Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long
Thứ hai, 23/09/2013 09:51
“Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” từ hệ thống, phạm vi bài viết được tuyển chọn có thể thấy rõ nguồn tâm thức yêu nhớ kinh đô - cố đô - thủ đô đã gắn bó chặt chẽ với các giai đoạn, các chặng đường lịch sử qua 10 thế kỷ xây dựng và phát triển Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội dưới thời phong kiến và một thế kỷ đấu tranh, xây dựng mở đường hội nhập.

     “Tôi không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Song tôi yêu Thăng Long – Hà Nội với tình yêu khó lý giải” (Thăng Long – Hà Nội trong trái tim tôi - Hoài Việt), hoặc như: “... Nhưng mà tôi nhớ, tôi nhớ biết bao nhiêu! Tôi nhớ tôi, tôi nhớ Hà Nội. Hà Nội nhớ Hà Nội. Thủ đô nhớ Thủ đô. Ôi! Mình tương tư lấy mình, xác nhớ thương lấy hồn, khung cảnh nhớ nhung lấy sự sống...” (Hà Nội nhớ Hà Nội – Xuân Diệu). Cũng bởi có những con người có một thứ tình yêu, nỗi nhớ như thế nên chốn kinh kỳ trải qua ngàn năm lịch sử, nguồn cảm hứng “thương nhớ đất Thăng Long” đã thực sự chuyển hoá thành dòng mạch hệ thống chủ đề, tâm thế sáng tác không chỉ với những ai sinh ra rồi phải rời xa hay đi ngang qua mà còn cả với những người đang sống trên mảnh đất ấy. Những cảm xúc, nỗi nhớ Thăng Long ngàn năm văn hiến được cất lời trong các con chữ đã ám ảnh tôi sau khi đọc để rồi tôi cũng cầm bút và viết giới thiệu về một cuốn sách đã chất chứa những nội dung như thế ấy là “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” do PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn chủ trì tuyển chọn.

     Trước khối lượng tài liệu phong phú, trải rộng dài suốt 10 thế kỷ, với 952 trang in, tác giả đã lựa chọn theo tiến trình thời gian với hai trục thể loại cơ bản là thơ ca trữ tình và văn xuôi tự sự. Đó là những ghi chép, hồi ký, hồi ức, kỷ niệm, tùy bút, bút ký, du ký, tản văn phản ánh cảm nhận và ấn tượng về truyền thống Thăng Long – Hà Nội. Những tác phẩm ở đây được chọn lọc, tinh tuyển, được thử thách qua thời gian gắn với cảm hứng thương nhớ, tự hào, trân trọng mến yêu, vinh danh lịch sử, cuộc sống, con người và cảnh quan chốn Kinh kỳ qua những trải nghiệm cá nhân, những tấm lòng của người Hà Nội, của muôn phương, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau.

     Từ điểm nhìn đồng đại, tác phẩm đã sắp xếp theo hai thời kỳ: Trung đại (từ thế kỷ X đến XIX) - Thăng Long ngàn năm mở nước và Hiện đại (từ thế kỷ XX đến nay) - Thăng Long trăm năm hội nhập.

     Suốt dọc dài thời gian, âm hưởng hồn thiêng Thăng Long – Hà Nội một thời giáo mác, một thời khói lửa chiến tranh, một thời chiến trận hào hùng gắn bó với tên tuổi Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi… và còn là những tác phẩm văn học dân gian, những bài ca viết về Kẻ Chợ, về con người Tràng An thanh lịch, về cảnh quan ba sáu phố phường, về hoài niệm nhớ thương như: Ngày xuân trong vườn ngự nhớ người cũ (Trần Quang Khải); Thăng Long hoài cổ (Bà Huyện Thanh Quan)… Xúc cảm, niềm thương, nỗi nhớ ngoài gửi vào thi ca - những trang thơ trên đất rồng bay còn là những trang văn in dấu ấn Kinh kỳ như: Thiên đô chiếu (Lý Thái Tổ), Thượng Kinh ký sự (Lê Hữu Trác), hay những tác phẩm của Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án…

     Bước sang thế kỷ XX, Hà Nội với nỗi nhớ khôn khuây đan xen giữa những ngày chiến tranh ác liệt và một thời hoà bình, lúc này các địa danh trở nên lung linh gởi cảm bởi nó gắn với những kỷ niệm và tâm trạng vui buồn cụ thể của thi nhân và đó là những trang thơ thể hiện tâm thế của “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Một Hà Nội với Những bóng người trên sân ga (Nguyễn Bính), Mơ về Hà Nội (Bàng Bá Lân), hay còn là sự hoài niệm quá khứ của Vũ Đình Liên qua hình ảnh ông đồ năm xưa đã dần thưa vắng (Ông đồ), Nhớ Bắc (Huỳnh Văn Nghệ), Chào Hà Nội, chào Thăng Long (Lê Anh Xuân)… Vẫn còn đó những trang văn thương nhớ đất Thăng Long – Hà Nội trải rộng từ nỗi nhớ một cái tết xưa, một đêm trung thu – Hà Nội cổ ăn tết Trung thu (Nhị Lang), một cành đào Nhật Tân, hay Quà Hà Nội (Thạch Lam), Thương nhớ mười hai (Vũ Bằng), một Hà Nội thời bom đạn kiên cường - Những năm tháng không thể nào quên (Võ Nguyên Giáp)… và còn có một Hà Nội được nhìn qua lăng kính vượt biên giới đất nước Hát rong Paris, hát rong Hà Nội (Vũ Ngọc Tuấn Kiên), Ở London nhớ Hà Nội xưa và nay (Thanh Phan)...

     Nếu ai đó đọc lại những bài thơ, trang văn xuôi thương nhớ Thăng Long, đều có chung một cảm xúc dường như ta bắt gặp đây đây bóng dáng con người và cảnh vật một thời còn chưa xa ấy và đó cũng là sức sống của những tác phẩm đã vượt qua thời gian. Và ý nghĩa hơn, dù sống ở nơi đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào, người dân Việt vẫn một lòng ngưỡng vọng mến yêu mảnh đất kinh kỳ - miền đất của ngàn năm, nơi hội tụ và thăng hoa mọi giá trị con người, tinh kết tài hoa, trí tuệ bốn phương. 

     Mặc dù phạm vi tuyển chọn còn có những hạn chế, nhưng với những tác phẩm đặc sắc hiện hữu trong tuyển tập cùng tên tuổi các tác giả tiêu biểu, ở đây có một Hà Nội trong mắt người Hà Nội, có một Hà Nội trong tâm tưởng người xa Hà Nội ngàn năm văn hiến. Qua các bài viết có thể thấy rõ nguồn tâm thức yêu nhớ kinh đô – cố đô – thủ đô đã gắn bó chặt chẽ với các giai đoạn, các chặng đường lịch sử qua 10 thế kỷ xây dựng và phát triển Thăng Long – Đông Đô – Bắc Thành – Hà Nội dưới thời phong kiến và một thế kỷ đấu tranh, xây dựng mở đường hội nhập.


Cuốn Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá