“Từ điển đường phố Hà Nội” cẩm nang cho những người yêu Hà Nội
Từ một Thăng Long – Kẻ Chợ với 36 phố phường xưa, thủ đô Hà Nội nay có tổng số 847 đường, phố, ngõ đã được đặt tên, trong đó Hà Nội cũ chiếm đại đa số là 741 tên, quận Hà Đông là 73 tên, thị xã Sơn Tây là 33 tên (tính đến tháng 7/2009). Trước sự phát triển và mở rộng của Hà Nội hôm nay không chỉ khiến cho nhiều du khách từ nơi xa đến mà ngay cả những người đang sống trong lòng Thủ đô cũng không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay của một Hà Nội hội nhập và phát triển. Đi cùng với những đổi thay ấy thì tên phố, tên đường cũng có cái còn cái mất hoặc thay đổi. Vậy làm thế nào để có thể tìm đến được những con phố, con đường xưa và nay? Cuốn sách Từ điển đường phố Hà Nội do Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu nhi và nhi đồng của Quốc hội chủ biên phần nào trả lời cho câu hỏi ấy và có thể xem cuốn sách như một cuốn cẩm nang cho những người yêu Hà Nội, muốn đến, tìm hiểu về Hà Nội.
Để cuốn sách đúng như mong muốn của nhóm biên soạn rằng “Tên đường phố không chỉ mang đặc trưng văn hóa – văn minh đô thị mà còn rất quan trọng trong công tác địa chí, quản lý hành chính, quản lý đô thị, nhất là một thành phố lớn như thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến” thì ngoài vai trò của chủ biên, những người tham gia biên soạn, những kế thừa từ kết quả nghiên cứu trước còn phải kể đến sự đóng góp lớn của Tiến sĩ Nguyễn Thị Dơn – người đã thổi hồn vào cuốn sách để nó gần gũi và thiết thực với bạn đọc bởi tâm huyết, thực tế điền dã khi vẽ sơ lược vị trí của mỗi con đường, ngõ phố Hà Nội. Chính vì vậy cuốn sách không đơn thuần như những cuốn từ điển thông thường mà ở đó có nội dung, lược sử, dữ liệu thông tin, các lược đồ kèm theo vị trí cùng các thông số kỹ thuật về độ dài, chiều rộng của từng tên đường, phố, ngõ.
Mỗi đường, phố, ngõ của Hà Nội cũ, cũng như của Hà Đông và Sơn Tây đã được nghiên cứu, được tìm tòi và chắt lọc từ hàng trăm trang tư liệu để xây dựng được các tiêu chí về tên gọi, lược đồ, kích thước, năm đặt tên, lịch sử tên gọi và trích ngang các nhân vật lịch sử mà con đường, dãy phố hoặc cái ngõ ấy được vinh dự mang tên. Điều này sẽ thuận lợi cho việc tìm kiếm, tra cứu cũng như tìm hiểu về lịch sử, sự thay đổi tên gọi của những đường phố đó.
Cuốn sách không đơn điệu với những con số, sơ đồ, dữ liệu mà gắn với nó là những điển tích, giai thoại giới thiệu các danh nhân lịch sử văn hóa mang đậm chất thơ ca đã giúp cho từ điển có phần hồn. Những làng nghề, phố cổ với sự hình thành thay đổi và phát triển của nó gắn cùng sự phát triển của người Hà Nội tạo nên nhân cách người kinh kỳ xưa kia và người Thủ đô ngày nay. Những phong tục, tập quán được giới thiệu trong quyển sách gắn với đường phố đã tạo nên nét riêng chỉ có ở Thủ đô. Mỗi chặng đường lịch sử, phố phường Hà Nội đều có những thay đổi gắn với sự phát triển thăng trầm và bi hùng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Với 1.068 trang in ngoài những con đường, ngõ phố cụ thể được xếp theo thứ tự chữ cái tiếng Việt: A, B, C… cuối sách, nhóm tác giả còn giới thiệu 4 phụ lục. Các phụ lục ở đây có thể nói là nguồn tư liệu quý giúp cho các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và đông đảo bạn đọc muốn tìm hiểu sâu thêm về Hà Nội.
Phụ lục 1: Một số công trình công cộng, văn hóa tiêu biểu của Hà Nội đó là những quảng trường, vườn hoa, công viên, tượng đài như Quảng trường Ba Đình, vườn hoa Bách Việt, tượng đài Lý Thái Tổ... Những công trình công cộng này là nơi mà người dân Thủ đô luôn tự hào bởi những chứng tích, sự kiện gắn liền với tên gọi và nó cũng là những điểm đến của những du khách mỗi khi tới Hà Nội.
Phụ lục 2: Một số cầu tiêu biểu của Hà Nội như cầu Chương Dương, Long Biên, Cầu Giấy, Thăng Long... đó là những cây cầu không chỉ bắc nhịp cho sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội mà còn là sự gắn kết giữa Thủ đô với những ngả đường vươn tới mọi miền của Tổ quốc.
Phụ lục 3: Tên đường phố Hà Nội được đặt trong thời kỳ Pháp thuộc và thời tạm chiếm. Đó là bảng tên các đường phố thời Pháp thuộc có đối chiếu tên đường phố hiện nay; các đường phố hiện nay tương ứng với tên phố thời Pháp thuộc; các lần đặt tên, đổi tên trong lịch sử. Nội dung phần này có sự kết hợp từ nguồn tư liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
Phụ lục 4: Danh mục đường, phố, công trình công cộng văn hóa ở Hà Nội được đặt, đổi tên và điều chỉnh độ dài từ năm 1988 – 2009. Nội dung của phụ lục này giúp bạn đọc cập nhật được sự thay đổi về tên đồng thời dễ tìm địa chỉ mình muốn đến xưa, nay.
Giá trị của cuốn sách còn ở chỗ nó được thực hiện bởi tập thể tác giả đã nhiều năm nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển đường phố, ngõ ở Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, kết hợp với quá trình khảo sát thực địa trong nhiều năm và với một quy cách biên soạn cẩn thận, khoa học. Cuốn sách giúp cho người đọc có một cái nhìn tổng quát về hệ thống đường, phố, ngõ, công trình công cộng của thủ đô Hà Nội cùng với nguồn gốc, ý nghĩa của những tên gọi này.
Từ điển đường phố Hà Nội không chỉ đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, cập nhật thông tin về lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội của từng đường phố Hà Nội mà còn giúp mọi người dân thuận tiện hơn cho việc tra cứu cũng như sử dụng nó trong đời sống thường nhật.
Cuốn Từ điển đường phố Hà Nội