Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong định hướng phát triển không gian Thủ đô Hà Nội
Thứ hai, 15/08/2011 12:50
Tác giả: TS. Đỗ Xuân Sâm (Chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09.

Tóm tắt nội dung:

Cuốn sách kế thừa kết quả nghiên cứu của Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước KX.09: "Nghiên cứu phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, địa lý, môi trường góp phần định hướng phát triển không gian của Thủ đô Hà Nội trong nửa đầu thế kỷ XXI" mã số KX - 09 - 01 do Viện Địa lý chủ trì thực hiện.

- Đề tài đã đi sâu phân tích, đánh giá tổng hợp các yếu tố tự nhiên: cấu trúc địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy văn, địa chất thủy văn, địa chất công trình, đất, sinh vật, cảnh quan sinh thái nhằm sáng tỏ tính khá đa dạng của tự nhiên cũng như mức độ biến đổi của nó do hoạt động khai thác lãnh thổ mạnh mẽ.

- Đề tài đã đánh giá các tiềm năng, lợi thế và hạn chế về ĐKTN, TNTN và môi trường lãnh thổ Hà Nội (Về khoáng sản; Về tài nguyên sinh vật; Tài nguyên nước dưới đất; Môi trường không khí; Tài nguyên khí hậu...).

- Đề tài đồng thời đưa ra các dự báo tải lượng gây ô nhiễm nước mặt đến năm 2020; Dự báo nhu cầu dùng nước, trữ lượng khai thác và trị số hạ thấp mực nước đến năm 2020; Dự báo xu thế biến đổi đa dạng sinh học ở Hà Nội...

- Từ việc xác định những nguyên nhân chính và dự báo khả năng gây suy thoái tài nguyên, môi trường đề tài đã đề xuất các định hướng cơ chế, chính sách, các giải pháp sử dụng hợp lý ĐKTN, TNTN và bảo vệ môi trường góp phần phát triển bền vững.

- Đề tài đã đi sâu nghiên cứu các luận cứ khoa học cho việc định hướng phát triển không gian của thủ đô Hà Nội

- Đề tài cũng đã cung cấp CSDL bản đồ chuyên đề điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường thành phố Hà Nội đã ứng dụng HTTĐL để xây dựng tuân thủ theo quy phạm thành lập bản đồ chuyên đề, tiện lợi cho khai thác ứng dụng và cập nhật thông tin.

Đề tài đã cố gắng để đưa vào CSDL lượng thông tin đầy đủ, phong phú cho người đọc nắm bắt, tra cứu và có thể ứng dụng, phát triển nội dung theo các chuyên đề sâu, rộng hơn.

Bình luận sách

* GS.TSKH Đặng Văn Bát (Bình luận bản thảo)

Trước hết, bản thảo có nội dung phong phú, thể hiện được các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường của thủ đô Hà Nội trước khi Thủ đô được mở rộng. Đây là những thông tin được tập thể tác giả tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đảm bảo cho độ tin cậy của các kết quả nghiên cứu. Người đọc xin được nhận xét và góp ý cụ thể cho từng chương như sau:

Chương I - Đặc điểm điều kiện tự nhiên lãnh thổ Hà Nội.

Chương này các tác giả đề cập đầy đủ về vị trí địa lý, cấu trúc địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu thủy văn, địa chất thủy văn, địa chất công trình, thổ nhưỡng, sinh vật và cảnh quan sinh thái. Người đọc góp ý chương này nên bổ sung thêm mặt cắt địa chất, đặc biệt là mặt cắt địa chất Đệ Tứ kèm theo sơ đồ địa chất Đệ Tứ (nếu được), không nên sử dụng thuật ngữ “chuẩn uốn nếp Đông Việt Nam” của A.E.Đovjucov (1965). Các tầng cấu trúc nên phân chia thành tầng cấu trúc móng trước Kainozoi và tầng cấu trúc Kainozoi cho phù hợp với sơ đồ kiến tạo và mô tả thêm tầng cấu trúc Kainozoi. Nên mô tả 1-2 hồ đặc trưng của Hà Nội (hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây chẳng hạn) trong phần thủy văn.

Chương II - Tổng quan quá trình biến đổi điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường

Trong chương này, sự biến động mạng lưới sông, đặc biêt là sông Hồng qua các thời kỳ và sự biến đổi điều kiện khí tượng thủy văn, nguồn nước đã được phân tích. Sông Hồng có ý nghĩa quan trọng đối với thủ đô Hà Nội, vì vậy việc khôi phục mạng lưới sông cổ và xem xét sự biến đổi lòng dẫn sông Hồng qua các thời kỳ là cần thiết cho chuyên khảo này. Nghiên cứu vấn đề này, người đọc cho rằng các thời kỳ phát triển của sông Hồng nên gắn với 2 giai đoạn biển tiến: biển tiến Vĩnh Phúc trước Holocen và biển tiến Flandrian trong Holocen. Việc biến đổi điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường Hà Nội cũng chịu sự chi phối của hai đợt biển tiến này. Người đọc cho rằng nên phân chia thành 3 giai đoạn: trước Holocen, từ 10000 năm (hoặc 12000 năm) đến 6000 năm (thời điểm của biển tiến cực đại Flanđrian), từ 6000 năm đến 3000 năm và cuối cùng là từ 3000 năm đến nay, đồng thời lập lại điều kiện cổ địa lý của chúng thì mới thể hiện được quá trình biến đổi điều kiện tự nhiên của Hà Nội. Hoặc có thể đề cập đến sự biến đổi điều kiện tự nhiên của Hà nội từ 1000 năm trở lại đây, nghĩa là sau khi vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long. Những vấn đề được viết trong chương này, người đọc cho rằng cũng chỉ nằm trong hiện trạng điều kiện tự nhiên và môi trường Hà Nội. Việc đánh giá ảnh hưởng của các công trình ven sông đến động lực dòng chảy... (mục 2.1.2), đề xuất phương hướng khai thác... (mục 2.1.3) và nghiên cứu bổ sung nước mặt... (mục 2.1.4) không nên để ở chương này .

Chương III - Đánh giá các tiềm năng, lợi thế và hạn chế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường

Các tài nguyên khoáng sản, khí hậu, nước mặt, nước dưới đất, môi trường đất, không khí, sinh vật, các tai biến địa lý, khả năng xói sạt bờ sông đã thể hiện được tiềm năng, lợi thế và những hạn chế của điều kiện tự nhiên và môi trường thủ đô. Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng được đặt ra ở đây. Trong chương này các tác giả lại đề cập đến tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động kinh tế - xã hội ở Hà Nội (tr.204 - 205), quá trình biến đổi lòng dẫn sông Hồng (tr.281 -285). Tài nguyên đất chưa được đánh giá, mặc dù vấn đề thổ nhưỡng đã được đề cập ở chương I. Một tài nguyên rất quan trọng là địa hình không được đề cập một cách hệ thống. Thuật ngữ “tai biến địa lý” nên thay bằng “tai biến tự nhiên”.

Chương IV - Đề xuất định hướng và các giải pháp khai thác hợp lý lãnh thổ

Để đề xuất các giải pháp khai thác hợp lý lãnh thổ, các tác giả đã dự báo biến động điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường trên các khía cạnh ô nhiễm nguồn nước, biến đổi môi trường không khí, và đa dạng sinh học. Những biến động này liên quan chặt chẽ tới hoạt động kinh tế xã hội. Các yếu tố tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên như vậy dự báo chưa thật sự đầy đủ, còn thiếu. Những vấn đề được đặt ra ở đây chủ yếu là vấn đề ô nhiễm môi trường nước và không khí. Đề xuất các giải pháp sử dụng hợp lý điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường được đưa ra ở đây đúng là mang tính định hướng, chưa cụ thể, ví dụ: "Tăng tỷ trọng chăn nuôi thủy sản. Tăng độ che phủ rừng” (tr.356).

Chương V - Định hướng phát triển không gian của thủ đô Hà Nội

Những định hướng phát triển không gian của thủ đô Hà Nội được đề xuất trong báo cáo chắc chắn không còn phù hợp trong điều kiện Hà Nội được mở rộng như hiện nay.

Chương VI - Xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường lãnh thổ Hà Nội

Chương này kiến nghị các chuyên gia công nghệ thông tin góp ý sử dụng những phần mềm hiện đại và hợp lý hơn.

Trên đây là một số ý kiến nhận xét góp ý của người đọc. Người đọc cho rằng đây là một báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học, vì vậy để xuất bản cần có sự chỉnh sửa một cách nghiêm túc, thậm chí theo quan điểm của người đọc, cần phải cấu trúc lại bản thảo cho hợp lý và đầy đủ nội dung. Về hình thức nên bổ sung một số ảnh minh họa. Mặt khác cần phải chỉnh sửa lại văn phong của bản thảo. Các bản vẽ, biểu bảng cân chỉ rõ nguồn số liệu.

 


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá