Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội – Từ ý nghĩa khoa học tổng thể gợi mở những hướng nghiên cứu đa ngành chuyên sâu
Hội
thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng,
vì hòa bình” được tổ chức tháng 10 năm 2010 dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo
quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, với sự đồng tổ chức của Ban
Tuyên giáo Trung ương, UBND Thành phố Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện
Khoa học xã hội Việt Nam và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, với sự tham gia của
hàng trăm nhà khoa học trong nước và quốc tế, thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn
khác nhau. Hội thảo là một tổng kết lịch sử các công trình nghiên cứu về Thăng
Long - Hà Nội của các học giả trong nước và quốc tế từ trước đến nay, giới
thiệu những nghiên cứu có tính tổng kết của các nhà khoa học, nhà quản lý về
mọi mặt của quá trình phát triển Thăng Long - Hà Nội, trên các góc độ lịch sử,
hiện trạng và xu hướng phát triển tương lai, trong đó nhấn mạnh các mặt: lịch
sử - chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, tài nguyên - môi
trường và quản lý đô thị. Kết quả của Hội thảo không chỉ thể hiện ở
cách tổ chức, ở các bài viết đa dạng và súc tích, mà còn thể hiện ở
phần thảo luận và dư âm của nó; nâng lên một trình độ mới của một ngành Hà
Nội học tổng hợp, liên ngành và làm cơ sở cho việc xây dựng các chương
trình phát triển trước mắt và lâu dài của Thủ đô Hà Nội.
Cuốn sách “Phát
triển bền vững thủ đô Hà Nội” nhằm khẳng định và phát huy hơn nữa kết
quả của Hội thảo “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì
hòa bình”, việc tuyển chọn các bài nghiên cứu có chất lượng cao từ các tham
luận Hội thảo để xuất bản thành một ấn phẩm đặc biệt trong tủ sách “Thăng
Long ngàn năm văn hiến” là sự đóng góp tích cực và cần thiết đã khẳng
định ý nghĩa khoa học sâu sắc và ý nghĩa thực tiễn cấp bách.
Cuốn sách khá đồ sộ về
dung lượng với 1564 trang in, gồm 7 phần và 103 báo cáo khoa học đề cập đến
nhiều mặt với những chiều cạnh khác nhau, từ lịch sử - chính trị, văn hóa -
kinh tế - xã hội đến các vấn đề về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường
và xây dựng, quản lý đô thị của Hà Nội. Hơn nữa, tập thể tác giả là những
chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau
đã công bố những kết quả nghiên cứu mới nhất từ những đề tài tâm huyết của mình
và khẳng định mong muốn góp phần làm sáng tỏ những giá trị, truyền thống tốt
đẹp được kết tinh trong suốt một nghìn năm qua để có thể phát huy, đưa những
giá trị, truyền thống ấy lên một tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh.
-
Phần Những vấn đề chung về “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh
hùng, vì hòa bình”: gồm 8 bài viết, nội dung đề cập đến những lý luận chung
trong việc phát triển bền vững thủ đô Hà Nội. Qua phần này, chúng ta thấy tựu
trung các bài viết đều đi đến việc khẳng định muốn phát triển bền vững thủ đô
Hà Nội phải xuất phát từ truyền thống lịch sử nghìn năm văn hiến và trên nền
tảng 1000 năm văn hiến – anh hùng, thông qua công tác bảo tồn di sản văn hóa,
khát vọng hòa bình để khẳng định giá trị toàn cầu, niềm tự hào dân tộc và trách
nhiệm quốc gia nhưng cần phải nắm được cơ hội và đối mặt với thách thức trong
bối cảnh toàn cầu hóa.
-
Phần nội dung gồm 5 phần nội dung nghiên cứu:
+ Phần 1: Cơ sở Lịch sử - Chính trị (gồm 18
bài viết)
+
Phần 2: Cơ sở Văn hóa (gồm 20 bài viết)
+ Phần
3: Cơ sở Kinh tế - Xã hội (gồm 19 bài viết)
+ Phần
4: Điều kiện tự nhiên và tài nguyên, môi trường (gồm 17 bài viết)
+
Phần 5: Quy hoạch và quản lý đô thị (gồm 19 bài viết)
Trong
từng phần nội dung cụ thể, các chuyên gia đã đề cập đến nhiều mặt với những
chiều cạnh khác nhau, từ lịch sử - chính trị, văn hóa - kinh tế - xã hội đến
các vấn đề về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường và xây dựng, quản lý
đô thị. Hơn
nữa, trong mỗi bài viết đều đưa ra những kiến giải và đề xuất giải pháp làm cơ
sở khoa học cho các quyết sách đáp ứng công cuộc phát triển bền vững Thủ đô
trong thế kỷ XXI để khẳng định truyền thống vẻ vang của cha ông, đồng thời thỏa
được ước nguyện của nhân dân cả nước, kiều bào ở nước ngoài và đáp ứng được kỳ
vọng của bạn bè quốc tế.
- Phần
kết về “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội: từ hội thảo đến công trình khoa
học trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” (gồm 3 bài viết)
Có
thể nói, đây là một công trình với cách tiếp cận và nguyên tắc tuyển chọn đảm
bảo tính khoa học và logic, nội dung phản ánh một cách khá toàn diện các mặt
của đời sống Thăng Long - Hà Nội trong không gian mới, trong đó phần được nhấn
mạnh hơn là phần Thăng Long hay Hà Nội truyền thống. Khi nghiên cứu và tìm hiểu
kỹ về bố cục cuốn sách, chúng ta có thể thấy trong cách tuyển chọn, sắp xếp, tập
thể tác giả tuân theo nguyên tắc cơ bản là lựa chọn những bài viết có chất
lượng khoa học cao, tôn trọng quan điểm của tác giả, cấu trúc sách có tính
chỉnh thể, logic và hợp lý giữa các phần, giữa các mảng vấn đề và
chủ đề.
Khi nghiên cứu về nội
dung tổng thể, chúng ta thấy phát triển bền vững là xu thế mang tính toàn cầu,
là chiến lược phát triển của đất nước và cũng là chiến lược phát triển của thủ
đô Hà Nội. Với nội dung đa dạng và giá trị khoa học đáng ghi nhận, chắc chắn cuốn
sách sẽ là tài liệu hữu ích, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn quan
trọng, giúp các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học trong công tác nghiên
cứu, định hướng phát triển bền vững của Thủ đô trong thời đại công nghiệp hóa,
hiện đại hóa...
Là một trong nhiều công trình khoa học xã hội có ý
nghĩa lý luận và thực tiễn ứng dụng trong công tác nghiên cứu, định hướng phát
triển bền vững Thủ đô và thuộc cơ cấu đề tài của “Tủ sách Thăng
Long ngàn năm văn hiến”, cuốn sách “Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội” được ấn hành là một nghĩa cử của hậu thế thành kính
dâng lên các bậc Tiền nhân những kết quả lao động trí tuệ, như một lễ vật tinh
thần biểu thị quyết tâm của con cháu đem hết trí tuệ và nhiệt huyết góp phần
xây dựng Thủ đô xứng với tầm vóc của Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn
hiến - anh hùng. Hy vọng rằng, tiếp nối những kết quả đã đạt được, các nhà khoa học tiếp
tục dành cho Hà Nội tình cảm yêu mến và những kết quả nghiên cứu khoa học có
giá trị thiết thực hơn nữa, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và phát
triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững xứng đáng với
niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.