Cuốn sách có tổng số 1.164 trang in, gồm 3 phần, ở phần Lời giới thiệu mang tính tổng quan, nhóm tác giả đã thể hiện quá trình tạo lập văn bản
từ ban đầu sự tích của các vị thần chỉ là truyền miệng đến khi chữ Hán
được sử dụng rộng rãi, các truyền thuyết được văn bản hóa, rồi cơ cấu của văn bản thần tích ra sao, danh hiệu của các Tôn thần thế nào, sự đa dạng còn ở các dạng thức tồn tại của văn bản thần tích.
Từ những lý luận chung ấy, các tác giả đã soi rọi vào thần tích thần
phả Thăng Long – Hà Nội, nêu ra những đặc điểm của thần tích thần phả
của vùng đất vừa có tính làng quê vừa có tính kinh đô này để thấy được
sự đặc sắc có ở chốn kinh kỳ của một đất nước có nền văn minh lúa nước.
Gói gọn trong 40 trang giới thiệu ấy là những thông tin hữu ích, là
“chìa khóa” để đi đến tìm hiểu 62 văn bản thần tích tiêu biểu được giới
thiệu cả phần dịch nghĩa đến nguyên bản chữ Hán hoặc chữ Nôm trong phần
nội dung chính gần 1000 trang.
Các
văn bản thần tích ở đây được tuyển chọn trải dài theo trục không gian suốt 29
đơn vị quận, huyện trong thành phố, theo trục thời gian dài suốt tiến
trình lịch sử của Thăng Long – Hà Nội. Với cách thức tiến hành này người
đọc sẽ có được cái nhìn tổng quan cũng như chi tiết theo diễn tiến lịch
sử từ quá khứ đến hiện tại.
Không
đơn điệu hay hình thức mà các văn bản ở đây còn mang tính thuyết phục
bởi tính thực tế và độ tin cậy của tài liệu. Vậy nên theo con số điều
tra bước đầu, nhóm tác giả đã tìm thấy ở vùng Thăng Long - Hà Nội có
khoảng 2.200 bản thần tích thần phả. Ở
đây chỉ giới thiệu các vị thần có lịch sử hiển tích công tích rõ ràng
được thờ ở vùng Thăng Long - Hà Nội như Tản Viên Sơn Thánh và các vị bộ
tướng của ông, Hai Bà Trưng và các vị bộ tướng, đức thánh Bạch Hạc,
thánh Tam Giang, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi... Ngoài những thần trên thì một
vài đơn cử thể hiện sự đa dạng nhưng tiêu biểu như Thần tích xã Giã Cát của huyện Quốc Oai, thờ Ba vị Đại vương Tản Viên Sơn Thánh; Thần tích thôn Kim Mã là Ngọc phả ghi về Phùng Đại vương; Thần tích xã Láng Thượng thờ ngài Đại Thánh Từ Đạo Hạnh; Thần tích xã Phù Đổng thờ thần Phù Đổng Thiên Vương; Thần tích xã Thủ Lệ thờ Linh Lang Đại vương; Thần tích về Trưng Nữ Vương thờ ở đền Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng… Đó là những vị thần tiêu biểu không chỉ với Thủ đô Hà Nội mà còn cho cả nước.
Sách
còn có 4 phụ lục với gần 100 trang là những danh mục các địa phương thờ
thần Cao Sơn, thờ thần Linh Lang, thờ thần Bạch, cuối cùng là phụ lục Thư mục thần tích.
Thư mục này sẽ giúp ích cho những ai muốn tra cứu tìm hiểu một cách có
hệ thống về thần tích thần phả của Thăng Long – Hà Nội. Và cũng có thể
từ đây sẽ soi rọi cho sự tìm hiểu về văn hóa dân gian của những địa
phương khác.
Văn
bản thần tích giúp các thế hệ người Việt chúng ta biết được lai lịch,
công trạng của các vị thần được thờ làm thành hoàng làng. Nếu không có
văn bản thần tích được lưu lại ắt hẳn chúng ta sẽ gặp vô số khó khăn để
hiểu được những đóng góp cụ thể của từng vị thần được thờ trong các ngôi
đình làng của chính địa phương hay nơi mình cư trú. Ở đây không đơn thuần giới thiệu các văn bản mà các
tác giả còn dụng công cân nhắc câu chữ để đưa ra bản dịch trong sáng dễ
hiểu, đồng thời lại bỏ ra nhiều công sức tra cứu tìm tòi để chú giải tỉ
mỉ công phu, không chỉ làm tăng thêm chất lượng của tập sách mà nó còn
có giá trị lưu trữ sau này.
Trong những văn bản thần tích không đơn điệu ghi chép lại lai lịch hay công trạng của các vị thần mà hơn thế nhiều
bản thần phả thần tích ghi lại các câu chuyện đối nhân xử thế của cha
ông ta cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, được nhiều người tôn trọng,
đó là giá trị đạo đức ngàn đời còn lưu giữ. Vậy nên, cuốn sách Tuyển tập thần tích
có giá trị lưu giữ như thể chìa khóa để mở cửa vào tìm hiểu văn hóa dân
gian cũng như giá trị văn hiến chốn kinh kỳ Thăng Long – Hà Nội chứa ẩn
nhiều kỳ bí.