HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI TRÊN ĐẤT THĂNG LONG - HÀ NỘI: Vị thế quốc tế của Thủ đô nghìn năm văn hiến
Độ tin cậy về nội dung của cuốn sách ở chỗ nó là thành quả của một lượng lớn các nhà khoa học đầu ngành của đất nước trong khoa học lịch sử cùng lối biên soạn theo biên niên, kết hợp với lối làm từ điển sự kiện và nhân vật lịch sử; những sự kiện, tư liệu lịch sử được chọn lọc, cuốn sách với trên 500 trang in đã tái hiện bức tranh tổng quát có hệ thống, xác thực về những diễn tiến chủ yếu của các hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long – Hà Nội từ nhà Lý đến năm 2006.
Từ chương 1 đến chương 5, các tác giả dành cho việc mô tả “biên niên hoạt động đối ngoại của Thăng Long - Hà Nội” từ thời Lý (1009 – 1225), trải qua triều Trần (1226 – 1400), rồi cả khi mang tên Đông Đô – Đông Quan thì trên mảnh đất này vẫn toả sáng những hoạt động đối ngoại ở thời kỳ kháng chiến chống Minh và thời Lê sơ (1426 – 1527), hay thời nhà Mạc và Lê - Trịnh (1527 – 1789). Chương 5 là những hoạt động đối ngoại của Thăng Long – Hà Nội thời Tây Sơn và thời Nguyễn (1789 – 1945), kết thúc thời quân chủ lập hiến. Với những sự kiện chọn lọc, các tác giả đã phản ánh các hoạt động ngoại giao của các triều đại với Chămpa, đế quốc Nguyên – Mông, nhà Minh, Thanh… Nội dung của phần này đã thể hiện cả một thời kỳ chế độ quân chủ lập hiến với những hoạt động đối ngoại hết sức mềm mỏng, linh hoạt của các triều đại cùng với sự thông minh sắc sảo của những vị quan làm công tác ngoại giao thời xưa.
Chương 6, giai đoạn 1945 – 2006 là thời kỳ mà Hà Nội cùng cà nước đấu tranh giành độc lập, kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ để giành được độc lập, hòa bình thống nhất trên toàn vẹn lãnh thổ, rồi đi đến xây dựng, hội nhập và phát triển đất nước. Ở giai đoạn này các tác giả đã mô tả những hoạt động ngoại giao thông minh, sắc sảo và sáng tạo của Chính phủ Hồ Chí Minh với Pháp, Tưởng Giới Thạch, với Mỹ và với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ít nhất trước giai đoạn 1954) rất phong phú và sinh động. Các quan hệ ngoại giao trên đất Hà Nội từ năm 1954 - 1975, và đặc biệt từ sau năm 1975 đến 2006, với chồng chất những sự kiện quốc tế phong phú và phức tạp cũng đã được các tác giả thể hiện một cách mạch lạc. Ví dụ giai đoạn 1986 - 2006, các tác giả hướng tới các mối quan hệ với Bắc Kinh, các thành phố của Trung Quốc, với thủ đô các nước trong khu vực, thủ đô các nước Âu - Mỹ và với các tổ chức quốc tế khác,…
Sáu chương này tương ứng với sáu giai đoạn, phù hợp với phân kỳ lịch sử cổ trung đại và cận hiện đại của giới sử học nói chung. Trong mỗi chương, các tác giả kết cấu theo lối biên niên sự kiện chính và kết thúc bằng việc lựa chọn tên tuổi các nhà ngoại giao tiêu biểu của mỗi thời, từ Lý Thái Tổ đến nhà ngoại giao Vũ Khoan khi kết thúc nhiệm kỳ. Với việc giới thiệu các nhà ngoại giao tiêu biểu này đã phần nào thể hiện sự tỏa sáng của chính sách, sự ưu việt của người làm ngoại giao.
Chương 7 và chương 8 của cuốn sách là những phần có ý nghĩa khoa học và chính trị thực tiễn sâu sắc. Các tác giả đã đưa ra những nhận xét, đánh giá mang tính khách quan, xác đáng và khá toàn diện về hoạt động đối ngoại qua một ngàn năm lịch sử trên đất Thăng Long - Hà Nội, chỉ rõ tính sáng tạo, tính nhân văn sâu sắc trong sự lựa chọn phương cách ứng xử ngoại giao của dân tộc. Đồng thời các giả tổng kết nêu ra những bài học có giá trị tham khảo hữu ích, thiết thực cả về lý luận cả về thực tiễn đối với công tác đối ngoại hiện nay của Thủ đô nói riêng và của nước ta nói chung.
Ngoài 8 chương nội dung chính, cuốn sách còn có phần phụ lục khá thú vị và quan trọng như Bảng thống kê 207 sứ đoàn phong kiến Việt Nam từ năm 954 đến năm 1883; Bảng thống kê tổng cộng 84 sứ đoàn Trung Quốc đến Thăng Long từ năm 1010 đến năm 1841. Bảng thống kê này sẽ giúp người đọc có được những thông tin bổ ích đồng thời có được cái nhìn tổng quan về hoạt động đối ngoại diễn ra trên đất Thăng Long – Hà Nội.
Đọc cuốn sách, độc giả thấy rõ không chỉ quá trình định hình nên cốt cách văn hóa đối ngoại Thăng Long - Hà Nội, mà cả vai trò và những đóng góp xứng đáng của Thăng Long - Hà Nội đối với sự hình thành phong cách, truyền thống ngoại giao của dân tộc trong trường sử cả ngàn năm dựng xây, bảo vệ và phát triển đất nước.
Nhà xuất bản Hà Nội