hà Nội đã làm được nhiều việc để gìn giữ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, song cũng còn nhiều vấn đề bất cập cả ở tầm nhìn, hệ thống chính sách và cách thức thực hiện...

          Từ cách tiếp cận như trên đây, các tác giả đã đưa ra 5 giải pháp để bảo tồn va phát  huy các di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội như sau:

- Tổng kiểm kê toàn bộ các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

- Tiếp tục sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể.

- Nâng cao vai trò gia đình, nhà trường và xã hội trong việc phổ biến các giá trị văn hóa phi vật thể.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.

- Đào tạo và nâng cao trình độ của đội ngũ văn hóa cơ sở.

Đánh giá và đề xuất:

1. Bản thảo này đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể ở Thủ đô.

2. Về mặt hình thức: cơ cấu theo bố cục một cách khá hợp lý, văn phong sáng sủa, trích dẫn, chú dẫn nghiêm túc.

3. Về nội dung: Đây là một bản thảo hay, bước đầu đề cập đước và khá đủ các nội dung cơ bản về một công trình nghiên cứu văn hóa phi vật thể (như đã nêu ở trên).

4. Hạn chế: Các khái niệm về: Văn hóa, văn hóa phi vật thể, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể... còn nghèo, chưa điểm lại hết được các cách nhìn, các quan niệm rất đa dạng hiện nay ở Việt Nam cũng như ở khu vực và thế giới, nói chung chưa tiếp cận tốt nhất tới các lý thuyết hiện đại. Mặc dù các tác giả đã dành 127 trang/325 trang của bản thảo để nói về “Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội”, nhưng chừng ấy là chưa xứng tầm với kho tàng có thể nói là khá đồ sộ về các di sản văn hóa phi vật thể được tích tụ hàng ngàn năm ở Thăng Long - Hà Nội. Các phân tích còn thiếu chiều sâu...

5. Đề xuất: Mặc dù chưa thật xuất sắc, nhưng bản thảo này là một bản thảo tốt, phần nào đó khỏa lấp được một phần khoảng trống trong công tác nghiên cứu, sưu tầm và đáp ứng nhu cầu giới thiệu, quảng bá và công tác quản lý văn hóa hiện nay. Trong bối cảnh Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đề nghị xuất bản công trình này.


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá