Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Phát triển bền vữngThủ đô Hà Nội
Thứ hai, 15/08/2011 01:00
Tác giả: GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc (Chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Văn hóa - Xã hội.

Tóm tắt nội dung:

Tháng 10 năm 2010 Ban Tuyên giáo TW đã chủ trì phối hợp với UBND. Thành phố Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về chủ đề “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”. Theo chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội trong CV số 9847/UBND-VHKG, Nhà xuất bản Hà Nội trên cơ sở kết quả của Hội thảo sẽ tổ chức biên tập, xuất bản thành một cuốn sách - một ấn phẩm của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Kết cấu sách gồm 7 phần:

- Phần 1: Những vấn đề chung về “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”.

- Phần 2: Lịch sử - Chính trị

- Phần 3: Văn hóa

- Phần 4: Giáo dục

- Phần 5: Kinh tế - Xã hội

- Phần 6: Tài nguyên - Môi trường

- Phần 7: Quy hoạch và quản lí đô thị

Cuốn sách có ý nghĩa khoa học và thực tiễn quan trọng, giúp các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu, định hướng phát triển bền vững của Thủ đô trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bình luận

* GS.TS. Tô Xuân Dân (Bình luận đề cương)

1. Về tính cấp thiết và ý nghĩa thực tiễn của Đề tài

Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình” được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, với sự đồng tổ chức của Ban Tuyên giáo Trung ương, UBND Thành phố Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học trong nước và quốc tế, thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Nội dung của Hội thảo là những nghiên cứu có tính tổng kết của các nhà khoa học, nhà quản lý về mọi mặt của quá trình phát triển Thăng Long - Hà Nội, trên các góc độ lịch sử, hiện trạng và xu hướng phát triển tương lai , trong đó nhấn mạnh các mặt: lịch sử - chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, tài nguyên - môi trường  và quản lý đô thị. Kết quả của Hội thảo không  chỉ thể hiện ở cách tổ chức,  ở các bài viết đa dạng và xúc tích, mà còn  thể hiện ở phần thảo luận và dư âm của nó. Nhằm khẳng định và phát huy hơn nữa kết quả của Hội thảo, việc tuyển chọn các bài nghiên cứu xuất sắc từ các tham luận Hội thảo để xuất bản thành một ấn phẩm đặc biệt trong tủ sách “Thăng Long  ngàn năm văn hiến” là hết sức cần thiết. Với mục tiêu  như vậy, Đề tài có ý nghĩa khoa học sâu sắc và ý nghĩa thực tiễn cấp bách.

2. Về cách tiếp cận, nguyên tắc tuyển chọn và kết cấu của cuốn sách

- Tôi tán thành cách tiếp cận và nguyên tắc tuyển chọn: phản ánh một cách khá toàn diện các mặt của đời sống Thăng Long - Hà Nội trong không gian mới, trong  đó phần được nhấn mạnh hơn là phần Thăng Long hay Hà Nội truyền thống. Các nguyên tắc cơ bản là lựa chọn những bài viết có chất lượng khoa học cao, tôn trọng quan điểm của tác giả, cấu trúc sách có tính chỉnh thể, logic và hợp lý giữa các phần, giữa các mảng  vấn đề và chủ  đề.

- Về kết cấu của cuốn sách với 5 phần: cơ bản tôi thống nhất về tên gọi, thứ tự và dung lượng của từng phần. Tuy nhiên, nên cân nhắc thêm:

+ Phần thứ 5: Điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường và quản lý đô thị. Riêng nội dung quản lý đô thị không ăn nhập với phần này. Nếu có thể, tách “Quản lý đô thị” thành 1 phần riêng, còn nếu không thì nhập vào Phần thứ tư “Kinh tế - Xã hội” có lẽ hợp lý hơn. Điều này được minh chứng là trong các bài của phần thứ tư đã có 3 - 4 bài liên quan đến  vấn đề “Đô thị  hóa”! (Mặc dầu đô thị hóa cũng có nhiều nội dung khác với quản lý đô thị).

+ Giữa các phần có 1 số bài có sự đan xen nhau về phạm vi và đối tượng  nghiên cứu (thực tế là sự phân chia các mảng theo các phần có ý nghĩa tương đối),  tuy nhiên vẫn có thể điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Ví dụ 1: Bài “Quy hoạch bảo tồn di tích Hoàng thành Thăng Long và Thành Cổ loa trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội” của TS. Hoàng Thụy Vân,  hiện để ở phần thứ hai: Lịch sử - Chính trị, nhưng theo chúng tôi, bài này liên quan tới công tác quy hoạch đô thị hiện nay nên để ở phần Quản lý đô thị thì phù hợp hơn.

Ví dụ 2: Bài “Bảo tồn các di sản và duy trì các đặc trưng đô thị của Hà Nội trong quá trình hiện đại hóa” của GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính, hiện để ở phần thứ ba: Văn hóa, nhưng theo chúng tôi, bài này cũng liên quan tới công tác quy hoạch đô thị hiện nay nên để ở phần Quản lý đô thị thì phù hợp hơn.

Ví dụ 3: Bài “Tái phát triển xe đạp tại Hà Nội vì mục tiêu phát triển giao thông đô thị bền vững” của KTS. Lê Nam Phong, hiện để ở phần thứ ba: Văn hóa, nhưng theo chúng tôi, bài này cũng liên quan tới công tác quy hoạch hiện nay nên để ở phần Quản lý đô thị thì phù hợp hơn (hoặc cũng có thể để ở phần thứ tư Kinh tế - xã hội).

Ví dụ 4: Bài “Vai trò của văn hóa trong xây dựng thành phố sáng tạo - một cách tiếp cận theo phương pháp luận” của Eui - Gak Hwang, hiện để ở phần thứ tư: Kinh tế - xã hội, nhưng theo chúng tôi, bài này đứng trên góc độ văn hóa là chủ yếu nên để ở phần thứ ba: Văn hóa thì phù hợp hơn.

... và một số bài khác.

Dĩ nhiên có những vấn đề mang tính liên ngành, liên lĩnh vực, nên khó phân định rạch ròi nhưng vẫn có thể và cần thiết cân nhắc để sắp xếp sao cho có tính khoa học hơn. Phương pháp chung ở đây là lấy ý kiến chuyên gia.

          3. Về Phần thứ tư: Kinh tế - xã hội

Phần này được đề tài chú ý lựa chọn với 28 bài viết, cơ bản đáp ứng theo những nguyên tắc tuyển chọn đã đề ra. Xin có một vài gợi ý thêm:

Một là, về thứ tự các bài  viết trong phần này, nên chăng có một định hướng thể hiện rõ ý đồ và phù hợp với chủ đề cũng như mục tiêu chung của cuốn sách:  

+ Chẳng hạn, nên xếp các bài về kinh tế trước, tới các bài đan xen kinh tế - xã hội và sau đó là các bài về mảng xã hội.

+ Mặt khác, nên xếp các bài đề cập các vấn đề có chiều sâu lịch sử trước, tới  các bài nặng về thực trạng rồi tới các bài có tầm nhìn về tương lai.

+ Bên cạnh đó, nên xếp các bài đề cập các vấn đề ở tầm nhìn vĩ mô trước, rồi tới các bài có tính cụ thể / hoặc đi sâu vào tầm vi mô.

Những yêu cầu trên đan xen nhau nên cũng khó tuân thủ triệt để, song việc sắp xếp theo một thứ tự khoa học có ý nghĩa rất quan trọng, nó có tính định hướng đối với mạch tư duy của người đọc và nâng cao tính chỉnh thể, logic và hợp lý giữa các mảng  vấn đề và chủ đề trong phần thứ tư của cuốn sách.

Hai là, nếu cần tuyển chọn cho chặt chẽ hơn, đối với phần thứ tư xin gợi ý:

+ Nên cân nhắc kỹ hơn mấy bài sau:

- Bài “Vai trò của văn hóa trong xây dựng thành phố sáng tao - một cách tiếp cận theo phương pháp luận” của Eui - Gak Hwang, bài này nặng về phương pháp luận. Khi tổ chức hội thảo thì cần, nhưng khi in sách nó lại thuộc chủ đề khác.

- Bài “Sự tiến hóa của Chicago - từ viễn cảnh y tế công cộng” của GS.TS. Gorr Alan. Bài này tuy có ý nghĩa nhất định trong việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế nhưng nó nằm ở khoảng cách khá xa với chủ đề cuốn sách.

Hai bài trên là của chuyên gia nước ngoài, nếu vẫn cần thiết đưa vào cuốn sách thì nên tìm một cách tiếp cận phù hợp hơn.

Hai là, nếu cần tuyển chọn bổ sung một số bài nghiên cứu xuất sắc khác cho phần thứ tư này, thì nên quan tâm đến nguồn lực con người, đặc biệt là việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài để phục vụ cho sự phát triển Thủ đô,  là một đòi hỏi bức xúc. Các bài viết trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH của Thủ đô” do Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Viện NCPT KTXH Hà Nội phối hợp tổ chức là nguồn tư liệu hữu ích.

4. Đánh giá chung và một số kiến nghị với Đề tài

4.1. Mặc dù còn một vài điểm cần hoàn thiện, đánh giá chung Đề cương bản thảo cuốn sách “PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI” là một kết quả nghiên cứu nghiêm túc với cách tiếp cận và nguyên tắc tuyển chọn đảm bảo tính khoa học và logic. Đề tài đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu đặt ra. Tôi đề nghị Hội đồng cho phép nghiệm thu sau khi chỉnh sửa một số điều cần thiết.

4.2. Để hoàn thiện và nâng cao hơn  chất lượng của cuốn sách, xin được lưu ý một số khía cạnh sau đây:

- Về kết cấu của cuốn sách, nên có 1 phần về “ĐÔ THỊ HÓA VÀ QUẢN LÝ ĐÔ THỊ CỦA HÀ NỘI.”.

- Nên chú ý có tiêu chí phù hợp khi sắp xếp các bài trong từng phần để giúp định hướng mạch tư duy của người đọc và nâng cao tính chỉnh thể của cuốn sách.

- Mạnh dạn lược bỏ 1 số bài trùng lắp hoặc ít có giá trị thực tiễn.

          - Nên quan tâm tuyển chọn một số bài viết về đào tạo nguồn lực con người, đặc biệt là việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài để phục vụ cho sự phát triển Thủ đô.

 


Nhà xuất bản Hà Nội
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá