Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Hà Nội với những tấm lòng gần xa
Thứ ba, 03/09/2013 03:49
Hà Nội không chỉ khiến cho những người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này mà phàm là người Việt Nam hay tha hương nơi đất khách cũng luôn cảm thấy có một sợi dây vô hình nào đó gắn bó thiết tha với Thủ đô thân yêu của mình mà nó còn có sức hấp dẫn mê hoặc cả với nhiều khách thập phương từ các nước láng giềng đến các nước xa xôi. Trong số những người khách nước ngoài ấy, nhiều người không đừng được đã để lại tâm tình, xúc cảm, ấn tượng của mình trong những ghi chép, những trang viết về mảnh đất này. Và những xúc cảm ấy đã được nhà văn - dịch giả Thuý Toàn sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu trong cuốn sách có tựa đề Hà Nội với những tấm lòng gần xa.

Cuốn sách với 664 trang in, gần 200 bài viết, bút ký, tản văn, ký sự… của 172 tác giả là những người bạn đến từ năm châu bốn biển, Hà Nội đã có một diện mạo nhiều chiều từ tình cảm của bạn bè quốc tế. Ngoài phần Lời giới thiệu, cuốn sách được bố cục với 3 phần chính và 2 phụ lục. Phần thứ nhất giai đoạn trước 1945, trong hơn 50 trang in, tác giả đã giới thiệu 9 bài viết. Đó là một Thăng Long - Kẻ Chợ với cái nhìn mới lạ của những người phương Tây lần đầu đặt chân như cái nhìn củaWilliam Dampeir (1652-1715) - một nhà hàng hải vĩ đại của Anh trong tác phẩm Đến thăm Kẻ Chợ - Thăng Long thủ đô của vương quốc Đàng Ngoài; những con phố tên Hàng đặc trưng của Hà Nội khiến cho người phương Tây hết sức kỳ thú, chẳng thế mà Charles Edouar Hocquard – nguyên một bác sĩ quân y trong quân đội viễn chinh Pháp đã khẳng định: “Tôi đã nói mỗi ngành nghề có ở Hà Nội là một phường riêng biệt. Điều đó khiến cho cuộc dạo chơi trong thành phố này rất hấp dẫn đối với người mới đến. Chỉ cần mỗi ngày dạo xem một đường phố một cách tỉ mỉ, đi từ nhà này đến nhà nọ trong suốt dãy phố, là có được một ý niệm chính xác và sâu sắc về những cách thức đôi khi rất tài tình của người An Nam trong các công nghệ”. Hoặc như dựa vào nhiều nguồn tư liệu và điều tra, André Masson (Pháp) đã dựng lại tương đối khách quan quang cảnh Hà Nội vào những năm 1873-1888, ở đây dịch giả Thuý Toàn đã chọn lựa bài Trường Thi để giới thiệu.

Phần thứ hai là giai đoạn kháng chiến chống Pháp - Mỹ (1946 – 1975), với 88 bài viết trong 267 trang, trong hoàn cảnh khốn khó, chiến tranh ác liệt thì những người nước ngoài vẫn thấy nét đẹp tâm hồn người Hà Nội đó là sự thân thiện gần gũi, tinh thần lạc quan, chẳng thế mà Jack Holssten - một thanh niên Đức đã chạy sang hàng ngũ quân đội nhân dân Việt Nam chống lại bè lũ thực dân xâm lược đã viết lên những câu thơ đầy xúc cảm: “Ôi em, vầng trăng lòng/ Soi sáng trời Hà Nội/ Trôi trong mùa thắng lợi/ Báo tin khắp Việt Nam”. Có những người nước ngoài nhiều năm gắn bó với Hà Nội và có cả những con người được Bác Hồ mời tham dự ngày độc lập của Việt Nam, trước sự vinh hạnh đó Archimedes L.A.Patti (1914-1988) - nguyên là một sĩ quan tình báo Mỹ đã có những trang viết đầy ngưỡng mộ và xúc cảm về chủ tịch Hồ Chí Minh, về con người Thủ đô; hay như Roman Karmen - nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn điện ảnh Xôviết (1966), ông đã tới chiến khu Việt Bắc vào thời điểm sắp kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, bằng ngòi bút của một nhà viết kịch bản phim, Hà Nội giải phóng như những thước phim sống động thể hiện từ niềm vui hân hoan của quân đội về tiếp quản, người dân Thủ đô nô nức ngày giải phóng đến hình ảnh thiểu não của những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội. Và tất cả những gì mà Hà Nội thấy tận mắt khiến cho người Mỹ này đã nhận thấy rằng “ở trong nước Mỹ, những gã điên rồ đó cho rằng bom sẽ có thể làm cho dân tộc này phải “sợ” – cái dân tộc đã suốt hai mươi nhăm năm trời chiến đấu chống thực dân Pháp và phát xít Nhật và đã đánh bại cả hai”.

Phần thứ ba là giai đoạn 1975 đến nay, đó là hình ảnh một Hà Nội trong dựng xây, hội nhập và phát triển. Trong 272 trang nội dung ta bắt gặp những bài viết mà tác giả là người đã nhiều năm gắn bó với Hà Nội và trở thành người quen thuộc như Lady Borton với bài viết Năm mới hôm qua, hôm nay và ngày mai; Tiếp sau nỗi buồn – đó là nỗi buồn phải chia xa nơi mà bà đã gắn bó nhiều năm, như quê hương thứ hai của bà, chả thế mà nhiều người Hà Nội từ phía sau đã không nhận ra trên đường phố có một người đi xe đạp mặc áo dài Việt Nam là một người Mỹ; chính sự thân thương gần gũi của đất và người nơi đây đã khiến cho Bacbara Labuđa - nữ sĩ Ba Lan đến Hà Nội để rồi trở thành nỗi nhớ khi rời xa: “Ngày mai tôi rời xa đất nước tuyệt đẹp này. Tôi bùi ngùi khi nghĩ về các bạn Việt Nam mà tôi chỉ mong cho họ ngày càng được sung sướng hơn. Tôi có thể làm được gì cho các bạn nhỉ? Tôi đã thấy rõ lòng tốt, tính kiên trì, tính cần cù và sự thông minh của những người bình thường ở đây”. Và Hà Nội với những tấm lòng gần xa còn là sự chân thành mộc mạc, ẩn sâu trong trái tim mỗi người bạn đến với Thủ đô, như nhà văn Thụy Điển Bodil Malmsten đã viết bài Người xa nhưng lòng không xa.

Ba phần nội dung đưa người đọc trở về với lịch sử Hà Nội từ thế kỷ XIX, qua các giai đoạn cách mạng, kháng chiến, xây dựng, bảo vệ và cuối cùng là phát triển hướng tới tương lai, để giúp người đọc hình dung con đường phát triển của Hà Nội cho đến thời kỳ đổi mới dưới con mắt của người nước ngoài, chủ yếu là những người bạn đã gắn bó với Việt Nam và đặc biệt là với thủ đô Hà Nội. Điểm chung trong các tác phẩm ấy là những cảm xúc và tình yêu chân thành mà họ dành cho Hà Nội, thể hiện sự trân trọng trước bản sắc của một vùng văn hóa lâu đời. Chả thế mà có một người nước ngoài đã nhận xét: “Có lẽ chỉ Giêrusalem, Mecca, hay Rome là có được niềm sùng kính tương sánh, nhưng những nơi này lại gắn với một hoặc nhiều tôn giáo huyễn hoặc, lấy chuyện lôi kéo nhân tâm làm cứu cánh chứ không phải hồn nhiên và thánh thiện như Hà Nội”.

Riêng phần phụ lục chú thích về tác giả dù chỉ vỏn vẹn 32 trang với những thông tin vắn tắt về tác giả, nhưng lại giúp người đọc hiểu hơn về những người bạn quốc tế, về những tấm lòng gần xa dành cho Hà Nội. Với 24 ảnh đen trắng, phần phụ lục ảnh góp thêm sự sinh động cũng như có cái nhìn toàn diện hơn về một Hà Nội trong con mắt bạn bè quốc tế.


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá