Đánh giá của các nhà khoa học trước giá trị to lớn của khối tư liệu VOC và EIC về Kẻ chợ - Đàng ngoài thế kỷ XVII
Trong một thời gian dài,
giới nghiên cứu thường nghiên cứu, khai thác lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà
Nội từ các nguồn tư liệu phương Đông mà ít đề cập tới nguồn tư liệu phương Tây.
Với khối tư liệu gần một vạn trang của Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) và một
nghìn trang của Công ty Đông Ấn Anh (EIC) về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII mà
PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn khai thác được đã trở thành một ví dụ điển hình cho
hướng đi mới của công cuộc khai phá. Tính hiệu quả của việc khai thác nguồn tư
liệu ấy đã được khẳng định bằng sự ra đời của cuốn sách “Tư liệu các Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ
XVII” và bằng sự quan tâm của
không ít độc giả trong và ngoài nước.
Tuy
nhiên, với một khối lượng tư liệu hết sức đồ sộ trên, ở một cuốn sách với dung
lượng trên 700 trang là chưa đủ, cần khai thác triệt để hơn, sâu hơn. Đây là ước nguyện của người chủ công trình và
cũng là niềm mong mỏi của nhiều độc giả. Chính bởi vậy, khi Dự án Tủ sách
“Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II được triển khai thì cũng là lúc chủ
đầu tư - Nhà xuất bản Hà Nội phối hợp cùng PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn sớm tiếp tục bắt
tay vào công việc.
Sau khi
đưa ra bản đề cương đề án thực hiện trong giai đoạn II, Nhà xuất bản Hà Nội đã
thành lập Hội đồng thẩm định, đồng thời xin các ý kiến đóng góp từ phía các nhà
khoa học. Đây là những ý kiến đóng góp tâm huyết và có giá trị để đảm bảo tính
khoa học và hiệu quả trước khi chủ công trình bắt tay vào triển khai.
*
PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - Khoa Lịch sử, Đại học KHXH & Nhân văn:
Tư liệu
lưu trữ là những dữ liệu thông tin ở dạng thô, nhưng rất cần thiết cho giới
nghiên cứu với giá trị cao ở tính đương thời và nguyên gốc của nó. Nguồn tư
liệu lưu trữ ở nước ngoài nói về Thăng Long - Hà Nội lại càng quý hiếm, vì nó
không dễ dàng tiếp cận được.
Việc
tiến hành đề tài “Điều tra sưu tầm tư liệu lưu trữ tại EIC và VOC” giai đoạn II
của PGS.TS Hoàng Anh Tuấn là rất hợp lý và hứa hẹn nhiều triển vọng. Bởi lẽ tư
liệu thì còn nhiều, và chúng ta đã có kinh nghiệm qua đợt I, chủ nhiệm đề tài
lại là một chuyên gia có thẩm quyền, từng lưu trú, nghiên cứu và những mối quan
hệ tốt với những cơ sở đó. Vì vậy, bất kỳ ai trong chúng ta chắc chắn cũng sẽ
tán thành.
Một vài
ý kiến nhỏ có thể góp thêm vào nội dung và việc tiến hành đề tài. Nếu trong
giai đoạn I, trọng tâm là những dữ liệu thông tin về kinh tế, thì trong giai
đoạn II, nên chăng chú ý khai thác những thông tin dữ liệu về các mối quan hệ
chính trị - ngoại giao. Có thể nó không thật phong phú bằng mảng tư liệu thứ
nhất, nhưng chắc vẫn có, và đó là những tư liệu có giá trị cao.
Về tư
liệu lưu trữ VOC, ngay từ giai đoạn I, đã tỏ ra khá phong phú đa dạng. Có thể
nên khai thác về địa điểm chính xác và hoạt động của VOC trong giai đoạn ở mạn
dưới, gần Cửa ô Tây Long, sau chuyển thành Trường Bắn, trước khi dời lên chỗ
cửa sông Tô Lịch.
Về EIC,
tất nhiên tư liệu tập trung ở thế kỷ XVII (EIC ở Kẻ Chợ đóng cửa năm 1697). Tuy nhiên, nên chăng
có thể bổ sung thêm một vài sự kiện trong quan hệ Anh - Việt ở Thăng Long - Hà
Nội trong những thế kỷ sau đó. Có 2 sự kiện có thể khai thác thêm ở lưu trữ EIC
để làm sảng tỏ, vì những tài liệu hiện có, tuy có nói đến, nhưng còn sơ lược và
chưa cụ thể, rõ ràng:
- Sự
kiện 1720 - Tàu Anh đã trở lại Kẻ Chợ (để buôn bán, thương lượng ngoại giao?)
nhưng không may mắn, có thể đã xảy ra xung đột vũ trang Anh - Việt và tàu Anh
bị đánh đuổi.
- Sự
kiện 1822 - phái bộ Crawfurd được toàn quyền Anh ở Ấn độ Hasting cử sang thương
lượng với triều đình Huế (nhưng không được gặp trực tiếp Minh Mạng). Crawfurd
có đề nghị được ra thăm Kẻ Chợ, nhưng bị từ chối vì cho rằng sợ không bảo đảm
an toàn (vì mới được bình định). Thậm chí triều đình Huế không liệt kê Hà Nội
vào danh sách những đô thị của Việt
Nam. Nếu lưu trữ EIC có nói đến sự
kiện này thì nó sẽ làm sáng tỏ cách nhìn của triều đình Nguyễn lúc này đối với
Hà Nội.
*
PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ - Viện Sử học Việt
Nam:
Nội
dung khoa học của đề tài này đã thực hiện tương đối tốt ở giai đoạn I và thực
sự là tài liệu quý cho giới học giả trong nước tìm hiểu, nghiên cứu Thăng Long
- Kẻ Chợ và rộng hơn là Đàng Ngoài trong các thế kỷ XVI - XVIII. Có thể nói,
nguồn tài liệu về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài của các Công ty Đông Ấn Anh và Hà Lan
hiện lưu trữ tại các quốc gia này vô cùng phong phú và đa dạng. Việc tiếp tục
công tác sưu tầm, dịch thuật tài liệu tiến tới biên soạn hai cuốn sách về tư
liệu các Công ty Đông Ấn Anh và Công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài
là cần thiết.
Với hai
hạng mục công việc chính và sản phẩm dự kiến khoảng một vạn trang tài liệu bao
gồm tiếng Anh cổ và tiếng Hà Lan cổ, hy vọng sẽ giúp bạn đọc nhận thức được đầy
đủ hơn về hoạt động của các thương điếm thuộc nhiều quốc gia khác nhau ở Kẻ Chợ
- Đàng Ngoài trong thế kỷ XVII.
* TS.
Trần Hữu Huỳnh - Khoa Thông tin thư viện, Đại học KHXH & NV:
Trong
suốt gần bảy thập kỷ lưu trú tại kinh thành Thăng Long, người Hà Lan đã để lại
khoảng 9.000 trang tư liệu viết tay (người Anh có khoảng 1.000 trang) về tình
hình thương mại, kinh tế, xã hội, văn hóa, tín ngưỡng... của Đàng Ngoài, phần
lớn liên quan đến đời sống của Thăng Long - địa bàn cư trú và buôn bán chính
của họ giai đoạn 1630 - 1700.
Tác
giả đã xác định nội dung nguồn tư liệu cần khai thác, phân tích, xử lý, phân
loại… tư liệu Hà Lan cổ và Anh cổ. Theo TS. Trần Hữu Huỳnh là rất cần thiết giúp
cho các nhà khoa học cần nghiên cứu và người dùng tin quan tâm về Thăng Long
(Hà Nội) thời trung đại thuận lợi trong tra cứu tư liệu. Đồng thời tiến sĩ cũng
nhất trí với kế hoạch triển khai của tác giả. Với khối lượng công việc sưu tầm,
phân loại và xây dựng hệ thống khai thác khá lớn (mua dưới dạng scan khoảng
9.000 trang tư liệu Hà Lan cổ và 1.000 trang tư liệu Anh cổ) đòi hỏi tác giả cần
phân định hết sức khoa học về thời gian và công việc để hoàn thành dự án.
*
GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ - Phó chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư
phạm Hà Nội:
Theo GS.TS. Nguyễn Ngọc
Cơ đây là đề tài giống với đề tài của TS. Đào Thị Diến... Tuy vậy, số 10.000
trang tư liệu dự kiến được sao chụp, đưa về sẽ được xử lý và sử dụng như thế
nào cho thật hiệu quả cũng là điều cần suy nghĩ thêm, đặc biệt là cần tính toán
giá thành cụ thể cho mỗi sản phẩm.
Trước những ý kiến trên,
có thể thấy rằng, đây luôn là một đề tài được các nhà khoa học quan tâm và đánh
giá cao. Sự ủng hộ từ nhiều phía sẽ là động lực lớn để PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn
tiếp tục, bền bỉ với quá trình khai phá, chuyền tải thông tin, đưa ra những tư
liệu quý về Thăng Long - Hà Nội nhiều hơn nữa đến với bạn đọc.