Tư liệu lưu trữ về Hà Nội (1973 -1954) tại kho lưu trữ hải ngoại ở AIX EN PROVENCE - Pháp qua con mắt của các nhà khoa học
Nếu như bộ sách “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873
- 1954” đã xuất bản được GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử
Việt Nam, đánh giá là “một bộ sách công
cụ tra cứu có giá trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Hà Nội học,
tạo điều kiện thuận tiện cho các nhà khoa học và bạn đọc mở rộng các nguồn
thông tin tư liệu về Hà Nội” và PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - Khoa Lịch sử,
Trường Đại học KHXH & Nhân văn Hà Nội coi nó như là “một cuốn tra cứu đa tiện ích, một cuốn sách công cụ trong tay những
người nghiên cứu khoa học, những nhà quản lý, những nhà chuyên môn về Hà Nội,
giới giảng viên, sinh viên, học sinh và tất cả những ai muốn hiểu và yêu Hà Nội”
thì Đề án ở giai đoạn II này cũng được đánh giá rất cao, dù ấn phẩm vẫn chưa
được hiện thực hoá. Trước sự logic, chặt chẽ, khoa học và có tính khả thi cao
của bản Đề án, nhiều nhà khoa học trong giới chuyên môn đã đưa ra những ý kiến
sau:
* PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ - Khoa Lịch sử, Đại học KHXH &
Nhân văn:
Đây là một đề tài hỗn hợp. Bên cạnh những văn kiện từ chính
nước Pháp (Chính phủ, Bộ Hải ngoại), một phần lớn các văn kiện xuất phát từ
Việt Nam (Phủ Toàn quyền, Thống sứ, tòa Đốc lý) và được mang từ Hà Nội về Pháp.
Phần lớn những tư liệu này không còn bản sao tại lưu trữ Việt
Nam. Vì vậy, đề tài giai đoạn II
này là sự bổ sung trực tiếp những khuyết thiếu ở giai đoạn I, và như vậy, nó
mang tầm quan trọng cần thiết, không thể thiếu. Mặt khác, chủ nhiệm đề tài lại
là một chuyên gia lưu trữ có uy tín, từng làm việc và quen thuộc với cơ sở khai
thác, có kinh nghiệm từ những đợt nghiên cứu trước đây, hăng say với công việc.
Do vậy, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công và những
kết quả bổ ích của chuyến Tây du này của TS. Đào Thị Diến trên đường “thỉnh
kinh”. Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ cũng có một vài ý kiến nhỏ tham gia
thêm:
- Nơi
khai thác tư liệu là
Aix-en-Provence.
Liệu có thể kết hợp, liên kết để có thì có thêm những tài liệu trong các kho
lưu trữ khác ở
Paris
không? Thí dụ: Lưu trữ Bộ Ngoại giao, lưu trữ Bộ Quốc phòng (SHD: Service
histouq’ue de la De fense)?
- Trong
giai đoạn I, hình như trọng tâm khai thác tư liệu về Hà Nội ở vào thời kỳ 1873
- 1918. Nên chăng để cân đối, giai đoạn II nên chuyển trọng tâm vào thời kỳ
1918 - 1945? Đặc biệt những tư liệu lưu trữ liên quan đến những kế hoạch mở
rộng thành phố của kiến trúc sư trưởng He’braid, các đốc lý Eckert
và Virgilti. Sẽ rất bổ ích cho các nhà quản lý thành phố Hà Nội hiện nay nếu họ
được tham khảo các văn kiện của Thành phố thời Pháp thuộc về chính sách và việc
thực hiện công việc trưng dụng, trưng mua, đền bù đất đai khi mở rộng, xây dựng
để đô thị hóa thành phố.
* PGS.TS.
Nguyễn Đức Nhuệ - Viện Sử học Việt
Nam:
Trong giai đoạn I, tài liệu lưu trữ về Hà Nội
(1873 - 1954) mới được sưu tầm, khai thác chủ yếu ở Trung tâm lưu trữ Lưu trữ
Quốc gia I, do đó chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của giới nghiên cứu khi tìm
hiểu về Hà Nội thời Pháp thuộc. Vì vậy, việc triển khai đề tài này ở giai đoạn II
là cần thiết. Không chỉ nghiên cứu về Hà Nội mà nghiên cứu lịch sử Việt
Nam thời cận đại nói chung, nguồn tài liệu ở kho
lưu trữ Hải ngoại Aix en
Provence
đặc biệt quan trọng và quý giá là đối với giới khoa học trong và ngoài nước.
Chủ trì
đề tài đã nêu tương đối cụ thể về tầm quan trọng của nguồn tài liệu, hướng tiếp
cận và khả năng khai thác. Đặc biệt là khối lượng thông tin của tư liệu chữ
viết, tư liệu ảnh liên quan đến Hà Nội, đến Việt Nam và Liên bang Đông Dương
cũng được tác giả trình bày chi tiết và cụ thể.
Phương
pháp thực hiện được tác giả lựa chọn cũng như dự kiến kết quả cũng được bản
thuyết minh đề cập đến. Bản thân tác giả của đề án - TS. Đào Thị Diến - là
người nghiên cứu lâu năm, có nhiều kinh nghiệm trong công tác điều tra, sưu
tầm, dịch thuật, do đó tính khả thi của đề tài có thể xác định rõ.
*
GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ - Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư
phạm Hà Nội:
Trong
bản thuyết minh có nói đến 2 phông tài liệu quý, đó là Phông Bộ tham mưu các
lực lượng viễn chính Pháp tại Đông Dương (fonds de L’Etat- Major des Troupes de L’Indochine 1880 -1889) và Phông
Đô đốc và toàn quyền Đông Dương (fonds des Amiraux et du Gouvernement general
de L’Indochine 1858-1945) nhưng căn cứ vào những điều mà tác giả nói trong nội
dung kế hoạch thì vẫn chưa thật rõ, có cảm giác là nếu khai thác về Thăng Long
- Hà Hội trong các fonds nói trên sẽ không được nhiều, bởi vì nó đề cập đến các
vấn đề của toàn Đông Dương, cả Lào, Campuchia, Quảng Châu Loan, các vùng miền
khác của Việt Nam chứ không riêng về Hà Nội.
Về phông tư liệu ảnh và
bản đồ thành phố, theo giáo sư các kho lưu trữ ở Hà Nội đã khá phong phú, đa dạng.
Một số đã được xuất bản thành sách, chúng ta nên tận dụng tối đa.
Về hình
thức bản thuyết trình có lẽ cần làm lại theo một form thống nhất; cần nêu rõ mục
tiêu, đối tượng khai thác, nội dung khai thác và dự kiến kết quả khai thác một
cách cụ thể đưa ra dự kiến 5.000 trang tư liệu chụp, nhưng tiên lượng sử dụng
được bao nhiêu phần trăm trong số 5.000 trang đó cũng là điều cần được cân nhắc
cho thấu đáo.
* TS.
Trần Hữu Huỳnh - Khoa Thông tin thư viện, Đại học KHXH & NV:
Phương pháp nghiên cứu của đề tài là phù hợp
trong giai đoạn kỹ thuật công nghệ hiện này, giúp cho bạn đọc nghiên cứu và
người dùng tin quan tâm về Hà Nội dễ dàng tra cứu thông tin. Đồng thời, tiến sĩ
Huỳnh cũng nhất trí với kế hoạch về thời gian triển khai của tác giả (kéo dài
trong 3 tháng) với khối lượng công việc sưu tầm, phân loại và xây dựng hệ thống
khai thác khá lớn (chụp 5.000 trang; sao ảnh 300 chiếc). Tuy nhiên, tác giả
cũng cần phải có sự phân định khoa học về thời gian và công việc để hoàn thành
đề tài đúng thời hạn.
Có thể
thấy rằng, với sự hỗ trợ của Nhà xuất bản Hà Nội (chủ đầu tư), sự ủng hộ nhiệt
thành của Hội đồng khoa học, sự chuẩn bị chu toàn cả về vật chất lẫn tinh thần
của tác giả, chuyến đi khai phá của TS. Đào Thị Diến chắc chắn sẽ thành công.
Và chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng kho tư liệu “bí ẩn” về Hà Nội kia sẽ được
hé lộ trong khoảng thời gian không xa, để góp “gương mặt vàng” của mình trong
Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II.