“Đi tìm lời “thì thầm” của quá khứ, lời dạy bảo của tổ tiên, để vững bước vào tương lai trên dòng bản sắc văn hóa, truyền thống để ta vẫn là ta, trong xu hướng chung của nhân loại hiện đại là hòa nhập nhưng không hòa tan...” – đó có lẽ là những điều đã thôi thúc hai nhà nghiên cứu chuyên biệt Trần Lâm Biền và Trịnh Sinh dành tâm huyết để nghiên cứu và đi sâu vào lĩnh vực “tâm linh” cổ truyền. Nhà xuất bản Hà Nội như người bắc nhịp để những lời “thì thầm” của quá khứ ấy không dừng lại ở những nghiên cứu, bài viết được công bố, đăng tải rời rạc hay lạc lõng mà nó phải được phổ rộng tới đông đảo người dân và những nhà nghiên cứu khác qua cuốn sách Thế giớibiểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội xuất bảnnhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Trong cuộc sống thường nhật của chúng ta có vô vàn những biểu tượng hiện hữu mà ta không hề biết ý nghĩa cũng như tìm thấy “mật mã” của biểu tượng ấy. Vậy nên cần đến các chuyên gia “giải phẫu”, “giải mã” các biểu tượng, hiện vật..., và các chuyên gia ở đây chính là hai nhà nghiên cứu PGS. TS. Trần Lâm Biền và PGS.TS. Trịnh Sinh. Nhờ sự giải mã qua khảo cứu của các nhà chuyên môn mà chúng ta hiểu thêm được cái “thần”, “cái hồn”, cũng là thông điệp của người xưa gửi gắm trong biểu tượng, hiện vật, tới được với người hiện đại.
Sẽ có nhiều người giống như tôi có những thắc mắc tại sao lại có biểu tượng trời tròn đất vuông; cửa nhà của kiến trúc Việt Nam đều là nửa trên tròn - dưới vuông; các bia Tiến sĩ ở Văn Miếu được đặt trên lưng rùa; biểu tượng rồng ở mỗi triều đại phong kiến đều có những nét khác nhau hoặc như ngày rằm mùng một bạn lên chùa thắp nhang cầu khấn, quỳ lạy trước tượng Phật nhưng bạn lại không biết ý nghĩa, giá trị từ những hình ảnh biểu tượng ấy... Nhưng những biểu tượng này từ đâu mà có? Một nhà nghiên cứu cho rằng là do quan niệm và cách thể hiện của người thời đó, không phải dễ hiểu với con người thời đại ngày nay, thậm chí với một số người có học vấn cao, nhưng khác chuyên ngành, lĩnh vực khoa học. Có thể nói biểu tượng, các hình trên hiện vật hoặc bản thân hiện vật... thể hiện triết lý quan niệm của người đương thời về thế giới (tự nhiên, xã hội và tư duy); quan niệm sống, quan niệm về thế giới được gửi trong biểu tượng.
Đọc cuốn sách không chỉ giúp người đọc có nhận thức sâu sắc hơn bản chất của các biểu tượng nghệ thuật của di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội, mà từ đó thấy được giá trị cùng sức sống của thế giới biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình của di sản văn hóa truyền thống đối với đời sống văn hóa xã hội đương đại. Cái hay của cuốn sách không chỉ nằm ở nội dung thể hiện mà ngay ở cái tên gọi đã đúng bản chất nội dung bởi sự tập trung vào ý nghĩa khái quát của biểu tượng - cụm từ ở Thăng Long - Hà Nội đã nói lên được quá trình tập trung và hình thành biểu tượng từ ngày lập đô đến nay. Nó không chỉ giới thuyết được phạm vi không gian văn hóa mà còn gợi mở dung lượng, đối tượng cần khám phá đó là thế giới biểu tượng nghệ thuật gắn với nguồn di sản.
Không nằm ở sự hạn hữu đó mà từ cuốn sách này có thể đặt ra điểm tạo đà cho những khám phá thế giới biểu tượng nghệ thuật không hạn định trong không gian Thăng Long – Hà Nội. Bởi dung lượng nội dung phong phú, đa dạng, hệ thống và thiết thực đối với nhu cầu tìm hiểu của người đọc, không chỉ trong nước mà còn đối với bạn đọc nước ngoài - có nhu cầu tìm hiểu văn hóa truyền thống Việt
Nam.
Bên cạnh nội dung thực sự hấp dẫn, bổ ích cuốn sách còn có phần phụ lục với 34 bài nghiên cứu của hai tác giả và một số nhà nghiên cứu khác không kém phần hấp dẫn. Với những bài viết này nhằm làm cho vấn đề nghiên cứu biểu tượng văn hóa có được góc nhìn đa dạng hơn, nó góp phần bổ khuyết không ít những hiểu biết, nhận thức vốn chưa đúng, chưa chuẩn tồn tại lâu nay trong cộng đồng chúng ta.
Những nghiên cứu và vốn hiểu biết của các tác giả ở đây phần nào “giải mã” một số yếu tố văn hóa nghệ thuật tạo hình trong các di tích cổ truyền của người Việt trong văn hóa Việt Nam, góp phần cho công tác giáo dục truyền thống, chống mê tín dị đoan, một công tác vốn có nhiều tế nhị và phức tạp hiện nay. Đồng thời ít nhiều cung cấp được một số tư liệu và nhận thức cần thiết cho người nghiên cứu và những người yêu thích văn hóa nghệ thuật dân tộc cổ truyền, giúp người đọc nhận diện được các giá trị của biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình của người Hà Nội xưa, từ đó góp phần nâng cao ý thức trong việc bảo tồn các giá trị của di sản văn hoá thủ đô ngàn năm văn hiến.
Với những gì mà thế giới biểu tượng thể hiện cũng là cách để cho những ai sinh ra và lớn lên trên đất Việt và đặc biệt là ở trên mảnh đất ngàn năm văn hiến có cách hiểu cặn kẽ, sâu sắc về Việt Nam, về Hà Nội và người Hà Nội qua những gì ẩn chứa bên trong những biểu tượng hiện vật.
Cuốn Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội