Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Một khảo nghiệm nền kinh tế hàng hóa của Thăng Long - Hà Nội
Thứ bảy, 16/11/2013 09:58
Cuốn sách Kinh tế hàng hoá của Thăng Long – Hà Nội: Đặc trưng và kinh nghiệm phát triển do GS.TS. Nguyễn Trí Dĩnh chủ biên đã soi chiếu nhiều góc cạnh của nền kinh tế hàng hóa qua các giai đoạn lịch sử trong đó có gắn kết chặt chẽ với các đặc trưng của kinh tế - xã hội từng giai đoạn mang tính khoa học và có giá trị, đây là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách của cả nước và Thủ đô tham khảo trong hoạch định các sách lược phát triển Thủ đô hiện tại và tương lai.

GS.TS. Nguyễn Trí Dĩnh chủ biên cùng với các nhà khoa học có uy tín xây dựng một cuốn sách với tựa đề Kinh tế hàng hoá của Thăng Long – Hà Nội: Đặc trưng và kinh nghiệm phát triển. Đây có thể coi như một khảo nghiệm về nền kinh tế hàng hóa của Thăng Long Hà Nội. Cuốn sách được biên soạn trên cơ sở kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học thuộc Chương trình khoa học cấp Nhà nước KX.09 “Phương hướng, giải pháp lớn phát huy tiềm lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa, phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội đến năm 2020”. Các tác giả đã dày công sưu tầm, chắt lọc và hệ thống các tư liệu về nguồn gốc hình thành và phát triển nền kinh tế hàng hóa Thăng Long – Hà Nội suốt chiều dài 1000 năm lịch sử.

Với gần 400 trang, cuốn sách được chia làm 7 chương. Mở đầu cho một khảo nghiệm, các tác giả đã nêu một số khía cạnh lý luận và thực tiễn về kinh tế hàng hoá và phát triển kinh tế hàng hoá ở Thủ đô; những thăng trầm của quá trình phát triển, vận động của kinh tế hàng hoá Thăng Long - Hà Nội suốt chiều dài 1000 năm lịch sử, từ triều đại phong kiến đến thời kỳ bị thực dân Pháp đô hộ và tạm chiếm, đế quốc Mỹ xâm lược, chuyển sang thời kỳ kế hoạch hóa tập trung - thời kỳ trước Đổi mới rồi Đổi mới khi cả nước đang xây dựng nền kinh tế thị trường, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay.Từ những lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế hàng hóa của Thăng Long – Hà Nội được thể hiện từ chương I đến chương V, đề tài đã khái quát rút ra các đặc trưng chung của nền kinh tế hàng hóa và đội ngũ doanh nhân Hà Nội, đó là: Kinh tế hàng hoá Thăng Long – Hà Nội xưa và nay luôn là nơi tiếp nhận và hội tụ của nhiều ngành nghề từ các địa phương trong nước;Những sản phẩm hàng hoá của Thăng Long – Hà Nội luôn gắn với kỹ thuật sản xuất tinh xảo nhằm phục vụ cho một thị trường tiêu dùng có chọn lọc so với nhiều địa phương trong nước;Thị trường hàng hoá Thăng Long – Hà Nội luôn có mối liên hệ với các địa phương trong nước và nước ngoài; là thị trường đầu mối và là trung tâm trung chuyển hàng hoá giữa các vùng;So với các địa phương trong nước, Thăng Long – Hà Nội là một địa phương có lịch sử sản xuất kinh doanh hàng hoá và dịch vụ lâu đời nhất cả nước; kinh tế hàng hoá Thăng Long – Hà Nội nảy sinh sớm nhưng quá trình chuyển từ kinh tế hàng hoá giản đơn sang sản xuất hàng hoá hiện đại diễn ra chậm chạp. Hiện nay, kinh tế hàng hoá Hà Nội vẫn phát triển ở trình độ thấp;Thăng Long xưa và nay, nhiều thời kỳ là trung tâm chính trị của đất nước. Do vậy, kinh tế hàng hoá Thăng Long chịu sự chi phối và tác động khá rõ từ phía nhà nước trung ương;Trong lịch sử phát triển của kinh tế hàng hoá Thăng Long – Hà Nội đã xuất hiện đội ngũ doanh nhân nhưng ít có tính cha truyền con nối trong kinh doanh công thương nghiệp. Thời kỳ đổi mới, đội ngũ doanh nhân ở Thủ đô tăng nhanh, đặc biệt ở khu vực kinh tế dân doanh.

Từ thực tiễn 1000 năm phát triển kinh tế hàng hóa của Thăng Long - Hà Nội các tác giả đã rút ra 11 bài học kinh nghiệm như: Cần khai thác và phát huy vị thế địa tự nhiên, kinh tế - xã hội của Thăng Long – Hà Nội; Phát triển kinh tế hàng hoá ở Thủ đô cần chú ý đến quy trình và kết cấu của nền kinh tế đó; Kết hợp hài hoà yếu tố truyền thống và hiện đại trong phát triển kinh tế hàng hoá Thủ đô;... Chú trọng tạo dựng tinh thần kinh doanh trong xã hội.

Nội dung cuối cùng của cuốn sách là phương hướng, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa, từng bước xây dựng và phát triển kinh tế thị trường ở Hà Nội đến năm 2020. Đó là sự tạo dựng, phát triển các yếu tố thị trường và các loại thị trường; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Hà Nội; phát triển Hà Nội thành trung tâm tài chính của đất nước... Với những giải pháp như tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Thủ đô; phát triển nguồn nhân lực Thủ đô, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế hàng hóa trình độ cao; nâng cao năng lực cạnh tranh...

Với vị trí là trung tâm lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, kinh tế hàng hóa của Thăng Long – Hà Nội đã được hình thành sớm, tiêu biểu đó là Hà Nội với 36 phố phường gắn kết với các phố mở đầu tên Hàng, với những phố nghề và kinh doanh buôn bán của người kinh kỳ xưa. Từ nền tảng đó, kinh tế hàng hóa của Thăng Long – Hà Nội đã từng bước được phát triển, ngày càng tạo ra những chuyển biến đáng kể nhất là những năm đổi mới, hội nhập và phát triển tạo nên một diện mạo Hà Nội ngày một vững mạnh trong vị thế của một Thủ đô.

Bằng một nguồn tư liệu phong phú, các tác giả đã soi chiếu nhiều góc cạnh của nền kinh tế hàng hóa qua các giai đoạn lịch sử trong đó có gắn kết chặt chẽ với các đặc trưng của kinh tế - xã hội từng giai đoạn. Đây là những nội dung mang tính khoa học và có giá trị, là cơ sở để các nhà quản lý, các nhà kinh tế của cả nước và Thủ đô tham khảo trong việc hoạch định các sách lược phát triển Thủ đô hiện tại vàtương lai.

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá