Để có thể cảm nhận hết được giá trị, ý nghĩa của mỗi phần, mỗi câu chuyện được tuyển chọn, giới thiệu trong sách, bạn đọc không thể bỏ qua bài Tổng quan về truyện kể dân gian Hà Nội của GS.TS. Kiều Thu Hoạch - một bài viết hàm súc, phản ánh sự uyên bác và sâu sắc về địa lý, lịch sử, xã hội và con người Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Bài viết có thể nói là chìa khóa để bạn đọc mở cửa tìm hiểu, cảm thụ nội dung các truyện được tuyển chọn, giới thiệu và sẽ giúp người đọc có được cái nhìn toàn diện, khách quan về quá trình hình thành, phát triển trong lịch sử của Hà Nội và truyện kể dân gian Hà Nội.
Các tác giả ở đây ngoài kế thừa và phát huy những kết quả đi trước, họ còn áp dụng phương pháp biên soạn khoa học để tập hợp, tuyển chọn toàn bộ những truyền thuyết, truyện cổ tích, giai thoại, truyện cười, phản ánh những sự kiện, những nhân vật liên quan đến Thăng Long - Hà Nội hoặc được lưu truyền ở Kẻ Chợ;truyện về danh thắng, di tích ở Hà Nội. Với phương pháp và tiêu chí rõ ràng sẽ giúp ích cho việc thưởng thức của rộng rãi bạn đọc và việc tra cứu của các nhà nghiên cứu. Cách sắp xếp được phân chia theo bốn thể loại, mỗi thể loại cố gắng sắp xếp theo thời gian, đồng thời cuối mỗi truyện có ghi chú rõ nguồn.
Cũng bởi với vị thế là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước nên Hà Nội trong trường kỳ lịch sử phát triển đã trở thành nơi quy tụ thần và người. Khi người kéo về Thăng Long – Hà Nội làm ăn sinh sống thì sau đó là họ xây đình, lập miếu để rước thành hoàng làng và tổ nghề về thờ phụng, đồng thời kéo theo sự tích/truyền thuyết về các vị thần. Vậy nên có thể nói, hầu như tất cả các truyền thuyết tiêu biểu của người Việt đều có thể tìm thấy ở Hà Nội.
Với 111 truyện truyền thuyết mà nhóm biên soạn đã tuyển chọn là những truyện kể được phổ biến, lưu truyền và nói về Hà Nội. Các truyền thuyết tiêu biểu trong cuốn sách này được sắp xếp theo thời gian mà nội dung các truyền thuyết đó phản ánh. Mở đầu đó là các truyền thuyết về Thăng Long tứ trấn; là Thánh Gióng và các tướng lĩnh rồi đến các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng; các nhân vật lịch sử từ thời Lý, Trần, Lê đến triều Nguyễn và cuối cùng là truyền thuyết về các vị tổ nghề.
Phần cổ tích, nhóm biên soạn đã chọn 20 truyện cổ tích lưu truyền ở Hà Nội như Ai mua hành tôi, Đồng tiền Vạn Lịch, Câu chuyện tình ở Thanh Trì... và 52 truyện cổ tích về Hà Nội như Sơn Tinh chọn đất đóng quân, Đền Ngọc Sơn, Sự tích mả voi ở Lại Yên.... Các truyện trong phần này đều kể về các nhân vật, địa danh ở khu vực Hà Nội ngày nay. Qua mỗi truyện có thể thấy kho tàng cổ tích Hà Nội thật đặc biệt, vừa hàm chứa những nét phổ quát, vừa đậm chất riêng của một vùng văn hóa đô thị - kinh kỳ.
Về giai thoại, gồm có 104 truyện, nội dung về những nhân vật có tên tuổi và lai lịch cụ thể như các danh nhân, các nhà thơ, nhà văn mà cuộc đời của họ gắn với Thăng Long – Hà Nội và cả những giai thoại xung quanh các nhân vật khuyết danh, phiếm chỉ như thầy đồ, anh học trò… Các giai thoại ở đây thực sự tiêu biểu ở Hà Nội như Phật cười, Thơ đùa ả bán chiếu… Các truyện được sắp xếp theo trình tự thời gian lịch sử Lý, Trần, Lê, Nguyễn…
Phần truyện cười là những truyện đã được lưu truyền và phổ biến ở Hà Nội, nó có những nét riêng của vùng văn hóa Kẻ Chợ, rất đậm dấu ấn của văn hóa thị dân, văn hóa đô thị. Các truyện được sắp xếp theo hệ thống, xâu chuỗi Trạng Lợn (13 truyện) – Trạng Quỳnh (42 truyện) - Ba Giai – Tú Xuất (26 truyện) và một số truyện cười khác (29 truyện).
Ở phần truyện cười này bạn đọc có thể thấy nội dung phản ánh qua từng mảng truyện như truyện Trạng Lợn đả kích bọn quan lại, bọn nho sĩ, phong kiến ngu dốt, còn sang truyện Trạng Quỳnh thì chĩa mũi nhọn vào mọi thứ quyền uy lớn nhỏ của xã hội phong kiến, đến Ba Giai – Tú Xuất là tập trung đòn đánh vào những cái nhố nhăng, những cái chướng tai gai mắt của buổi giao thời.
Khép lại nội dung của cuốn sách, có thể ở mỗi người đều có những cảm nhận và suy nghĩ riêng còn với tôi quả đúng như một nhà nghiên cứu cho rằng “Muốn khám phá bản chất cốt lõi thật sự của Hà Nội cần phải tìm ở các tầng lịch sử và truyền thống văn hoá động, đa dạng, phong phú và phức tạp của nó mà truyện dân gian hay kho tàng văn học dân gian nói chung chính là một phần nền móng làm nên cơ tầng ấy”.
Cuốn Truyện kể dân gian Hà Nội