Ca trù - Một di sản văn hóa đặc sắc cần bảo tồn và phát triển
Với 728 trang, ngoài Lời nói đầu, tiểu dẫn, giải nghĩa một số khái niệm trong hát ca trù, thì phân định của công trình Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại gồm 3 chương có nội dung chuyên luận và 3 phụ lục là tư liệu về ca trù Hà Nội. Phần tư liệu ở đây không chỉ nhằm minh định cho phần chuyên luận mà còn cung cấp thông tin về ca trù Hà Nội. Và việc sắp xếp các tư liệu có trình tự cũng là muốn thể hiện tiến trình phát triển của ca trù trong lịch sử và hiện tại.
Để hiểu sâu sắc hơn về môn nghệ thuật độc đáo đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp”, tác giả Nguyễn Đức Mậu đã dành 10 trang Giải nghĩa một số khái niệm trong hát ca trù như: ả đào, cầm chầu, đầu thưởng... Những khái niệm này sẽ là cần thiết với những ai muốn tìm hiểu hay thưởng thức ca trù một cách chủ động và thực sự đam mê môn nghệ thuật này.
Sau khi đã có những hiểu biết về một số khái niệm trong hát ca trù, tác giả đi vào nội dung. Ở chương 1 – Ca trù trong quá trình hình thành và phát triển, tác giả đã thể hiện từ cấu trúc hệ thống các điệu hát, số lượng, tên gọi, sự phân chia các điệu hát rồi không gian - thời gian, địa bàn phân bổ ca trù trong lịch sử đến cái hay của ca trù và những nhận thức… đã nêu bật sự hình thành và phát triển của ca trù. Với một cách trình bày hệ thống và rõ ràng về nghệ thuật ca trù thì đây là một dẫn luận cần thiết trước khi nói về ca trù Hà Nội.
Ở chương 2 - Ca từ của các điệu hát và những vấn đề liên quan, tác giả đã thể hiện những nghiên cứu về ca từ của các điệu hát bởi nội dung và chức năng của các điệu hát cũng khá đa dạng, đó là hát thờ ở cửa đình mang tính khánh tiết, hát hãm trong tiệc tùng hay mừng thọ mang tính chúc tụng, hát ru mang âm điệu ru con,… Mỗi điệu hát sẽ thích hợp cho môi trường diễn xướng mà nó hướng đến.
Khi đã đi từ cái nhìn, các hiểu biết tổng quát về loại dân nhạc này thì tác giả đã có sự nhìn nhận, đánh giá bằng những đóng góp, sáng tạo cụ thể của Hà Nội được dành riêng ở chương 3 - Ca trù Hà Nội và đời sống thực tế của nó trong lịch sử và hiện tại. Đây sẽ là thực tế, là minh chứng cho sự ra đời, phát triển và sự ảnh hưởng của ca trù từ Hà Nội với cả nước. Nội dung của chương là những bài như: Truyền thuyết ca trù Lỗ Khê, Hà Nội và mối liên hệ của nó với ca trù của cả nước; Bài Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn của Lê Đức Mao (thế kỷ XV) và ý nghĩa của nó trong việc tìm kiếm thời điểm ra đời của ca trù; Các tác gia hát nói Hà Nội; Sinh hoạt ca trù Hà Nội trong quá khứ và hiện tại.

Sau 3 chương có nội dung chuyên luận đã nêu được các vấn đề quan trọng của ca trù, kết tinh những tri thức của tác giả với tư cách là chuyên gia hàng đầu về ca trù ở Việt Nam là hơn 500 trang tư liệu nằm trong 3 phụ lục.
Ở phụ lục 1 - Văn bia và các chứng tích lịch sử, tác giả đã giới thiệu 43 văn bia được chụp lại nguyên bản cùng tóm tắt nội dung của một số văn bia giúp chúng ta gián tiếp biết được đời sống và sinh hoạt ca trù qua các thời kỳ lịch sử; phần các chứng tích lịch sử là 9 bài viết của những người nhiều năm nghiên cứu về ca trù như Lê Đức Mao, Nguyễn Xuân Diện…
Phụ lục 2 - Ký sự, phóng sự và các hồi ký về ca trù, đó là những bài viết của các tác giả: Quản Chi, Đinh Hùng, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương, Vũ Trọng Phụng, Hoàng Cầm, Văn Tâm - những tác giả dành nhiều tâm huyết cho môn nghệ thuật độc đáo này.
Hát nói là điệu quan trọng của ca trù được sáng tác nhiều nhất và các tác giả sáng tác theo thể loại này khá nhiều. Vậy nên, ở phụ lục 3 - Tác phẩm hát nói Hà Nội, Tiến sĩ Mậu đã giới thiệu 86 tác giả, trong đó có 96 bài của 14 tác giả sinh tại Hà Nội trước thế kỷ XX, còn lại là 270 bài của 72 tác giả sinh trong thế kỷ XX.
Ca trù Hà Nội trong lịch sử và hiện tại đã giới thiệu khái quát về nghệ thuật ca trù, đặc biệt là ca trù Hà Nội trên bình diện lịch sử, phong tục tập quán, văn chương và môi trường trình diễn.
Nhà xuất bản Hà Nội