Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Những phẩm chất nhân cách đặc trưng của người Thăng Long - Hà Nội
Thứ hai, 15/08/2011 12:55
Tác giả: GS.TS. Phạm Tất Dong (Chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09.

Tóm tắt nội dung:

Cuốn sách này là kết quả nghiên cứu của đề tài có mã số KX.09.11, kết hợp với việc tập hợp hàng trăm những tác phẩm đi trước viết về người Thăng Long - Hà Nội, phân tích dưới một góc nhìn tổng hợp theo cách tiếp cận liên ngành để vẽ nên một chân dung người Hà Nội với một số phẩm chất đặc trưng trong nhân cách của người dân sinh sống trên vùng "địa linh nhân kiệt" này.

Cuốn sách được bố cục với các chương chính sau đây:

Chương I: Luận chung về con người Thăng Long - Hà Nội

Chương II: Những phẩm chất nhân cách người Thăng Long - Hà Nội trong thời kỳ phong kiến

Chương III: Người Hà Nội thời hiện đại

Chương IV: Những giá trị cơ bản trong nhân cách của người Thăng Long - Hà Nội

Chương V: Người Thăng Long - Hà Nội thanh lịch

Chương VI: Nền giáo dục trên đất Thăng Long - Hà Nội

           Bình luận sách

* GS. Phong Lê (Bình luận bản thảo)

1. Công trình gồm 6 chương, nhìn tổng thể thì có cảm tưởng sự nối kết giữa các chương là không thật chặt chẽ lắm; nhưng mỗi chương đều được khảo sát công phu; và tách riêng ra thì mỗi chương đều có đóng góp cho việc nhìn nhận, trực tiếp hoặc gián tiếp, các giá trị tạo nên phẩm chất, nhân cách người Hà Nội, từ lịch sử đến hiện tại.

Nhìn chung, tập thể tác giả đã khảo sát khá sâu gương mặt lịch sử, qua các phương diện của sử, văn hóa sử, trên cơ sở các thư tịch đã có; và mặt khác, cũng bám sát các phương diện đương đại của Hà Nội trong bối cảnh đất nước trong hội nhập quốc tế hôm nay. Trong soi sáng và gắn nối giữa hai phía, công trình đã gợi được nhiều thú vị và bổ ích.

2. Chương I: Luận chung về con người Thăng Long - Hà Nội đặt ở đầu sách gợi được những suy nghĩ chung về đối tượng được bàn. Là một chương hay, nhưng có lẽ vẫn còn cần có thêm các góc nhìn khác, ngoài văn hóa học, tâm lý học, sử học, triết học. Một khái quát về Hà Nội sẽ sống động và phong phú hơn, nếu sự tham khảo, được mở rộng thêm trên góc nhìn văn học- nghệ thuật hiện đại - chẳng hạn qua các tác phẩm như Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài, Nhớ gì ghi nấy của Nguyễn Công Hoan, Bóng nước Hồ Gươm của Chu Thiên, Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách v.v...

Ở chương này, bàn về đặc điểm, nhân cách người Thăng Long - Hà Nội thời phong kiến, - ngoài ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo và “các yếu tố nội sinh”, có nên thêm Đạo giáo, là khu vực từng có vai trò trong đời sống tinh thần và tâm lý người Việt, qua một trong các đại diện tiêu biểu là Trạng Trình?

3. Chương II bàn về phẩm chất - nhân cách người Thăng Long - Hà Nội thời phong kiến là một chương tốt - với những phân tích khá sâu, chẳng hạn về người thị dân ở ta so với phương Tây, về các luồng di cư văn hóa; trong khi Chương III bàn về Người Hà Nội thế kỷ XX - từ thời thuộc Pháp cho đến nay lại bị chia ra quá vụn vì bám quá chặt vào các sự kiện lịch sử.

Tôi nghĩ, tên Chương III nên là Người Hà Nội thời hiện đại (thay cho Người Hà Nội thế kỷ XX), bắt đầu từ khi Pháp sang, đưa xã hội Việt Nam chuyển từ phong kiến sang bán phong kiến - thuộc địa. Thời hiện đại (để phân biệt với Thời trung đại, hoặc Thời phong kiến) chỉ nên chia thành 3 giai đoạn:

- Thời thuộc Pháp (cho đến 1945) với các tác động và hệ quả của thực dân hóa và hiện đại hóa.

- Thời chiến tranh (1945 - 1975) trong tình thế cách mạng, chiến tranh, đất nước chia đôi và thế giới chia thành 2 phe.

- Thời hòa bình (từ sau 1975), với các vấn đề của hậu chiến, đổi mới và hội nhập.

Đặt đối tượng khảo sát vào 3 bối cảnh trên để nhận diện sẽ thấy được rõ hơn các đặc trưng, tránh được những lúng túng và trùng lặp. Do cách chia thời kỳ quá vụn, bám quá chặt vào các sự kiện chính trị nên cách viết ở chương này không khác mấy với cách viết của sử, gồm những tri thức đã quá quen thuộc, quá cũ với nhiều người; còn đối tượng cần khảo sát là phẩm chất - nhân cách người Hà Nội thì đành phải dừng lại ở những khái quát hoặc là vụn vặt - nhất thời, hoặc là chung chung, không có gì mới.

4. Chương IV: Bàn về Những giá trị cơ bản trong nhân cách của người Thăng Long - Hà Nội gồm 6 mục: yêu nước; tự lập, tự cường; cố kết cộng đồng; đạo lý thương người và lòng biết ơn; tinh thần dân chủ và ý thức công bằng xã hội; truyền thống hiếu học và tính sáng tạo.

Có lẽ, dẫu có chọn cách trình bày như thế nào, cũng khó tránh được các ý tưởng trên - nó là giá trị cơ bản trong nhân cách người Thăng Long, nhưng cũng đều có ở con người Việt Nam nói chung. (Đem các phẩm chất này vận vào người xứ Nghệ, cũng vẫn được). Đòi hỏi đi tìm cái thật là riêng của người Hà Nội trong các giá trị chung đó quả là khó. Do vậy mà thấy sự cần thiết, và cũng không thừa câu chuyện này, bàn thì cứ bàn, vận vào ai cũng được, trước khi vào Chương V - bàn trực tiếp vào phẩm chất thanh lịch của người Hà Nội.

5. Chương V: Người Hà Nội thanh lịch là chương tốt trên cả 2 phương diện: tổng hợp ý kiến của các học giả trong nước, qua một Hội thảo lớn; và các điều tra xã hội học - tất nhiên chỉ là để tham khảo.

6. Tôi đặc biệt hứng thú với Chương VI bàn về Nền giáo dục trên đất Thăng Long - Hà Nội, nhờ vào hai phương diện tiếp cận - khơi sâu vào lịch sử và đón kịp (hoặc đón trước) yêu cầu của thời đại, trong bối cảnh cuộc Toàn cầu hóa lần thứ ba. Đây là yêu cầu đặt ra, vừa cấp bách, vừa bao trùm chung cho cả dân tộc, và do vậy, càng là vấn đề riêng của Hà Nội, trong tư cách là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước.

Phải bằng, và chỉ bằng biện pháp giáo dục - để tạo nên cái vốn người, thì Hà Nội mới có thể đóng được vai trò là trung tâm, là đầu tàu cho cả nước, sau tất cả những gì đã có, trong đó “thanh lịch” là nét nổi trội trong hành trình lịch sử.

7. Văn phong của công trình nói chung là tốt, trên cả hai phương diện: khái quát và miêu tả. Có những mục hoặc những đoạn văn được viết với nhiều cảm hứng.

Nhưng vẫn cần soát xét lại về chi tiết hoặc các trích dẫn. Chẳng hạn, tr. 32: Thương nhớ mười hai vẫn của Vũ Bằng (chứ không phải Băng Sơn); tr.274 (dòng 15): chắc là Trần Quốc Tuấn (chứ không phải Trần Quốc Toản); tr.71: “dự lễ Tuyên ngôn độc lập” (?)... Một đoạn trích của tôi, ở 2 tr.15 và 16 có sót và sai xin sửa lại vài chỗ: “trong (sót) phân biệt với nhiều nơi”, “không gây (sót) mặc cảm”, “do khả năng tiếp nhận (chứ không phải cận) và gạn lọc kỳ diệu (sót) (hoặc vĩ đại) của nó”.

Kết luận:

Đi tìm một gắn nối thật chặt chẽ, thật hữu cơ giữa các chương mục cho một khảo sát về phẩm chất, nhân cách đặc trưng của người Thăng Long - Hà Nội (như tên sách) thì có lẽ là không dễ; nhưng với 6 chương đã được đề cập (trừ 1, 2 chương hơi yếu) cuốn sách đã đạt được một chất lượng quý, rất cần cho những ai là người Hà Nội, hoặc có quan hệ gắn bó với Hà Nội, nhất là trong dịp Đại lễ 2010 này.

Một cuốn sách có ích và thú vị.

 

 Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá