Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập công trình nghiên cứu Lịch sử (bình luận bản thảo)
Thứ ba, 03/07/2012 10:34
Tác giả: GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Chủ trì). Thể loại sách: Sưu tầm, tuyển chọn. Mảng sách: Tư liệu Tổng hợp. Số trang: ước 1616 trang.

Tóm tắt nội dung:

- Trong lịch sử Việt Nam, không một địa phương nào lại thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của đông đảo giới học giả trong và ngoài nước như Thăng Long - Hà Nội. Thành tựu nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội phản ánh vị thế, tầm quan trọng cũng như tương xứng với bề dày của mảnh đất “ngàn năm văn vật”. Những kết quả đạt được không chỉ tạo nên bức tranh đa diện về Thủ đô nghìn tuổi, mà còn góp phần làm sáng tỏ nhiều nội dung quan trọng của lịch sử, văn hóa Việt Nam.

- Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một công trình nào tập hợp những kết quả nghiên cứu về lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Kết quả nghiên cứu tuy nhiều, song chúng lại được trình bày rải rác ở nhiều nơi: trong sách hoặc kỷ yếu khoa học, trên các tạp chí chuyên ngành, xuất bản ở trong và ngoài nước… khiến việc tìm hiểu, nghiên cứu gặp không ít khó khăn. Công trình đáp ứng mong muốn tuyển chọn, tập hợp những bài viết tiêu biểu nhất của các tác giả trong và ngoài nước đã được công bố từ trước đến nay.

- Đề tài tập hợp, tuyển chọn và giới thiệu những bài viết tiêu biểu nhất về các vấn đề của lịch sử Thăng Long - Hà Nội (từ khởi thủy cho tới hiện nay). Đây không chỉ là công trình có giá trị khoa học đối với các nhà sử học, mà còn là tài liệu tham khảo bổ ích và cần thiết cho những người yêu Thủ đô và lịch sử Thủ đô Hà Nội.

Bình luận bản thảo:

* PGS.TS. Trịnh Vương Hồng - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

1. “Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập công trình nghiên cứu lịch sử” ra đời vừa thật sự đúng lúc nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, vừa có giá trị thiết thực, cơ bản, lâu dài với bạn đọc gần xa. Tiếp thụ nghiêm túc và sáng tạo ý kiến đóng góp của HĐKH khi thông qua đề cương, các bài được chọn lựa in thành 1270 trang bản thảo chứa đựng khối lượng khổng lồ tri thức có ý nghĩa cả về khoa học, chính trị, văn hóa và xã hội.

          2. Có thể thấy rõ bản thảo có những ưu điểm chính dưới đây:

          - Các bài được lựa chọn đã bám sát tiêu chí và yêu cầu đặt ra, hầu hết thực sự xứng đáng, tiêu biểu về nội dung, khoa học, tiêu biểu về lĩnh vực, vấn đề (và được khảo cứu sâu); tiêu biểu về tác giả (theo nội dung chuyên môn).

          - Nhờ lựa chọn đúng, công trình đã đề cập có thể nói là toàn diện Lịch sử Thăng Long - Hà Nội (gồm cả thời tiền Thăng Long), phác họa nên bức tranh Thăng Long - Hà Nội 1000 năm, đa sắc, lung linh mà gần gũi.

          Với những nội dung học thuật còn có những ý kiến khác nhau, tập thể tác giả đã khéo chọn những bài phản ánh đầy đủ các quan điểm; cũng có nội dung dường như để gián tiếp khẳng định những điều đã được thống nhất (về vua Hùng, vua Thục và quan điểm của Thiền sư Lê Mậu Thát).

          - Sự lựa chọn, như đã nói trên, không những tỏ rõ tinh thần khoa học và hơn thế, thấm đẫm tính nhân văn. Bởi, cũng có những nội dung có nhiều sự lựa chọn, nhưng các tác giả đã chú ý chọn bài của các tác giả đã khuất. Điều này rất quý.

          - Việc xử lý (kỹ thuật) một số trường hợp khá tinh tế.

          3. Có thể nghĩ thêm để xử lý tốt hơn một số khía cạnh dưới đây:

          - Có thể chuyển đổi vị trí, bài 9 (Dương Minh: Thử nhận định về những mũi tên đồng phát hiện ở Cổ Loa) chuyển xuống số 12; số 12 (Phạm Minh Huyền..Phát hiện Khu lò đúc mũi tên đồng trong thành nội Cổ Loa) đưa lên số 9.

          - Đối chiếu (để chỉnh lý) các bài ở công trình này, phần Thăng Long trước định đô, với công trình của TS. Nguyễn Văn Việt.

          - Nghiên cứu, có thể bổ sung:

          Nguyễn Văn Tài: Bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ kinh thành Thăng Long đời Trần, in trong Xưa và Này, 12 - 2009.

          - Võ Nguyên Giáp:Trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972, in trong 30 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003. (Cũng có thể chọn từ cuốn này một số bài khác).

          Phạm Kim Thanh: Người góp hơn 5000 cây vàng giúp nước, in trong Sông Hồng cuốn sóng, NXB Hà Nội, 2007 và (cũng tác giả, cùng in trong tập sách trên), Viết thêm về Đội liên lạc Nguyễn Ngọc Nại anh hùng.

- Phần thứ 4: Hà Nội từ 1945 đến nay, mục I: Hà Nội từ sau Cách mạng tháng Tám đến Toàn quốc kháng chiến và mục II Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp, có thể gộp là Hà Nội từ sau Cách mạng tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sẽ tránh được hạn chế của đề mục II (Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp - Cần thêm chữ thực dân trước chữ Pháp), mặc nhiên từ 23-9-1945 đến trước TQKC 19 - 12 - 1946 không nằm trong kháng chiến chống Pháp?

Cũng nên nghiên cứu cách viết: Toàn quốc kháng chiến, hay kháng chiến toàn quốc.

Hà Nội trong chống Mỹ, cứu nước, nên tìm thêm bài về hoạt động của dân quân tự vệ và nhân dân trong công tác chi viện, phòng không nhân dân và bài về phong trào học sinh, sinh viên ủng hộ miền Nam cho phong phú và đa dạng.

- Một số góp ý ngoài văn bản…

4- Tóm lại, đây là một công trình được triển khai công phu, nghiêm túc và khoa học. Một số ý kiến góp thêm cũng để tác giả nghĩ thêm, có thể điều chỉnh nếu thấy hợp lý và cần thiết. Đề nghị Hội đồng nghiệm thu và NXB sớm cho ra mắt bạn đọc.

Ghi thêm: nếu được nên cho in một số tấm ảnh tiêu biểu để minh họa cho sinh động.


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá