Thật may mắn tôi có được cuốn sách “Tuyển tập tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tư liệu phương Tây” do Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên. Tôi đã đọc một cách chăm chú từng trang của nó và sau khi gấp cuốn sách tôi mới thấy quả tình như lời chủ biên đã viết: “Tiêu đề và yêu cầu của cuốn sách tỏ ra khiêm tốn và giản dị, và thực sự nó cũng là như vậy. Vì đây chỉ là những văn bản dưới dạng tư liệu, được dịch ra từ nguyên gốc, như nó vốn có. Nó không phải là một công trình sáng tạo với những cấu trúc thật hoàn chỉnh, những phân tích tổng hợp và đánh giá đi vào chi tiết. Nói một cách khác, nó mới chỉ là những nguyên vật liệu được cung cấp cho một công trình xây dựng.” Và cũng chính chủ biên đã khẳng định về giá trị của “nguyên vật liệu” này: “Ý tưởng, kiểu cách, dáng vẻ, sự trang trí của một ngôi nhà dù có tốt mấy đi nữa, nhưng không được xây bằng những nguyên vật liệu tốt, chắc chắn ngôi nhà đó sẽ chẳng bao giờ trụ lại được trước sự thẩm định và thử thách gay gắt của thời gian. Mặt khác, nguyên vật liệu tốt không phải chỉ để dùng cho việc xây dựng một công trình riêng biệt, mà có thể dùng để hoàn thành nhiều cấu trúc với những bản thiết kế, mục đích sử dụng và phong cách khác nhau. Bản thân tư liệu vốn mang tính mở, mềm dẻo, đa dạng, đa phương tiện.”

Những tác phẩm của người nước ngoài được dịch ra và tuyển chọn vào bộ tuyển tập này ta bắt gặp những trang viết khiến người đọc có những ngỡ ngàng, hóa ra người phương Tây ở xa mình như thế mà lại hiểu biết về phong tục, tập quán, con người đất Kẻ Chợ đến thế và cũng có khi có sự bất bình bởi luận điệu sặc mùi phân biệt chủng tộc, đề cao “sứ mạng khai hóa” của thực dân Pháp, miệt thị người Việt Nam ngay cả Thăng Long – Hà Nội – chốn kinh kỳ có truyền thống thanh lịch. Nhưng tất cả sự nhìn nhận của họ đều là của những con người đứng ở bên ngoài, “cái nhìn của kẻ khác”, nhưng ta cũng không thể phủ nhận mà thừa nhận rằng nhiều khi những kẻ khác này lại có cái nhìn sáng suốt và khách quan công bằng hơn người trong cuộc là chúng ta.
Phải chăng là do con người, phong tục, cảnh vật đất Việt hiền hòa, mến khách mà làm cho giáo sĩ Baldinotti người Ý, lần đầu tiên đến Đàng Ngoài năm 1626 đã thiết tha mong muốn “tôi xin phép… để được trở lại và định cư tại xứ Đàng Ngoài để phụng sự Đức Hoàng thượng. Tôi nói rằng điều sẽ làm cho tôi vô cùng vui sướng là được đi đến hành đạo tại các miền đất phương Đông vĩ đại này” - Bản tường trình về xứ Đàng Ngoài, và đây cũng là tác phẩm tư liệu văn bản chính thức phương Tây đầu tiên về Thăng Long - Kẻ Chợ. Một năm sau (1627), một giáo sĩ Dòng Tên là Alexander de Rhoes – người được xem là mở đầu cho chữ quốc ngữ của ta, từng ở Đàng Trong khoảng 2 năm, đã đến Thăng Long – Kẻ Chợ và sống tại đây trong 3 năm, truyền đạo và xây dựng cộng đồng giáo dân. Ông là tác giả của tác phẩm “Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài” (Histoire du royaume de Tonquin –
Lyon 1651), một chuyên khảo đầu tiên có giá trị nhiều mặt viết về Đàng Ngoài và Thăng Long – Kẻ Chợ những thập kỷ đầu thế kỷ XVII.

Trong phần Tư liệu Thăng Long – Hà Nội (từ thế kỷ XVII đến 1882), chúng ta còn bắt gặp không chỉ là những tác phẩm của người truyền đạo mà còn là những tác phẩm của các thương nhân nhận định về kinh tế - xã hội của Thăng Long – Kẻ Chợ. Có những trang viết mà ở đó ta thấy người phương Tây tưởng ở xa nửa vòng trái đất, ấy vậy mà khi viết về đất nước con người chúng ta như những gì họ đang viết về đất nước họ. Đó là về tự nhiên, sản vật; hàng hóa, thương mại và tiền tệ; sức mạnh về quân sự; về phong tục; về hôn nhân; về việc thăm hỏi và các trò tiêu khiển; những người có học, về các giáo phái, tượng thần Phật, thờ cúng, mê tín dị đoan và chùa chiền… hơn thế họ còn có những nhận định khách quan và sẵn sàng phê phán những nhìn nhận đánh giá sai của chính những người phương Tây về Thăng Long – Kẻ Chợ. Tất cả những điều này ta thấy rõ nét trong nội dung của 18 chương trong tác phẩm Mô tả vương quốc Đàng Ngoài của Samuel Baron – một chuyên khảo khá toàn diện.
Năm 1883, nhà Nguyễn ký “Hiệp ước hòa bình”, công nhận sự đô hộ của Pháp trên toàn cõi Việt
Nam. Bắc Kỳ trở thành xứ bảo hộ của Pháp đặt dưới quyền cai trị của một viên Thống sứ người Pháp, Hà Nội trở thành một thành phố theo chế độ nhượng địa. Cũng từ năm 1883 này đến năm 1945, tư liệu của phương Tây về Thăng Long – Hà Nội đã đầy đủ và toàn diện hơn. Hà Nội, Thủ đô của Bắc Kỳ 1883, tác giả
Ch. Labarthe là tác phẩm viết về một đô thị phong kiến Hà Nội ngay buổi đầu cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Từ đây người đọc thấy được một Hà Nội rõ nét cả về chiều rộng của không gian, chiều sâu của thời gian và cả ở hơi thở của đất và người Hà Nội qua từng tác phẩm như một Chợ phố Hà Nội 1884 – Paul Bourde, hay chỉ là Dạo qua Hà Nội – Paul Bonnetain và cũng có khi chỉ là những dòng thư ngắn ngủi gửi cho người thân của Trung úy L. Jullien - người lái kinh khí cầu trong Đội quân viễn chinh Pháp ở Bắc Kỳ - Quang cảnh Hà Nội 1884. Và một Hà Nội với không gian văn hóa của tâm linh như Chùa Mật (Chùa Một Cột), Đàn
Nam giao ở Hà Nội - G. Dumoutier… để đến một Hà Nội lớn – Pineau…

Qua các tác phẩm có thể thấy một Hà Nội trong suốt quá trình lịch sử của nó trải qua nhiều thế kỷ, với những thay đổi nhiều chiều, từ diện cách, diện mạo, cư dân cho đến những thay đổi về chính trị và cũng tác động ảnh hưởng đến sự nhận diện hiểu biết của người phương Tây về kinh kỳ Kẻ Chợ. Cũng bởi vì thế mà cuốn sách là một tư liệu quý và còn quý hơn bởi một nhẽ “tuyệt đại đa số là những tư liệu gốc, nguyên bản, chưa hề được dịch hoặc xuất bản trừ một vài trường hợp cá biệt là trích tuyển những tư liệu dịch của chính những người trong nhóm biên dịch”.
Với những gì mà Tuyển tập tư liệu phương Tây có được trong Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội này, tôi thấy được tuyển tập này quả là quá lớn so với những hiểu biết thông thường về tác phẩm, những công trình của các tác giả phương Tây liên quan đến Hà Nội.
Nhà xuất bản Hà Nội