Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Thủ công nghiệp, công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội (bình luận bản thảo)
Thứ ba, 03/07/2012 10:23
Tác giả: PGS. Nguyễn Lang. Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Kinh tế. Số trang: ước 364 trang.

Tóm tắt nội dung:

- Công trình giới thiệu quá trình phát triển của Thủ công nghiệp, công nghiệp từ Thăng Long đến Hà Nội ngày nay. Qua đó rút ra những bài học ban đầu trong việc quản lý, định hướng phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hiện nay.

- Đề tài giới thiệu một khía cạnh cụ thể của quá trình phát triển kinh tế của Thủ đô từ Thăng Long đến Hà Nội nhằm góp phần vào công tác tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thủ đô đã phát triển từ 1010 đến 2010.

- Công trình có ý nghĩa phục vụ đông đảo bạn đọc quan tâm và các nhà nghiên cứu.

Bình luận bản thảo

* PGS.TS. Phan Đăng Tuất - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách công nghiệp, Bộ Công thương

Sau khi đọc toàn bộ bản thảo do PGS. Nguyễn Lang chủ biên, tôi có một số nhận xét sau:

1. Các kết quả khích lệ:

- Đây là cuốn “dã sử” về Thủ công nghiệp, công nghiệp (TCN,CN) khá đồ sộ của Thăng Long - Hà Nội. Các dữ liệu được phân tổ theo thời gian, theo các nhóm ngành một cách khoa học giúp cho người đọc có được sự tiếp cận khá tổng quan về cả chiều dài lịch sử phát triển TCN và CN của Hà Nội xưa và nay.

- Các yếu tố mang tính lịch sử, sự tích, nguồn gốc của TCN, CN được viết lại trung thực, súc tích khiến cho bản thảo vừa có tính sử, vừa có tính văn học lại lột tả được sự phát triển TCN, CN của Hà Nội suốt thời gian dài.

- Có thể nói các góp ý từ Hội đồng góp ý đề cương đã được nhóm biên soạn tiếp thu, thể hiện khá tốt trong bản thảo cả về nội dung lẫn hình thức, trong đó:

+ Cách viết văn sử đã trở thành chủ đạo của bản thảo.

+ Tư liệu về cái riêng có của Hà Nội đã được đề cao.

+ Cách thể hiện kết cấu được chỉnh sửa lại khá logic.

+ Hình thức trình bày, (với các hộp) làm cho bản thảo sinh động hơn, kết cấu 3 chương là phù hợp.

Tôi cho rằng các kết quả trên là rất đáng khích lệ, và để bản thảo trở thành một cuốn sách trong bộ sách 1000 năm Thăng Long, xin đưa một số gợi ý để nhóm biên soạn tham khảo.

2. Một số góp ý:

Thứ nhất, nên hoàn thiện bản thảo về mặt hình thức gồm các điểm sau:

- Bổ sung mục lục

- Nên bỏ chữ “phần” mà chỉ “mở đầu” và vì đã có “mở đầu” thì cuối cùng nên có “lời kết”.

- Nên tách các hộp ra thành các hộp nhỏ (có tính phụ giải, minh chứng thêm) và viết cỡ chữ nhỏ hơn. Trong bản thảo nhiều hộp đã không còn là hộp nữa vì quy mô quá lớn.

- Còn một số lỗi viết hoa đầu dòng, thuật ngữ (trang 3 “quê hương của loài người”, câu ở trang 7…).

Thứ hai, về nội dung:

- Tên các chương nên thống nhất, chương 2 bỏ “tiểu công nghiệp” (trang 45), chương 3 nên vẫn có “định hướng…Thủ công nghiệp, công nghiệp…” (trang 169).

- Theo tôi viết về một vấn đề có tính lịch sử không nên trích cú nhiều từ các nhà kinh điển Mác - Ănghen bởi sự trích dẫn dễ cho cảm giác gò ép, không sát nội dung (như ở trang 2 - mở đầu, trang 175 - chương 3).

- Nội dung chương 2, ở các mục ngành nghề nên có một số số liệu có tính chất tổng hợp ví dụ như: Giá trị sản xuất công nghiệp, lao động tham gia, giá trị xuất khẩu (nếu có) để làm nổi bật vai trò của ngành đó trong sự phát triển kinh tế - xã hội, chính trị - văn hoá của Thủ đô.

- Ở chương 3 nên có nội dung liên quan đến Thủ công nghiệp vì cho dù công nghiệp hoá đến đâu thì Thủ công nghiệp vẫn tồn tại như một bản sắc và gắn chặt với sự phát triển của Thủ đô. Chỉ có điều cần thể hiện những nét định hướng đặc trưng mà Thủ công nghiệp Thủ đô sẽ phát triển. Có thể gồm 4 định hướng lớn sau:

+ Định hướng doanh nghiệp hoá các tổ chức thủ công nghiệp để thực hiện đúng các nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức này, đồng thời để quản lý nhà nước về thống kê, về phát triển hoạt động kinh doanh…

+ Định hướng Thủ công nghiệp theo hướng bền vững cả trên góc độ tạo giá trị gia tăng nhiều hơn, thu hút lao động nhiều hơn và đặc biệt là thân thiện môi trường.

+ Phát triển Thủ công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá tiêu dùng có tính lưu niệm, tuyên truyền và khuyếch trương bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam với thế giới.

+ Phát triển Thủ công nghiệp với các liên kết thích hợp, hiệu quả các ngành kinh tế - xã hội khác. Nhất là gắn kết với thăm quan du lịch.

- Về lời kết (hay thay cho lời kết) nên một lần nữa khẳng định vai trò vị trí của TCN, CN Thủ đô trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đưa ra các dự báo lớn cho sự phát triển TCN, CN Thủ đô trong tương lai.

3. Kết luận:

Đây là tài liệu tốt, xứng đáng tham gia vào tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, có giá trị tham khảo tốt cho những ai quan tâm.


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá