QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ - Một chủ đề không bao giờ cũ
Từ đề tài KX.09.02 Thăng Long - Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị, hành chính của đất nước - Những bài học về quản lý và phát triển thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước KX.09, các tác giả PGS.TS. Vũ Văn Quân, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, TS. Đoàn Minh Huấn đã biên soạn thành cuốn sách “Quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội - Lịch sử và bài học”.
Bằng việc nghiên cứu, khảo sát tỉ mỉ, kỹ lưỡng và với cái nhìn bao quát, các tác giả đã tái hiện lịch sử về quá trình quản lý, phát triển Thăng Long - Hà Nội suốt 1000 năm trong vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia. Nhưng không dừng lại ở một đề tài nghiên cứu khoa học mang tính lý thuyết mà nó đã đề cập đến một chủ đề có tính thời sự hiện nay, đó là vấn đề quản lý và phát triển nhằm tạo nên môi trường chính trị ổn định cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, vùng, miền.
Để triển khai cho một đề tài không bào giờ cũ này các tác giả đã thể hiện bằng cách của những nhà sử học đó là dựa vào phân kỳ lịch sử, chia ra từng chặng theo đúng sự phát triển của thực tế lịch sử. Với lối viết này một người đọc như tôi thấy không chỉ nắm bắt được những thông tin, dữ liệu mà còn dễ cảm nhận và bị lôi cuốn ngay từ những trang viết đầu tiên. Còn về nội dung, mong muốn ra đời của cuốn sách thì ngay trong lời mở đầu các tác giả đã nêu “đề tài được triển khai trên cơ sở kế thừa thành tựu của các nhà nghiên cứu, các công trình nghiên cứu đi trước, chuyên khảo này tập trung khảo sát lịch sử Thăng Long – Hà Nội trên phương diện quản lý và phát triển rút ra những bài học kinh nghiệm làm cơ sở cho việc định hướng các giải pháp tổ chức và quản lý thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Sau khi điểm qua những cột mốc định đô kèm sự lý giải lý thú về Hà Nội từ Cổ Loa thời An Dương Vương đến Cổ Loa thời Ngô Quyền rồi sự kiện dời đô – định đô của Lý Công Uẩn từ Hoa Lư về thành Đại La lập lên kinh đô Thăng Long, các tác giả cho bạn đọc biết về sự quy hoạch hành chính và tổ chức bộ máy quản lý Thăng Long – Hà Nội thời kỳ trung đại, cụ thể hơn là sự quản lý trên một số lĩnh vực như dân cư, an ninh trật tự đô thị.... Tất cả những nội dung cốt lõi về quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội suốt thời kỳ từ định đô đến xâm lược của thực dân Pháp (1010 – 1873), trong vai trò trung tâm chính trị - hành chính đã thể hiện trọn vẹn trong chương I.
Tiếp đến là toàn bộ quá trình quản lý và phát triển thành phố Hà Nội thời thuộc Pháp (1873 – 1945) đã được trình bày gọn trong chương II. Ở thời đoạn này có sự phức tạp vì gồm cả nội dung chiến tranh (Pháp đánh chiếm Hà Nội), và nội dung quản lý, mà Hà Nội là thủ phủ của Bắc Kỳ và Liên bang Đông Dương.
Hà Nội từ Cách mạng tháng Tám đến giải phóng Thủ đô (1945 - 1954) là nội dung của chương III, được phân làm hai thời đoạn. Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị - hành chính của nước Việt
Nam dân chủ cộng hoà trước kháng chiến toàn quốc; và Thủ đô trong 9 năm kháng chiến chống Pháp đã tỏ rõ sức sáng tạo của cách mạng trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời thể hiện sự tương tác quyền lực chính trị - hành chính giữa lực lượng kháng chiến và quân xâm lược.
Chương IV, chương V của cuốn sách là việc quản lý và phát triển Thủ đô từ 1954 đến 1975 và đến nay. Đây là thời đoạn vừa có chiến tranh, vừa có hòa bình, vừa tự lực xây dựng, vừa chịu ảnh hưởng các mô hình từ các nước bạn quốc tế, vừa có lối quản lý và phát triển truyền thống, vừa có đổi mới và hội nhập khu vực, quốc tế. Trước sự phức tạp này đòi hỏi những người đứng đầu Thủ đô phải có cái nhìn tổng quan để hoạch định chính sách quản lý và phát triển tốt nhất.
Từ lịch sử hoạt động quản lý lâu dài của Thăng Long - Hà Nội đã thể hiện từ chương I đến chương V. Chương VI các tác giả đã rút ra các bài học có giá trị cho ngày hôm nay theo hệ vấn đề: Cơ sở khoa học và các nhân tố tác động; Mối quan hệ giữa quản lý Thủ đô với tổng thể quản lý quốc gia; Xác lập các thiết chế quản lý đặc thù của Thăng Long - Hà Nội; Giải quyết hài hoà nhiều mối quan hệ ràng buộc, đan xen trong thực tiễn quản lý; Thực hiện quản lý Hà Nội trong những tình huống bất thường. Đây là 5 bài học kinh nghiệm rất đáng quan tâm và có ý nghĩa thiết thực cho việc xây dựng cơ chế quản lý và phát triển không chỉ với hiện tại mà với tương lai.
Theo tôi không phải những gì đạt được trên các trang giấy mà với gần 500 trang in, cuốn sách đã thể hiện một Thăng Long - Hà Nội trong quá trình sinh thành và phát triển lâu dài đã tích tụ cho mình những kinh nghiệm quý giá trong quản lý và phát triển, tạo lập được vị thế, diện mạo, tiềm lực vốn có như ngày hôm nay và hơn thế những kinh nghiệm, bài học này rất cần được nhìn nhận, đánh giá thoả đáng theo chiều sâu trên bình diện khoa học. Cuốn sách còn có thể giúp cho các nhà khoa học, các nhà quản lý trong việc nghiên cứu, hoạch định chính sách trong lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị, đặc biệt trong việc xây dựng và phát triển Hà Nội ổn định, bền vững, xứng đáng là một thủ đô văn hiến, anh hùng, vì hòa bình.
Cuốn Quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội - Lịch sử và bài học