Tiếp tục công cuộc khai phá những giá trị to lớn của khối tư liệu VOC và EIC về Kẻ chợ - Đàng ngoài thế kỷ XVII
Cuộc hành trình của
PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn đã được sự quan tâm giúp đỡ từ nhiều phía, đặc biệt là
của Nhà xuất bản Hà Nội - Chủ đầu tư Dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn
hiến”. Kết quả của đợt khảo sát đầu tiên của phó giáo sư vào mùa hè năm 2008,
tại La Haye và Luân Đôn, là thu được khoảng gần 9000 trang tư liệu của Công ty
Đông Ấn Hà Lan và gần 1000 trang tư liệu của Công ty Đông Ấn Anh đã được Nhà
xuất bản Hà Nội đầu tư trong giai đoạn I của Tủ sách. Và đến giai đoạn II này,
Nhà xuất bản cùng nhiều nhà khoa học vẫn rất ủng hộ PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn tiếp
tục công tác điều tra, sưu tầm tư liệu đó. Mặc dù khối tư liệu mà PGS.TS. Hoàng
Anh Tuấn đã khai thác được trong giai đoạn I của Dự án chiếm một số lượng không
hề nhỏ và có giá trị khá lớn nhưng kho tàng tư liệu nói trên vẫn rất đáng đầu
tư công sức tiếp tục khai thác bởi các lý do sau:


Ảnh: Một số trang tư liệu bằng tiếng Hà Lan cổ đã được
khai thác
Thứ
nhất, ở giai đoạn I, trong khoảng thời gian ngắn ngủi của 2 tháng hè năm
2008, PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn chỉ mới sưu tập được tư liệu của 2 thương điếm Hà
Lan và Anh đóng ở Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII. Trong khi đó, khối tư liệu
liên quan trực tiếp đến Kẻ Chợ - Đàng Ngoài nằm trong phông tư liệu của các
thương điếm Hà Lan tại Nagasaki (Nhật Bản), Đài Nam (Đài Loan), Ayutthaya
(Xiêm), Batavia (Indonesia) vẫn chưa được sưu tầm (ước cũng khoảng một vạn
trang). Bên cạnh đó là gần một nghìn trang tư liệu của các thương điếm Anh ở
Bantam, Xiêm, Đài Loan… có phản ánh khá cụ thể về tình hình buôn bán của Công
ty Đông Ấn Anh ở Kẻ Chợ. Và cuối cùng là những nguồn tài liệu lưu trữ có liên
quan đã được xuất bản như: một số bộ nhật ký buôn bán của thương điếm Đài Loan,
thương điếm Xiêm, thương điếm Nhật Bản và thương điếm Bantam…
Thứ hai là cuốn “Tư liệu các Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về
Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII” đã được xuất bản mới ở dạng thư mục đề yếu,
chưa khai thác được sâu những thông tin cụ thể về tình hình Kẻ Chợ - Đàng Ngoài
trong các báo cáo thương mại thường niên của các Công ty Đông Ấn Anh và Hà Lan.
Trong ấn bản năm 2010, cuốn sách mới chỉ dừng lại ở việc hệ thống thư mục và
giới thiệu bước đầu những thông tin chính đã khảo cứu được từ lề văn bản gốc
(đối với khối tư liệu Hà Lan) và từ tóm tắt nhật ký thương điếm (đối với khối
tư liệu Anh). Vì vậy, vẫn còn tiềm năng lớn cho việc khai thác khối tư liệu lưu
trữ Hà Lan và Anh để soi sáng nhiều góc khuất của lịch sử kinh đô Kẻ Chợ và xứ
Đàng Ngoài nói chung.
Trong điều kiện đó, chủ nhiệm đề tài và chủ đầu tư đã quyết
tâm lên kế hoạch sưu tầm bổ sung nguồn tư liệu trong giai đoạn II và tiếp tục
biên dịch, xuất bản những cuốn sách có giá trị. Theo kế hoạch của PGS.TS. Hoàng
Anh Tuấn, địa bàn khai thác lần này vẫn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hà Lan và
Thư viện quốc gia Anh; thời gian khai thác khoảng 3 tháng. Và sản phẩm thể hiện
ở hai dạng tư liệu:
·
Tư liệu Hà Lan cổ của các thương điếm Đài Loan,
Nhật Bản, Quảng Châu, Cao Miên, Xiêm La, Lào… liên quan đến Kẻ Chợ - Đàng Ngoài
thế kỷ XVII.
·
Tư liệu từ các bộ nhật ký thương điếm Đài Loan,
Nhật Bản,
Batavia,
Xiêm… để chắt lọc thông tin về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài. Số lượng khoảng trên dưới
10.000 trang tư liệu.
Sau
khi hoàn tất công tác sưu tầm tư liệu, chủ nhiệm đề tài sẽ bắt tay vào công
đoạn biên soạn thư mục đề yếu bổ chú và lên kế hoạch biên dịch tài liệu, nhằm
khai thác thông tin phục vụ xuất bản. Đây sẽ là cơ sở để thực hiện hai bộ sách
riêng biệt về nguồn tư liệu của hai Công ty Đông Ấn Hà Lan và Công ty Đông Ấn
Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII.
Nếu đề án thành công thì
những đóng góp của nó về mặt khoa học, về mặt xã hội, về mặt hiệu quả kinh tế…
là vô cùng to lớn. Đó không chỉ là cơ sở khoa học cho các nghiên cứu về lịch sử,
văn hoá Thăng Long - Hà Nội mà còn nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của nhân
dân và bạn bè quốc tế về đất Thăng Long - Kẻ Chợ, góp phần khẳng định vị thế của
Thủ đô Hà Nội đối với cả nước và trong con mắt người nước ngoài.