Những ý kiến tâm huyết về công tác điều tra, sưu tầm tư liệu
Điều đó không chỉ giúp
ích cho chủ đầu tư xác định rõ mục tiêu và kết quả đạt được để đầu tư đúng
người, đúng việc mà còn giúp chủ nhiệm đề án hoàn thiện và làm sáng rõ hơn cho nội
dung và kế hoạch triển khai Hạng mục.
* PGS.TS.
Nguyễn Thừa Hỷ - Khoa lịch sử, Trường Đại học KHXH & Nhân văn:
Đây
thực sự sẽ là một công trình nghiên cứu quy mô lớn về nghiên cứu khu vực, với
các cách tiếp cận và phương pháp hiện đại liên ngành và xuyên ngành kết hợp nỗ
lực trong phong cách làm việc nhóm, gồm các lực lượng học thuật chuyên môn,
giới lãnh đạo quản lý, cũng như quần chúng ngoài học thuật. Hy vọng hạng mục
không những chỉ là một kho dữ liệu (data warehouse), mà còn là một hệ thống
quản lý cơ sở dữ liệu (DBMS = data base management system) tiến đến một ngân
hàng dữ liệu (data bank) cho việc nghiên cứu toàn diện và chuyên sâu về Thăng
Long - Hà Nội.
Với vai
trò điều phối tổ chức của một chủ nhiệm đề tài có kinh nghiệm, kết hợp với một
chủ nhiệm khoa, có sự liên kết cộng tác của những cơ sở nghiên cứu khác nhau và
những chuyên gia, cùng một đội ngũ các nhà nghiên cứu trẻ năng động, chắc chắn
rằng hạng mục của PGS.TS. Vũ Văn Quân sẽ có nhiều triển vọng thành công, đạt
được kết quả tốt, chiếm được một vị trí xứng đáng trong toàn bộ Dự án Tủ sách.
Để được
hiệu quả tối đa, xin bổ sung thêm một số góp ý cụ thể:
- Về
việc sưu tầm các nguồn tư liệu, ngoài các “cơ quan lưu trữ” khác nhau, nên huy
động thêm mảng “lưu trữ cá nhân” của các chuyên gia, quần chúng, nhất là đối
với các tư liệu hiếm quý, khó tìm. Vấn đề này liên quan đến khâu kinh phí.
Trong các giấy tờ thanh toán, cần có những phiếu chi cho các tư liệu hiếm quý
được “nhượng” (không hẳn là mua, vì giá tiền tương đối khiêm tốn của nó) từ các
cá nhân chuyên gia, quần chúng cung cấp cho hạng mục. Có điều nên tính theo giá
trị của đơn vị dữ liệu (item), chứ không nên tính theo số lượng, dung lượng (số
trang tư liệu) để có thể tiết kiệm được kinh phí (vì sẽ có những tư liệu rất
nhiều trong sách). Như vậy mới công bằng.
- Sau
khi khảo sát, sưu tầm và thu thập tư liệu (dữ liệu thông tin), cần tiến hành
khâu xử lý tư liệu, trong đó có việc hệ thống hóa dữ liệu, rồi khâu biên dịch,
hiệu đính tư liệu (đối với các tư liệu Hán Nôm và phương Tây). Việc chia không
gian nghiên cứu thành 10 khu vực (từ Hà Nội 1 đến Hà Nội 10) có thể chấp nhận
được.
Tuy
nhiên, trên thực tế chúng ta sẽ gộp những tư liệu tổng hợp đi xuyên qua giữa
những khu vực này. Vì vậy, việc phân vùng sưu tập theo không gian, cần kết hợp
với việc phân loại theo những thứ tự khác: phân loại theo ngôn ngữ (quốc ngữ,
Hán Nôm, phương Tây), phân loại theo chủ đề (diện mạo, chính trị, kinh tế, văn
hóa - xã hội), phân loại theo thời gian (trước Pháp thuộc, Pháp thuộc, hiện
đại). Dựa trên thực tế, có lẽ trong đợt II này, chúng ta cũng nên đặt trọng tâm
sưu tầm.
Về thời
gian nghiên cứu, có thể chọn thời Pháp thuộc vì thời trước Pháp thuộc cơ bản đã
làm trong đợt I, còn thời hiện tại thì lại quá phức tạp đa dạng (tư liệu nhiều,
cũng có những tư liệu khó có thể tiếp cận). Về không gian, bên cạnh bổ sung Hà
Nội cũ, có thể đặt trọng tâm vào khu vực Hà Nội mới. Khu vực này lại chia thành
các đơn vị nhỏ hơn: tỉnh Hà Đông, tỉnh Sơn Tây, mấy xã thuộc Hòa Bình. Đây là phương hướng chung, có thể xử lý linh
hoạt tùy từng trường hợp cụ thể.
* TS. Trần Hữu Huỳnh - Khoa Thông tin
thư viện, Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn
Về mục đích, ý nghĩa của hạng mục điều
tra, sưu tầm tư liệu đã được đặt ra
sẽ giúp cho bạn đọc quan tâm, đặc biệt là các nhà nghiên cứu về Hà Nội trên các
phương diện: địa lý, hành chính, kinh tế, văn hoá, xã hội… Qua đó giúp họ dễ
dàng tra cứu khai thác tư liệu văn hiến chữ viết (chữ Hán, Nôm và chữ phương
Tây) về Hà Nội có giá trị thời gian và nội dung phản ánh.
Về phương pháp nghiên cứu của hạng mục tác
giả đã xác định không gian hành chính Hà Nội mở rộng hiện nay. Nguồn tư liệu
cần khai thác, phân tích, xử lý, phân loại theo loại hình… là phù hợp. Ngoài
các cơ quan lưu trữ tư liệu của Trung ương và địa phương như: Trung tâm lưu trữ
Quốc gia I và III thuộc Cục Lưu trữ Nhà nước,Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện
Thông tin khoa học xã hội, Viện Sử học, Viện Văn học, Thư viện Quốc gia Việt
Nam, Trung tâm Thông tin tư liệu khoa Lịch sử, khoa Văn học thuộc trường ĐHKHXH&NV-
ĐHQGHN, Thư viện Hà Nội, ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội... chủ nhiệm
đề tài cần lưu ý xem xét đối chiếu nguồn tư liệu tại các Trung tâm Thông tin - Thư
viện các trường đại học về lĩnh vực khoa học xã hội (ví dụ: Trung tâm Thông tin
- Thư viện ĐHQGHN hiện đang lưu trữ hơn 2.000 thác bản văn bia và một số văn
bản cổ của Hà Nội) để nguồn tư liệu của tác giả đảm bảo tính đầy đủ, toàn diện.
Trong
quá trình sưu tầm khai thác giai đoạn II, cần tiếp tục bổ sung những tư liệu
mới để hoàn chỉnh nguồn tư liệu của kho dữ liệu giai đoạn I. Hình thức triển
khai tiến hành sưu tầm, khai thác tập hợp nguồn tư liệu Hà Nội và lập danh mục
phân loại từng loại. Như vậy là phù hợp giúp cho người sử dụng tin và dễ dàng
tra cứu thông tin.
Về kết cấu của hạng mục, chủ nhiệm dự kiến xây dựng “Toàn tập Địa bạ cổ Hà Nội Thăng Long - Hà
Nội” 10 tập (giai đoạn II) theo địa giới hành chính. Toàn tập Địa bạ cổ Hà
Nội 3 (Thanh Trì) đưa về mục nội thành quận Hoàng Mai, cần bổ sung Thị xã Sơn
Tây và một số huyện ngoại thành như: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thạch Thất… Hiện nay chỉ
có 7/18 huyện ngoại thành. Về “Toàn tập
Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội”, tác giả xây dựng như cuốn địa
chí văn hóa và tổ chức theo địa giới hành chính nhưng phần Thanh Trì đưa về
quận Hoàng Mai, bổ sung Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội 6 (Thường
Tín, Phú Xuyên) như vậy hợp lý hơn.
Về kế hoạch triển khai hạng mục, người
nhận xét nhất trí với kế hoạch thời gian triển khai của tác giả với khối lượng
công việc điều tra, sưu tầm, phân loại và xây dựng hệ thống khai thác khá lớn.
Đòi hỏi tác giả phân định khoa học về thời gian và công việc để hoàn thành dự
án.
* PGS.TS.
Nguyễn Hữu Mùi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm:
Thứ nhất, việc điều tra tư liệu làm cơ
sở cho việc xuất bản cũng như cho các Bộ Hồ sơ tư liệu là cần thiết nhưng nên
tập trung vào các cơ sở nghiên cứu hoặc các thư viện tại Hà Nội, trong đó chú ý
đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Viện Nghiên
cứu Hán Nôm và phần nào là Viện Thông tin Khoa học xã hội.
Riêng
tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm có hai bộ phận tư liệu rất quan trọng, là tư liệu
do Trường Viễn Đông Bác cổ của Pháp (EFEO) để lại và bộ phận do ta (các cán bộ
của Viện Nghiên cứu Hán Nôm) sưu tầm trong mấy chục năm trở lại đây. Bộ phận tư
liệu do EFEO để lại vốn được sưu tầm từ những năm trước Cách mạng tháng Tám tại
các địa phương, trong đó có các làng xã thuộc địa bàn Hà Nội mở rộng hiện nay.
Bộ phận do ta sưu tầm là sự bổ sung cho tư liệu của EFEO thêm phong phú, đầy
đủ. Các nguồn tư liệu Hán Nôm ở đây hiện đã được sắp xếp theo các chủ đề, hay
còn gọi là các “phông”, như địa bạ, thần tích, thần sắc, tục lệ… theo như các
tỉnh, huyện vào thời điểm sưu tầm, tương ứng với các địa danh hiện nay. Đó là
những thuận lợi cơ bản có thể giúp chúng ta bớt đi một công đoạn sưu tầm tư
liệu tại thực địa, mà chỉ khi nào thấy cần thiết, do tư liệu quý hiếm tại địa
phương mới cần phải đi thực tế xác minh. Thực tế công tác sưu tầm tư liệu của
chúng tôi cho thấy khi xuống địa phương như trong điều kiện hiện nay là công
việc tốn kém về thời gian và công sức và về cơ bản là không thu được kết quả
như ý muốn.
Thứ hai, việc
dịch và hiệu đính nguồn tư liệu chữ Hán, chữ Nôm và cả chữ phương Tây ở lần này
cần phải được chú trọng. Ở giai đoạn I, do thúc bách về thời gian, sản phẩm làm
ra phải kịp thời để lấy thành tích chào mừng ngày đại lễ 1000 năm Thăng Long -
Hà Nội, nên có một vài tuyển tập còn mắc nhiều lỗi, chất lượng chưa thật đảm
bảo. Do vậy ở giai đoạn II phải chú ý hơn nữa đến chất lượng bản dịch. Lần này chúng
ta có dư dả về thời gian không phải quá thúc bách như ở giai đoạn I. Hơn nữa
sản phẩm tạo ra của giai đoạn II là các toàn tập và Hồ sơ tư liệu làm cơ sở cho
việc nghiên cứu về sau nên càng phải chú trọng đến điều đó.
Thứ ba, địa bạ là nguồn tư liệu quý, ở
giai đoạn I đã hoàn thành 3 tuyển tập về địa chí vốn rất đồ sộ được giới nghiên
cứu đánh giá cao, coi đây là những tư liệu rất có giá trị giúp vào việc nghiên
cứu về Thăng Long - Hà Nội trong quá khứ. Địa bạ của 10 tập dự kiến xuất bản
trong Hạng mục của giai đoạn II này hầu hết là các bản “Bính”, do EFEO sưu tầm
trước đây, khi bản thân các bản địa bạ đó đang được lưu giữ tại các làng xã ở
đầu thế kỷ XX, trong đó có các làng xã thuộc địa bàn Hà Nội hiện nay. Trong các
văn bản này còn có thêm những tư liệu quý về hoạt động làng xã mà các bản
“Giáp” và “Ất” vốn không có, nên phải đầu tư công sức, kinh phí để hoàn thiện
và xuất bản 10 tập địa bạ như dự kiến đề ra, coi đây là công việc cơ bản của
Hạng mục thuộc giai đoạn II.
*
PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội:
- Hoàn
toàn ủng hộ về mặt chủ trương của việc tiếp tục triển khai Hạng mục này, đồng
thời cũng tán thành nội dung nghiên cứu và các hạng mục sưu tầm trong đề án.
- Đợt I
là chọn theo chuyên đề, theo vấn đề, đợt II là chọn toàn thể theo vùng miền,
tại kho lưu trữ và thực địa, điều này khó tránh khỏi trùng lặp với những gì đã
làm đợt trước về mặt bộ phận và chủng loại. Dự án nên có thuyết minh thêm cho
trường hợp này về cách xử lý.
- Thực
tế đợt một nhiều cuốn theo chuyên đề cũng đã mở rộng tới địa bàn Hà Tây cũ chứ
không hẳn như trong trình bày.
- Cần
có hướng xử lý trong trường hợp đợt sưu tầm theo địa bàn và tài liệu có tính
tổng thể tại các kho lưu trữ có thể có trùng lặp với một số loại tư liệu đã
chọn lọc trong các bộ tuyển theo chuyên đề đợt I.
- Việc
chia theo địa bàn quận huyện là một phương án, tuy nhiên mức độ phân bổ và số
lượng tư liệu văn hiến tại các địa bàn là khác nhau, nơi nhiều nơi ít, nơi
phong phú, nơi nghèo nàn, cũng cần tính tới vấn đề này.
- Việc
lập kho dữ liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội nên cân nhắc xem có cần thiết hay
không. Vấn đề là có đầy đủ thông tin về tư liệu, nó ở đâu, người khai thác cứ
tới đó. Các kho dữ liệu gốc hiện nay đều nằm chính trên địa bàn Thăng Long - Hà
Nội.
* GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ - Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường
Đại học Sư phạm Hà Nội:
Đây là một
chủ trương đúng đắn, là thời điểm thuận lợi để chủ dự án cũng như các nhóm tác
giả có thể hoàn thành ý tưởng của mình. Cả 5 nội dung của Hạng mục được đặt ra
đều rất cần làm, nếu làm ngay được thì rất tốt, nhưng nên ưu tiên vào những nội
dung đầu. Về kế hoạch thời gian, lộ trình thực hiện, mà nhóm tác giả dự kiến là
hợp lý.
* PGS.TS.
Nguyễn Đức Nhuệ - Viện Sử học Việt
Nam:
Bản
thuyết minh của chủ nhiệm đề tài được xây dựng khá chi tiết, cụ thể và bao quát
được các nội dung cần thể hiện của một công trình khoa học. Các vấn đề khác
liên quan, phó giáo sư cũng hoàn toàn tán đồng.
***
Có thể
thấy rằng, với những ý kiến đóng góp hết sức cụ thể của các nhà khoa học, những
nghiên cứu xác thực và kinh nghiệm làm việc của chủ nhiệm đề tài, cùng sự quyết
tâm cao của chủ đầu tư - Nhà xuất bản Hà Nội, việc triển khai Hạng mục “Điều
tra, sưu tầm tư liệu” ở giai đoạn II này là có tính khả thi cao. Các sản phẩm
tư liệu từ việc điều tra sẽ được công bố rộng rãi, được sử dụng để phục vụ công
tác nghiên cứu, biên soạn và đặc biệt là hội tụ “sức mạnh vô hình” hướng tới sự
phát triển của Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới.