Hướng tới một ngân hàng tư liệu quý báu từ công tác điều tra sưu tầm tư liệu
Trong Giai đoạn I của Dự
án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, các nội dung chủ yếu của nhiệm vụ
điều tra, sưu tầm tư liệu của Hạng mục về cơ bản đều đã hoàn thành. Từ các kết
quả sưu tập được, Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức biên soạn và xuất bản trong Tủ
sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, gồm 11 đầu sách, 17 tập, gần 20.000 trang
in vào năm 2010. Các công trình trên đã được độc giả đón nhận nhiệt thành trong
dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đó là các công trình được đánh
giá rất cao trong giới nghiên cứu trong và ngoài nước, là cơ sở cho việc tìm
hiểu về Thăng Long - Hà Nội trên nhiều phương diện, nhất là về lịch sử và văn
hóa.
Mặc dù công tác điều tra, sưu tầm tư liệu ở giai đoạn I đã
thu được những thành tựu đáng kể, nhưng so với tiềm năng, trữ lượng tư liệu
trên thực tế, nhất là trong điều kiện thành phố đã mở rộng không gian hành
chính, thì kết quả đó mới chỉ là bước đầu. Chính vì vậy, ở giai đoạn II của Dự
án, PGS.TS. Vũ Văn Quân - chủ nhiệm đề án - đã lên dự kiến về kế hoạch triển
khai Hạng mục một cách hết sức tỉ mỉ, nhằm tập trung vào hai nhiệm vụ chính
sau:
* Thứ nhất là mở rộng
công tác điều tra, sưu tầm tư liệu trên địa bàn toàn thành phố. Khi giai
đoạn I của Dự án triển khai, Hà Nội chưa mở rộng địa giới hành chính và vì vậy,
phạm vi không gian nghiên cứu của một số đề tài vẫn chỉ là không gian Hà Nội cũ.
Đến giai đoạn II này, phạm vi không gian sẽ được mở rộng thêm ngoài vùng Hà Nội
cũ, bao gồm vùng Hà Tây cũ, huyện Mê Linh và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn - Hòa
Bình.
* Thứ hai là triển
khai về chiều sâu trong công tác tư liệu. Cụ thể như: Tiến thêm một bước
trong việc dịch, hiệu đính nguồn tư liệu phục vụ cho việc nghiên cứu, đặc biệt
là nguồn tư liệu chữ Hán Nôm và chữ phương Tây; Xây dựng thêm các tuyển tập tư
liệu mới, hoàn thiện thêm các tuyển tập tư liệu đã thực hiện và triển khai một
số toàn tập tư liệu.
Để
triển khai Hạng mục “Điều tra, sưu tầm tư liệu trong nước” giai đoạn II, PGS.TS.
Vũ Văn Quân có đặt ra 5 nội dung cụ thể như sau:
1. Điều tra, khảo sát nguồn tư liệu văn hiến
về Thăng Long - Hà Nội đã được tập hợp tại các cơ quan lưu trữ
Nội
dung công tác điều tra, khảo sát nguồn tài liệu văn hiến về Thăng Long - Hà Nội
đã được tập hợp tại các cơ quan lưu trữ bao gồm cả việc tiếp tục điều tra, khảo
sát trên địa bàn các quận, huyện Hà Nội cũ và việc mở rộng phạm vi trên địa bàn
các quận, huyện, thị xã mới hội nhập.
Các địa
chỉ điều tra, khảo sát bao gồm cả các cơ quan lưu trữ Trung ương và các cơ quan
lưu trữ địa phương.
2. Điều tra, sưu tầm tài liệu thực địa
Bên
cạnh một phần tư liệu được tập hợp và bảo quản tại các cơ quan lưu trữ trong và
ngoài Hà Nội, trong và ngoài nước thì còn có một khối lượng khá lớn nằm rải rác
tại các quận huyện, các phường, xã, trong gia đình, các dòng họ, các công trình
tôn giáo - tín ngưỡng. Đây cũng là nội dung quan trọng của công tác điều tra,
sưu tầm tư liệu.
3. Dịch tài liệu
Dựa
trên các kết quả của hoạt động điều tra, khảo sát, sưu tầm, thẩm định tài liệu,
những tư liệu có giá trị sẽ được lựa chọn để tiến hành dịch và hiệu đính. Tài
liệu dịch bao gồm tài liệu chữ Hán Nôm, chữ phương Tây (chủ yếu là chữ tiếng
Anh và tiếng Pháp).
4. Xây dựng bổ sung kho dữ liệu văn hiến
Thăng Long: Ở giai đoạn II sẽ tập trung vào hai nhiệm vụ chính:
- Tiếp
tục bổ sung tư liệu mới được sưu tầm vào kho tư liệu thực hiện trong giai đoạn
I.
- Bổ
sung kho dữ liệu văn hiến của Hà Nội mở rộng.
5. Xây dựng cơ sở tư liệu cho việc biên soạn
một số toàn tập tư liệu:
- Toàn
tập Địa bạ cổ Thăng Long - Hà Nội.
- Toàn
tập Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Bên
cạnh những nội dung trên, chủ nhiệm đề tài cũng đưa ra phần Phụ lục chi tiết về
tiến độ, sản phẩm và lộ trình triển khai công việc.
Với một
“bệ phóng” có sẵn là những thành công của giai đoạn I, Hạng mục “Điều tra, sưu
tầm tư liệu trong nước” ở giai đoạn II này sẽ có được những bước đột phá đáng
kể trong quá trình sưu tầm và khai thác tư liệu. Chúng ta hãy tin tưởng vào một
đội ngũ cộng tác viên dày dặn kinh nghiệm và một người chủ biên chuyên nghiệp,
đầy tâm huyết để biến những mục tiêu chính mà bản đề án đã đặt ra thành hiện
thực.