Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Giáo dục Thăng Long – Hà Nội: Quá trình, kinh nghiệm lịch sử và định hướng phát triển.
Thứ hai, 15/08/2011 12:51
Tác giả: PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế (Chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09.

Tóm tắt nội dung:

Cuốn sách này là kết quả nghiên cứu của đề tài "Giáo dục và đào tạo Thăng Long - Hà Nội, định hư­ớng phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô trong thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa " do PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế làm chủ nhiệm, với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu có liên quan. Đây là đề tài trong tổng thể chư­ơng trình nghiên cứu cấp Nhà nước KX.09: Phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và giá trị lịch sử văn hóa 1000 năm Thăng Long - Hà Nội phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô.

Tiếp thu có chọn lọc thành tựu nghiên cứu của đông đảo các học giả, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam trong và ngoài nước, các nhà quản lý, các nhà giáo dục và những người quan tâm đến giáo dục,  cuốn sách này tập trung vào:

Về không gian, là thủ đô Hà Nội theo địa giới hành chính hiện nay. Tuy nhiên, phần lãnh thổ trung tâm và ổn định nhất, có bề dầy thời gian nhất trong toàn bộ lịch sử Thăng Long - Hà Nội là các quận nội thành, vì thế trong thời kỳ cổ trung đại và cận đại, tập trung ở phần lãnh thổ này.

Về thời gian, là quá trình lịch sử của giáo dục Thăng Long - Hà Nội, từ thời kỳ Tiền Thăng Long, Thăng Long, Pháp thuộc cho đến thời hiện đại. Trong đó, Hà Nội giai đoạn sau 1954 và nhất là từ sau 1975 đến nay được quan tâm khảo sát kỹ lưỡng hơn.

Về nội dung, là vấn đề giáo dục Thăng Long - Hà Nội, từ lịch sử hình thành và thực tế phát triển, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm, thành công cũng như hạn chế; trên cơ sở đó đưa ra những đề xuất, định hướng, quan điểm và giải pháp nhằm phát triển giáo dục với vai trò là nguồn động lực quan trọng phát triển toàn diện Thủ đô trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

          Bình luận sách

* GS. Đinh Xuân Lâm (Bình luận bản thảo)

1- Đây là một đề tài hay, có ý nghĩa lớn về lý luận và thực tiễn. Đặc biệt trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, công trình này càng có thêm ý nghĩa về mặt tổng kết, rút ra một số bài học lớn về phát huy truyền thống và phát triển trên cơ sở hội nhập, tiếp thu cái mới, hiện đại, tiên tiến của bên ngoài vào.

2- Để giải quyết đề tài, tập thể tác giả đã có nhiều cố gắng trong sưu tầm, khai thác các nguồn tư liệu từ nhiều phía (trong đó có dựa vào các văn kiện Đảng qua các thời kỳ, đặc biệt là hiện nay). Nhờ vậy, trong phần Chương 5 (định hướng phát triển giáo dục - đào tạo Thủ đô Hà Nội) và phần Kết luận có một số ý kiến mạnh dạn, một số suy nghĩ đúng đắn. Đặc biệt, đã rút ra một số bài học cần thiết cho giáo dục - đào tạo Hà Nội hiện nay, có sự phân tích, đánh giá tầm quan trọng của Thăng Long - Hà Nội về giáo dục - đào tạo đối với cả nước.

3- Tuy nhiên, trong thực tiễn đề tài, vẫn có một số tồn tại và hạn chế cần được khắc phục để nâng cao chất lượng. Trong quá trình đọc bản thảo, tôi có đánh dấu lưu ý tập thể tác giả thảm khảo. Sau đây, chỉ xin nêu lên một vài điểm lớn:

- Lấy năm 1888 làm năm cuối thời kỳ phong kiến trong lịch sử Việt Nam, e rằng không đúng. Nên lấy năm 1884 với việc ký kết hòa ước Patenotre (6/6/1884) đánh dấu sự đầu hàng của toàn bộ giai cấp phong kiến Việt Nam - đây là nói về mặt giai cấp, chứ hoàn toàn không có nghĩa là sau đó không còn những cá nhân phong kiến, những phong trào mang tính chất phong kiến, nhưng lúc đó họ không còn đại diện cho giai cấp phong kiến đã mất vai trò lịch sử với tư cách là một giai cấp xã hội. Từ năm 1884 là bắt đầu chế độ thuộc địa. Còn nói về nền giáo dục Pháp - Việt thì trước năm 1888 thực dân Pháp đã mở trường ở Nam Kỳ rồi, còn nói cụ thể ở Hà Nội thì cũng có trường từ sau năm 1884.

- Trong phân kỳ lịch sử, nên (hay nói đúng hơn là cần) phải gọi đúng tên của từng thời kỳ thì mới nắm chắc nội dung với các đặc điểm của thời kỳ đó. Thí dụ: thời kỳ 1946 - 1954, tại sao không gọi đích danh là "Thời kỳ tạm chiếm"?

- Phải đi tới những kết luận cần có sau khi đã phân tích, không nên (và không được) có những đề mục có tính áp đặt, như ở chương II (Giáo dục - đào tạo Thăng Long - Hà Nội, thành tựu và các bài học kinh nghiệm), có mục 3 (thực trạng hiện nay của giáo dục - đào tạo Thủ đô Hà Nội) có lẽ nên đặt tiểu mục 3.1 (những đánh giá chính thức) ở sau các tiểu mục 3.2 và 3.3 để đối chiếu so sánh. Như vậy hợp lý hơn!

- Có trường hợp đặt vấn đề ngược. Tại sao Chương V lại đặt vấn đề: yêu cầu của CNH - HĐH ở Việt Nam với giáo dục - đào tạo thủ đô (mục 1), mà không nêu: Giáo dục - đào tạo Thủ đô với yêu cầu CNH - HĐH ở Việt Nam? Vừa logich hơn, mà cũng thuận lời văn hơn! Mà lại nêu cao được vai trò chủ động của Hà Nội với tư cách là chủ thể?

- Phần giáo dục - đào tạo của Hà Nội thời Cận đại (thời Pháp thuộc) do không nắm nên viết có nhiều sai lầm. Cuộc khai thác thuộc địa lần 1 là từ 1897 - 1914; tiếp đó là 4 năm chiến tranh thế giới 1 (1914 - 1918), rồi từ 1919 (năm đầu sau chiến tranh) mới bắt đầu khai thác 2, cuộc khai thác 2 dừng lại với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933; trang 103 cần phân biệt giữa cao đẳng Tiểu học Pháp - Việt học 4 năm sau khi có bằng tốt nghiệp Tiểu học (trước kia thường gọi là đậu Rime - Primoire), bằng Cao đẳng tiểu học Pháp - Việt trước kia nhân dân ta quen gọi là bằng Diplôme, thực ra Diplôme là mảnh bằng, còn tên quen gọi khác là bằng Thành Chung. Còn Trung học (Collège hay Lycée) cũng có hai loại. Đậu Thành Chung rồi, phải thi vào trường Trung học (Lycée) như trường Lycée du Protectơrat (trường Trung học Bảo hộ), hay còn gọi cái tên quen thuộc Trường Bưởi, lúc đầu cũng chỉ có cấp cao đẳng Tiểu học, học thi tốt nghiệp rồi, nếu ai muốn học thêm thì thi lên bậc Tú tài (học 3 năm, sau 2 năm đầu phải thi, có đậu Tú tài phần 1 mới được học năm 3 (có chuyên ban) để thi Tú tài phần 2). Trường Bưởi lúc mới có 4 lớp cao đẳng tiểu học thì gọi là Collège du Protectơrat sau khi có thêm 3 năm Tú tài mới gọi là Lycée du Protectơrat (như ta gọi bây giờ là Trung học cơ sở lên Trung học phổ thông). Trong khi đó thì ở Đông Dương vẫn có trường riêng cho con Tây (như trường Albert Sarrant), tất nhiên cũng có 1 vài con em Việt Nam, Lào, Miến, con vua chúa, quan lại cao cấp, tư sản lớn... học theo chế độ trường Trung học Pháp, từ lớp 12 lên tới lớp 1 thì thi Tú tài phần 1, nếu đậu thì học thêm 1 năm (không phải thi vào) để thi Tú tài phần 2.

- Câu văn nhiều khi không gọn và rõ ý; chữ dùng không thích hợp; chữ Pháp - nhất là ở bản Mục lục - viết sai rất nhiều.

Đánh giá chung

Nhìn chung, tập thể các tác giả đều có cố gắng, nhưng tay nghề không đồng đều. Phần viết về thời kỳ phong kiến, có lẽ các kiến thức đã ổn định nên việc giới thiệu, trình bày tuy còn rườm rà, nhưng còn tương đối. Sang đến phần thuộc địa, tuy về thời gian có gần người viết hơn, nhưng do không nắm chắc lịch sử phần này nên có nhiều sai sót đáng tiếc. Riêng về tổ chức giáo dục - đào tạo của Pháp thời Pháp thuộc, do không nghiên cứu kỹ nên có nhiều điểm cần đính chính. Vì vậy, cần gia công thêm nhiều mới đảm bảo chất lượng cần có (và đáng có trong dịp Đại lễ).

 

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá