Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Quản lý và phát triển Thăng Long - Hà Nội, lịch sử và bài học
Thứ hai, 15/08/2011 12:57
Tác giả: PGS.TS. Vũ Văn Quân (Chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: KX.09.

Tóm tắt nội dung:

Chuyên khảo này được hoàn thành trên cơ sở tổng kết kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp Nhà nước Thăng Long - Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị, hành chính của đất nước - những bài học về quản lý và phát triển, mã số KX.09.02 do Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển – Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan chủ trì, PGS.TS Vũ Văn Quân làm Chủ nhiệm.

Trên cơ sở kế thừa thành tựu của các nhà nghiên cứu, các công trình nghiên cứu đi trước, chuyên khảo này sẽ tập trung khảo sát lịch sử Thăng Long - Hà Nội trên phương diện quản lý và phát triển, để rút ra những bài học kinh nghiệm làm cơ sở cho việc định hướng các giải pháp tổ chức quản lý và phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.  Đối tượng nghiên cứu trực tiếp của chuyên khảo này là Thăng Long - Hà Nội nhưng nhấn mạnh đến vai trò trung tâm chính trị, hành chính quốc gia của đô thị này. Vì thế, các vấn đề về quản lý và phát triển được tập trung khảo sát ở đây đều phải xuất phát từ đặc trưng đó.

Cuốn sách được chia làm 6 chương như sau:

Chương I: Quản lý và phát triển Thăng Long - Hà Nội từ định đô đến xâm lược của Pháp (1010 - 1873)

Chương II: Quản lý và phát triển thành phố Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc (1873 - 1945)

Chương III: Quản lý và phát triển thành phố Hà Nội từ sau Cách mạng tháng Tám đến giải phóng Thủ đô (1945-1954)

Chương IV: Quản lý và phát triển Thủ đô Hà Nội từ 1954 đến 1975

Chương V: Quản lý và phát triển Thủ đô Hà Nội từ 1975 đến nay

Chương VI: Bài học về quản lý và phát triển Thăng Long - Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia

Bình luận sách

* GS.TS. Đỗ Thanh Bình (Bình luận bản thảo)

1. Đây là bản thảo cuốn sách được biên soạn từ kết quả cảu đề tài KX09.02 với tiêu đề “Thăng Long - Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị, hành chính của đất nước - những bài học về quản lý và phát triển”. Tôi vinh dự đã được tham gia phản biện đề tài này khi nghiệm thu cấp Nhà nước, cho nên nói về ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung cuốn sách, có lẽ, cũng không chỉ là tài liệu tốt cung cấp cho bạn đọc về một vấn đề của lịch sử Thủ đô mà còn là một ấn phẩm có ý nghĩa dâng lên Đại lễ kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.

2. Nội dung cuốn sách thể hiện rất rõ lịch sử quản lý và phát triển Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ. Các chương mục cuốn sách đã thể hiện chủ đề mà các tác giả muốn trình bày.

 Kết cấu cuốn sách rõ ràng, hợp lý, chặt chẽ và logic. Diễn đạt trong sáng, đúng ngôn ngữ sử học và phù hợp với nhiều đối tượng khi đọc cuốn sách này.

Nói tóm lại, về nội dung, kết cấu, giá trị của cuốn sách tôi khẳng định có chất lượng khá hoàn hảo, có ý nghĩa cả về lịch sử, chính trị và thực tiễn (đặc biệt là qua các bài học mà nhóm tác giả nêu ra).

3. Tuy nhiên, để cuốn sách hoàn thiện hơn và đưa vào xuất bản, xin trao đổi với tập thể tác giả mấy điểm.

Từ kết quả đề tài đến ấn phẩm là một cuốn sách để ra mắt bạn đọc cần biên tập chỉnh sửa từ chi tiết nhỏ nhất. Có những chi tiết, đối với đề tài khi nghiệm thu thì được, nhưng khi ra sách cần rà soát cho kỹ.

- Phần mở đầu:

+ Trang 5: có chỗ chú ý diễn đạt, ví dụ: “... trình độ quản lý của chúng ta, vốn là xã hội nông dân..., còn nhiều hạn chế”, mệnh đề phụ cần diễn đạt lại cho ăn nhập với mệnh đề chính, chứ để “Trình độ quản lý của chúng ta vốn là xã hội nông dân” thì không ăn nhập với nhau.

Đoạn cuối từ trang 11 đến trang 13 cần viết lại, vì hầu như đoạn này là cách viết cho đề tài, chứ không phải cho cuốn sách. Thậm chí có cả 1 trang ghi tên các tác giả và cộng sự, mà ở trang phụ bìa đã ghi rồi, nên theo tôi không cần thiết ghi ở đây cụ thể nữa, mà chỉ nêu khái quát thôi. Ở phần này, tác giả vẫn dùng từ “đề tài”.

- Một số cụm từ cần viết hoa cho đúng. Ví dụ “Việt Nam dân chủ cộng hòa  > "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”; “Cách mạng Tháng Tám” > “Cách mạng tháng Tám”...

- Về các niên đại, phải viết cho đúng, nếu không sẽ lẫn sang văn nói. Trong bản thảo đa số viết đúng, nhưng vẫn còn “sạn” nhiều chỗ:

Ví dụ:

+ “Quản lý và phát triển Thủ đô Hà Nội từ 1954 đến 1975”, phải viết là “Quản lý và phát triển Thủ đô Hà nội từ 1954 đến 1975”

+ “Từ 1982 - 1983” phải viết là “Từ năm 1982 đến năm 1983”.

+ “...trong 10 năm 1975 - 1985”, phải viết là “trong 10 năm (1975 -1985)...”

+ Trang 171, tác giả nhầm “Từ 1965 - 1965” xem lại "Ttừ năm 19... đến 19...”

+ Trang 184 “Năm 1955 - 1956” phải viết là “Những năm 1955 - 1956”

Những lỗi về niên đại rất nhiều, tôi đã ghi bằng mực đỏ trong văn bản thảo.

- Trang 125: Tác giả viết “về phía Đảng Cộng sản Việt Nam” xin xem lại, vì vào thời kỳ Cách mạng tháng Tám, Đảng ta vẫn mang tên “Đảng Cộng sản Đông Dương”

- Danh từ riêng: viết cho đúng và thống nhất

+ Trang 196: Kualalămpua, nên viết là Kula Lămpua

+ Trang 245: Kualampua, phải viết là Kuala Lămpua.

+ Trang 247: “Lên án đế quốc Mỹ xâm lược Irắc...” nên bỏ, vì không hẳn như vậy đâu. Đối với những người ít thông tin, ít hiểu biết thì có thể nói như vậy, nhưng với chúng ta có thể phân định được mức độ của sự kiện, hay sự thật. Tốt nhất nên bỏ, vì không ảnh hưởng gì đến chất lượng cuốn sách.

+ Trang 252, bảng nên có nguồn.

+ Trang 282: xem lại ngày, tháng, năm tiếp quản Thủ đô: Sách ghi: “ngày 10 -10 -1955?". Năm 1954 chứ.

+ Khi thực hiện đề tài này, thì Hà Nội và Quốc hội chưa có động tĩnh gì về xây dựng Luật Thủ đô. Nhưng khi chuẩn bị ra sách này thì Dự thảo Luật Thủ đô đã xong, đang lấy ý kiến để thông qua ở Quốc hội, do vậy trang 283 - 284 nói về điều này nên diễn đạt lại.

+ Trang 295: xem lại niên đại chồng chéo nhau: “từ 1960 - 1983” sau đó giai đoạn sau lại ghi “Từ 1980 đến nay” Lẽ ra phải ghi: “Từ năm 1960 đến năm 1983” sau đó lại ghi tiếp “từ năm 1983 đến nay” xét về logic.

+ Trang 309: “ngày 1 tháng 12 vừa qua”. Có thể khi viết đề tài và bảo vệ ngay thì như vậy, nhưng khi lên sách, sách lại tồn tại lâu dài thì e rằng chữ “vừa qua” không hợp với văn viết, do vậy nên ghi năm cụ thể.

Tóm lại, những sai sót chủ yếu là về lỗi kỹ thuật, tôi đã ghi trong bản thảo, không ghi hết vào đây được (xin xem bản thảo).

- Cuối cùng đề nghị nên có một, hai trang giới thiệu cuốn sách.

Kết luận. Đây là bản thảo tốt, là đóng góp của tập thể đông đảo các tác giả. Đề nghị sau khi chỉnh sửa, sớm cho xuất bản.


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá