Kinh tế hàng hóa của Thăng Long - Hà Nội: Đặc trưng và kinh nghiệm phát triển.
Tóm tắt nội dung:
Cuốn sách là kết quả nghiên cứu của đề
tài khoa học cấp Nhà nước (Mã số KX09.06) trong Chương trình: “Nghiên cứu phát
huy điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa 1000 năm
Thăng Long - Hà Nội, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô” (Mã số KX09).
Trên
cơ sở khảo sát thực trạng phát triển kinh tế hàng hoá của Thăng Long - Hà Nội
qua các thời kỳ lịch sử (thời kỳ phong kiến, thời kỳ thực dân Pháp đô hộ và tạm
chiếm, thời kỳ xây dựng CNXH theo mô hình kế hoạch hoá tập trung và thời kỳ đổi
mới) đề tài đã khái quát, rút ra các đặc trưng chung của nền kinh tế hàng hoá
và đội ngũ doanh nhân Hà Nội. Đồng thời từ thực tiễn 1000 năm phát triển kinh
tế hàng hoá của Thăng Long - Hà Nội, đề tài rút ra một số bài học kinh nghiệm
cần thiết đối với sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa Hà Nội trong hiện tại
và tương lai.
Xuất
phát từ bối cảnh trong nước và quốc tế, đề tài đề xuất định hướng và một số
giải pháp phát triển kinh tế thị trường ở Hà Nội đến năm 2020 như sau:
-
Về định hướng: Tạo dựng, phát triển các yếu tố thị trường và các loại thị
trường. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Hà Nội. Phát triển Hà Nội thành
trung tâm tài chính của đất nước. Thúc đẩy CNH, HĐH và thu hẹp khoảng cách phát
triển giữa ngoại thành và nội thành.
-
Về giải pháp: Tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức về kinh tế thị trường định
hướng XHCN ở thủ đô, tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước đối với
sự phát triển kinh tế hàng hoá. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và
hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Thủ đô. Huy động và sử
dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, tăng cường hợp tác, liên
kết kinh tế. Chủ động thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại ,
tập trung phât triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ chất lượng
cao, từng bước hình thành nền kinh tế tri thức. Thúc đẩy phát triển kinh tế hợp
tác xã, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Phát triển các
dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh hàng hoá. Phát triển nguồn nhân lực Thủ đô,
đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế hàng hoá trình độ cao. Nâng cao năng lực
cạnh tranh của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh hàng hoá. Phát triển kinh
tế hàng hoá gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái của thủ đô.
Bình
luận sách
* PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ (Bình
luận bản thảo)
"Kinh tế hàng hóa của Thăng Long - Hà Nội:
Đặc trưng và kinh nghiệm phát triển" là một cuốn sách chuyên khảo,
được đúc kết từ một đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, các người thực
hiện gồm một chủ biên, 7 tác giả biên soạn và 31 tác giả tham gia. Việc sản
phẩm thô của nó vốn là một đề tài khoa học lớn của một tập thể tác giả đông
đảo, đã qua góp ý, chỉnh sửa và nghiệm thu là một thế mạnh, một thuận lợi cơ
bản cho việc biên soạn cuốn sách, tuy đồng thời, ở một khía cạnh nào nó cũng có
thể tạo nên một khó khăn và điểm yếu của công trình.
Cuốn
sách đã nêu lên một vấn đề hấp dẫn về lý luận và mang tính thời sự. với việc
phân tích lý thuyết cùng nghiên cứu so sánh đồng đại (các thủ đô trong khu vực)
và lịch đại (sự chuyển đổi những mô hình), các tác giả muốn nêu lên rằng:
"Phát trển kinh tế hàng hóa là lõi cốt của một nền kinh tế thị trường, mà
nền kinh tế này lại là một xu thế mang tính quy luật và một thực tế lịch sử
toàn cầu ngày nay". Các tác giả có nói đến các dạng thức của kinh tế hàng
hóa thị trường, trong đó có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đáng tiếc là việc phân tích một vấn đề khoa học mới mẻ và lý thú đó chưa được
sâu sắc và rõ ràng, tuy vẫn biết rằng việc liên kết giữa hai mô hình kinh tế và
chính trị tương phản đó cũng giống như việc lai ghép hai cơ thể sống không cùng
chủng loại, quả thật là điều khó khăn và cũng là khó nói.
Bố
cục cuốn sách, được dàn dựng thành 7 chương, là một cấu trúc hợp lý, qua trình
tự giới thiệu chủ đề và những luận điểm cơ bản (chương I), phát triển nghiên
cứu vấn đề qua các giai đoạn lịch sử (các chương II, III, IV, V), tiếp đến hai
chương tổng kết cuối sách (chương VI và VII). Trong mỗi chương, cũng có sự dựng
lên một bố cục, khung sườn tương tự: hoàn cảnh lịch sử, chủ trương chính sách,
thực trạng và đặc trưng. Cấu trúc đó có lợi cho việc trình bày nội dung, được
chia xếp vào từng ô khá chặt chẽ, dễ cho việc theo dõi. Đó cũng là cách trình
bày phổ biến và hợp lý cho một đề tài nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, đây là
một cuốn sách chuyên khảo. Việc tạo ra một hệ thống hơi nhiều những bộ khung
sườn quá cứng chặt như vậy liệu có thực cần thiết không và có làm cho cuốn sách
trở nên gò bó, chật hẹp, nhiều chỗ trùng lặp và ít thoáng đãng, sinh động đi không?
Trong hai chương tổng hợp quan trọng cuốn sách, đôi chỗ có những ý kiến hay,
khá độc đáo, nhưng người đọc tự hỏi rằng đây là một cách diễn giải đường lối
chính sách của Đảng và Nhà nước, hay là nêu lên những quan điểm riêng của nhóm
tác giả? Nếu đó là chủ trương của nhà cầm quyền, e rằng chưa được thật trung
thành. Thí dụ như có đúng là Nhà nước "công
nhận quyền sở hữu đất đai hợp pháp của người dân và các tổ chức doanh nghiệp
trong nền kinh tế" (trang 234) không? Nếu là quan điểm riêng của người
viết sách - và có lẽ như thế thì hay hơn - thì một số điểm nhấn chưa được tập
trung làm nổi bật, tính phản biện, tranh luận và bảo vệ quan điểm có phần còn
mờ nhạt, đôi chỗ chưa dẫn, chưa đủ sắc bén và mạnh mẽ.
Các
tác giả đã thành công trong việc làm tỏ rõ vị thế của Thăng Long - Hà Nội, với
tư cách là một đô thị lớn lâu đời giàu tiềm năng, kinh đô - thủ đô của cả nước
và một trung tâm kinh tế vùng trọng yếu, trong quan hệ giao lưu với các địa
phương trong nước, với khu vực và quốc tế, và cũng là vi mẫu của xã hội Việt
Nam truyền thống và hiện đại.
Nội
dung những thông tin trình bày trong cuốn sách phong phú, được chắt lọc, nghiêm
túc khoa học trong cách trình bày chứng minh, dẫn nguồn xuất xứ, một số trang
sinh động hấp dẫn, chất lượng nghiên cứu cao. Rất tiếc rằng do khuôn khổ của
cuốn sách, phần mô tả tường thuật thông tin chưa được phát triển nhiều, đề có
thể trở thành một cuốn sách lịch sử kinh tế Thủ đô đầy đặn vì là một đề tài đã
qua nghiệm thu, hầu như không có những lỗi sơ suất, lỗi kỹ thuật. Một số góp ý
cá nhân về nội dung, cách diễn đạt, được ghi trực tiếp vào bản thảo chỉ là
những chi tiết vụn vặt để tham khảo.
Tuy
vậy, người đọc vẫn có cảm giác hình như việc miêu tả thông tin trong cuốn sách
chưa thật cân xứng. Các chương nói về kinh tế Hà Nội thời hiện đại phần còn khô
khan, ít sinh động hơn các chương nói về kinh tế Thăng Long thời trung, cận
đại.
Ở
những chương IV và V, khi phục dựng bức tranh Hà Nội đương đại, có nhiều tư
liệu, số liệu thống kê hơn. Đâu đó cũng có những ý tưởng mới mẻ và độc đáo. Tuy
nhiên, người đọc không kiên nhẫn sẽ có thể bị rối rắm bởi những con số và những
mệnh đề lý luận mang tính khái quát. Những hình tượng minh họa sinh động còn
thiếu vắng. Nhiều tiểu mục có tiêu đề trung tính, khá mờ nhạt. Ở đây có thể
tham khảo những kinh nghiệm hiện đại về văn phong nghiên cứu. Đại loại như ở
chương IV rất xứng đáng để có thể nêu thành một đề mục riêng, thí dụ:
"Cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội mười năm dồn đến chân tường của Hà
Nội". Hoặc như trong chương V tiếp theo, một đề mục khác: "Một bước
ngoặt lịch sử mang tính giải cứu: từ đổi mới tư duy đến thay thế mô hình kinh
tế". Chí ít, cũng nên tô điểm cho hai chương này một số câu phân tích gây
ấn tượng.
Tương
tự như vậy, trong hai chương cuối (VI và VII), người đọc vẫn gặp phải một lối
hành văn đậm chất nghị quyết pha với báo cáo tổng hợp, với nhiều kết luận kiểu
một là, hai là, rất chuẩn mực, hiền lành và hơi đơn điệu. Trong khi họ lại mong
chờ một cái gì khác hơn thế, có thể thấy hiện lên nổi bật những ý tưởng mới,
độc đáo và sáng tạo.
Tóm
lại, chúng ta nên phân biệt hai vấn đề khác nhau. Bản thân cuốn sách - đề tài
về kinh tế hàng hóa Hà Nội là một công trình biên soạn công phu, có nhiều gợi ý
đáng để suy nghĩ, tuy chưa thật rõ. Nội dung phong phú và biên tập kỹ lưỡng -
không có gì phải sửa chữa thêm, ngoài việc rà soát lại một vài chi tiết nhỏ -
việc xuất bản cuốn sách chắc chắn sẽ là một đóng góp bổ ích cho đại lễ Thăng
Long - Hà Nội ngàn năm và sẽ được hoan nghênh.
Có
điều giới độc giả ngày nay thường tỏ ra khó tính. Họ cho rằng mình có quyền
tham lam với những điều mong đợi cao hơn mà họ thích. Có thể đó là những đòi
hỏi thiếu thực tế và bất khả thi, nhưng không phải là hoàn toàn vô ích. Và việc
nói lên những ước vọng đó đối với những cuốn sách trong nền học thuật tương lai
của chúng ta cũng sẽ không bao giờ thừa.
Nhà xuất bản Hà Nội