Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Nguồn tư liệu và tài liệu chứa đựng nhiều "bí ẩn" về Hà Nội (1973 - 1954) sẽ sớm được khai phá
Thứ ba, 12/11/2013 03:23
Trong quá trình triển khai Hạng mục “Điều tra, sưu tầm tư liệu trong và ngoài nước” thuộc Dự án Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, có một đề tài được khá nhiều nhà khoa học quan tâm. Đó là đề tài khai thác thông tin lưu trữ về Hà Nội (1873 - 1954) tại Kho Lưu trữ Hải ngoại (Centre des Archives d’Outre Mer) ở Aix en Provence - Pháp do TS. Đào Thị Diến - nguyên Trưởng phòng tổ chức sử dụng tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I - làm chủ nhiệm đề tài.

          Việc khai thác các thông tin lưu trữ về Hà Nội (1873 - 1954) đã được TS. Đào Thị Diến và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tiến hành ở giai đoạn I của Dự án. Việc khai thác này đã được hiện thực hoá trước độc giả bằng việc xuất bản thành công bộ sách “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873 - 1954” gồm 2 tập trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Đây là một bộ sách công cụ, tra cứu tư liệu được biên soạn trên cơ sở của các phông tài liệu hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I ở Hà Nội. Bộ sách được các nhà nghiên cứu khoa học, những nhà chuyên môn về Hà Nội đánh giá rất cao và được đông đảo độc giả nhiệt tình đón nhận.

          Tuy nhiên, các tư liệu về Hà Nội (1873 - 1954) không chỉ có ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tại Hà Nội mà nó còn được lưu trữ tại Kho Lưu trữ Hải ngoại (Centre des Archives d’Outre Mer) ở Aix en Provence - Pháp. Hơn nữa đó lại là một khối tư liệu và tài liệu khá đồ sộ, mà cho đến nay nguồn tư liệu ấy vẫn được xem là “điều bí ẩn” cần khai phá.

          Ngày 15/6/1950, chính phủ Bảo Đại và đại diện chính phủ Pháp ở Đông Dương là Cao uỷ Léon Pigon đã ký Hiệp ước về phân chia tài liệu bảo quản tại Kho Lưu trữ Trung ương ở Hà Nội và Kho Lưu trữ Nam kỳ ở Sài Gòn. Hiệp ước gồm 7 chương, 17 điều khoản. Dựa vào Hiệp ước, Pháp đã mang về nước tổng số 163 hòm tài liệu của Kho Lưu trữ Trung ương ở Hà Nội, chưa kể đến số sách lấy từ Thư viện Trung ương ở Hà Nội và tài liệu của Kho Lưu trữ Trung ương chưa kịp mang đi còn để lại ở Sài Gòn.

          Trong lần nghiên cứu để làm Luận án Tiến sĩ Đại học Paris VII, tại Kho Lưu trữ Hải ngoại ở Aix en Provence - Pháp, TS. Đào Thị Diến và các cộng sự đã có dịp kiểm tra được nội dung chính của khối tài liệu trên, dựa vào các phông:

·        Phông Bộ Tham mưu các lực lượng viễn chinh Pháp tại Đông Dương 1880 - 1890, trong đó có quá trình xây dựng Hà Nội thành Thủ đô của Bắc kỳ, của “Liên bang Đông Dương thuộc Pháp”.

·        Phông đô đốc và toàn quyền Đông Dương 1858 - 1945, trong đó tập trung série F (chính trị) về cuộc chiến tranh giành độc lập của người Hà Nội trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945 dưới thời cận đại.

·        Một phần phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ 1874 - 1945.

·        Một phần của phông Tổng Thanh tra Công chính Đông Dương 1876 - 1946, phần còn lại được bảo quản tại Hà Nội.

·        Toàn bộ phông Ban Chỉ đạo các Sở Kinh tế Đông Dương 1914 - 1944

·        Phông toà Khâm sứ Cam-pu-chia 1887 -1945 và một số sưu tập tài liệu cá nhân.

          Có giá trị hơn cả là hệ thống tư liệu được khai thác từ 2 phông tài liệu: Phông Bộ Tham mưu các lực lượng viễn chinh Pháp tại Đông Dương 1880 - 1890 và Phông đô đốc và toàn quyền Đông Dương 1858 - 1945.

Với những nguồn tài liệu tại Hải ngoại Aix en Provence - Pháp, lịch sử của thành phố Hà Nội sẽ phần nào được sáng tỏ, kể từ khi người Pháp chiếm Bắc kỳ cho đến những hoạt động quy hoạch cuối cùng, trước khi Việt Nam giành được độc lập, mà không bỏ sót giai đoạn xây dựng các công trình lớn của chính quyền thực dân. Nếu chúng ta sưu tập được nguồn tài liệu trên và xây dựng nó thành một bộ sách công cụ tra cứu, nối tiếp bộ sách “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873 - 1945” thì giá trị và tiếng vang của nó sẽ vô cùng lớn. Nó không chỉ là một bộ sách tra cứu có giá trị thông thường mà nó còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Hà Nội học, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học nghiên cứu và bạn đọc tìm hiểu, tra cứu về Hà Nội.

Với mục tiêu chính là tập trung khai thác triệt để nhất có thể đối với các phông tài liệu và cố gắng hết sức để nhân bản những tài liệu trực tiếp liên quan tới Hà Nội và Bắc kỳ, TS. Đào Thị Diến và Nhà xuất bản Hà Nội (chủ đầu tư Dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II) đã tổ chức Hội đồng khoa học thẩm định, đóng góp để hoàn thiện đề án trước khi triển khai đề tài, nhằm đưa ra phương án thực hiện và lộ trình sang Pháp khai thác một cách hiệu quả nhất.

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá