Một chuyên khảo về sự phát triển của nền giáo dục qua 1000 năm trên đất Thăng Long – Hà Nội
Cuốn sách “Giáo dục Thăng Long – Hà
Nội: quá trình, kinh nghiệm lịch sử và định hướng phát triển” là kết quả
nghiên cứu của đề tài KX.09.07 có tên “Giáo
dục và đào tạo của Thăng Long - Hà Nội, định hướng phát triển giáo dục và đào tạo
của Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá” do PGS.TSKH. Nguyễn
Hải Kế làm chủ nhiệm, với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, các nhà nghiên
cứu có liên quan. Đề tài thuộc Chương trình khoa học cấp Nhà nước KX.09 “Phương hướng, giải pháp lớn phát huy tiềm lực
tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa, phát triển bền vững Thủ
đô Hà Nội đến năm 2020”. Đây là một chuyên khảo thể hiện quá trình vận động,
phát triển của Thăng Long – Hà Nội qua nghìn năm, bắt đầu từ triều Lý đến giai đoạn
hiện tại. Điều đó càng thêm khẳng định giáo dục là mối quan tâm không phải của
riêng ai, mà của mọi cá nhân, của mỗi gia đình đến toàn thể cộng đồng xã hội ở
mọi thời đại.
Trước thực trạng với nhiều ý kiến hết sức đa dạng, thậm chí ngược chiều về
tình hình giáo dục, các tác giả coi đó là những kiểu thức phản ánh, một nguồn
tham khảo sinh động được đặt trong sự thẩm định, đối chiếu, so sánh với các
thông tin chính thức, với định hướng nghiên cứu của đề tài. Điều này phần nào
thể hiện được tính khách quan, khoa học của đề tài, vậy nên với gần 500 trang được
đầu tư nhiều công sức, các tác giả đã hình thành một hệ thống tư liệu có sự xếp
sắp theo một logic khá chặt chẽ, có sự phân tích khách quan những quan điểm, tư
tưởng giáo dục qua các thời kỳ Nho học, Tây học, rồi đến giáo dục thời kỳ cách
mạng, đổi mới, hội nhập và phát triển.
Theo bước thăng trầm của lịch sử, giáo dục được xem là một nội dung, một
chỉ định quan trọng, thể hiện tập trung, rõ nhất bản chất, sức mạnh của chế độ
đó. Từ triều Lý, kinh thành Thăng Long đã trở thành trung tâm tụ hội người dạy
học và trường lớp tư thục bậc nhất của quốc gia, đến thời Pháp thuộc Hà Nội
cũng là nơi chính quyền thuộc địa triển khai nền giáo dục Pháp – Việt sớm nhất
Bắc Kỳ và Trung Kỳ; ngay sau khi đất nước giành được độc lập năm 1945, Hà Nội
cũng là nơi khởi mở và đầu tầu trong phong trào “diệt giặc dốt” thanh toán nạn
mù chữ. Trong suốt thời kỳ chiến tranh cũng như sau những năm thống nhất đất nước,
Hà Nội luôn là nơi thực hiện sứ mạng giáo dục và cũng là nơi áp dụng những cải
cách, cải tiến đầu tiên về giáo dục. Sang đến thời kỳ đổi mới (từ 1986 đến
nay), ngoài cái chung đặt giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách
hàng đầu thì Hà Nội cũng là nơi mở đầu và phát triển xã hội hóa, đa dạng hóa
giáo dục; là nơi chuẩn hóa, hiện đại hóa, xây dựng trường, ngành trọng điểm, chất
lượng cao; trình độ chuyên môn và năng lực hội nhập của giáo dục, đào tạo Hà Nội
được cải thiện, đó là một số đặc điểm giáo dục thủ đô Hà Nội thời kỳ đổi mới, hội
nhập và phát triển. Từ đây, giáo dục Thăng Long rút ra những kinh nghiệm lịch sử,
thứ nhất là xác định xây dựng mục tiêu, nguyên lý, mô hình giáo dục, đào tạo, đó
là kinh nghiệm về tiếp thu tinh hoa giáo dục của khu vực, thế giới nhưng không
giáo điều, độc tôn một mô hình giáo dục; thứ hai là về quan hệ giữa giáo dục Thăng
Long – Hà Nội với giáo dục quốc gia trong phát triển bền vững giáo dục, đó là sự
quán xuyến toàn diện bản chất hội tụ, kết tinh của giáo dục Thăng Long – Hà Nội…
Trong định hướng phát triển giáo dục của Thủ đô thời kỳ công nghiệp hoá,
hiện đại hoá, Thăng Long – Hà Nội đã xác định giáo dục, đào tạo Thủ đô với yêu
cầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá; lấy tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối giáo
dục của Đảng Cộng sản Việt Nam làm kim chỉ nam, đồng thời tham khảo kinh nghiệm
của một số thủ đô, quốc gia về phát triển giáo dục. Đó cũng là cách để nền giáo
dục nước ta tiếp thu chọn lọc tinh hoa của tri thức nhân loại với chắt lọc,
phát huy những giá trị truyền thống của giáo dục Việt Nam trong hội nhập và
phát triển.
Từ quá trình phát triển một nghìn năm của mình Thăng Long – Hà Nội rút ra
những kinh nghiệm lịch sử rồi nêu ra định hướng phát triển trong hiện tại và tương
lai, cuối cùng thì bản chất của giáo dục Thăng Long – Hà Nội luôn là giáo dục tinh
hoa cao cấp hàng đầu của đất nước. Sự phân tích khách quan đã giúp người đọc có
suy ngẫm sâu hơn, chín hơn trước những cái được và cái chưa được trong giáo dục,
trước những cái hay đã gặt hái và những cái tiêu cực cần khắc phục, đồng thời
tiến tới một nền giáo dục tiên tiến.
Có thể nói cuốn sách là một chuyên khảo rất bổ ích cho những nhà nghiên cứu,
giảng dạy lịch sử giáo dục Thăng Long - Hà Nội, bởi nội dung của nó là một khối
tư liệu và số liệu khá đồ sộ, phản ánh một chuỗi sự kiện giáo dục liên tục qua nghìn
năm. Hơn nữa, giá trị của cuốn sách ở chỗ nó không chỉ hữu ích với những ai
quan tâm đến sự nghiệp giáo dục ở Thăng Long - Hà Nội, yêu mến Hà Nội - một
trung tâm văn hoá của cả nước, một cái nôi mà từ đó sinh ra những nhân tài cho
đất nước, làm rạng danh dân tộc mà còn giúp những nhà hoạch định trong xây dựng,
định hướng phát triển nền giáo dục Việt Nam tiên tiến, nâng tầm tri thức Việt.
Cuốn Giáo dục Thăng Long – Hà Nội: quá trình, kinh nghiệm lịch sử và định hướng phát triển