ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT ĐỀ TÀI CUỐN SÁCH “KINH ĐÔ THĂNG LONG - KẺ CHỢ THỜI MẠC - LÊ TRUNG HƯNG”
- Chủ biên: PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ.
Mục đích ý nghĩa và đối tương phục vụ
- Đóng góp một công trình học thuật vào việc nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội nói chung, vào lĩnh vực đề tài Lịch sử trong Tủ sách ”Thăng Long ngàn năm văn hiến” nói riêng.
- Sử dụng làm tài liệu giáo khoa, học tập và nghiên cứu cho giới học sinh sinh viên, các học viên cao học và nghiên cứu sinh trong các trường Trung học và Đại học cùng các viện nghiên cứu
- Cung cấp một cuốn sách tham khảo cho giới giảng viên, nghiên cứu viên, các nhà hoach định chính sách đô thị của Hà Nội, giới chính trị gia, doanh nhân và đông đảo những người yêu mến và muốn tìm hiểu về thủ đô Hà Nội, hôm qua và hôm nay ở trong nước và ngoài nước.
Nội dung và văn phong trong cuốn sách chủ yếu mang tính chất nghiên cứu học thuật, có cố gắng kết hợp với cách trình bày sáng sủa, dễ đọc và gợi tả ở mức có thể, mang tính chất phổ biến kiến thức với hy vọng phục vụ đông đảo người đọc ở những giới khác nhau và với những mối quan tâm khác nhau.
Định hướng nghiên cứu và cách tiếp cận
Những tác phẩm, công trình nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội cho đến nay là khá phong phú và bổ ích. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tư liệu mới có thể bổ sung, nhất là mảng các tư liệu cũ còn bỏ sót, các tư liệu mới cập nhật, các tư liệu nước ngoài và các tư liệu khảo sát thực địa. Mặt khác, nhìn chung vẫn còn thiếu tính hệ thống, toàn diện và chuyên sâu. Có nghĩa là các công trình nghiên cứu toàn diện thì chưa chuyên sâu, ngược lại các công trình nghiên cứu chuyên sâu lại chưa thực toàn diện. Vấn đề đặt ra là phải kết nối hai mặt đó vào một hệ thống tổng thể, đặt trong một hệ tọa độ không gian -thời gian cụ thể được xác định, theo cách tiếp cận nghiên cứu khu vực. Ở đây là “các mặt đời sống” của “kinh đô Thăng Long - Kẻ Chợ” trong ”thời Mạc và Lê Trung hưng”.
Cách tiếp cận chủ yếu được lựa chọn sử dụng sẽ là “nghiên cứu khu vực”, liên ngành và xuyên ngành mang tính cập nhật, hiện đại. Những tiêu chuẩn chính của cách tiếp cận này là tinh thần thực chứng (nói có sách, mách có chứng, coi trọng tư liệu đương thời được kiểm chứng),tư duy phức hợp (không phân tích áp đăt một chiều, nhấn mạnh đến tính phức đa chiều kích và tính năng chuyển hóa của sự vật - sự kiện), lý luận hệ thống (đặt sự kiện trong một hệ thống với những mối liên hệ tương tác nội tại, mở rộng ra trong một hệ thống toàn cảnh lớn hơn). Tóm lại là cố gắng nghiên cứu khai thác từ nhiều khía cạnh và góc nhìn một thực thể xã hội đã mất qua những dấu vết còn tồn đọng, nhằm phục dựng lại thực thể lịch sử đó trong mức độ trung thực có thể với độ sai biệt nhỏ nhất
Cùng với cách tiếp cận nghiên cứu khu vực liên - xuyên ngành với tinh thần thực chứng, tư duy phức hợp và lý luận hệ thống, tác giả sẽ cố gắng áp dụng phương pháp nghiên cứu mở với độ co dãn cần thiết, phương pháp phân tích tổng hợp kèm theo tường thuật lịch sử, nhằm phục chế lại một bức tranh toàn cảnh đời sống hiện thực của Thăng Long trong một thời đoạn lịch sử nhiều ý nghĩa, có hình ảnh, sắc màu sinh động, “như nó vốn có” chứ không “như nó phải có”. Nghiên cứu mở sẽ phân tích những khác biệt trong những nguồn tư liệu và những luận điểm đánh giá, nhưng nên để ngỏ những kết luận và những điều tồn nghi. Từ những vấn đề khái quát lớn như coi bức tranh toàn cảnh xã hội về Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng ngả về gam màu sáng hay gam mầu tối, đến những chi tiết lịch sử cụ thể như bức lũy Đại La thời Mạc là một đường chu vi bao quanh toàn bộ kinh thành hay chỉ là một tập hợp những đoạn lũy chiến lược, đều nên có những thận trọng dè dặt cần thiết. Phân tích tổng hợp đi kèm với tường thuật mô tả làm cho lịch sử trở nên có tâm hồn để hiểu bản chất sâu hơn, đồng thời có da thịt để thấy được một hình hài sống động hơn, đáp ứng cho nhu cầu của cả giới nghiên cứu chuyên sâu cũng như đông đảo quần chúng yêu thích lịch sử.
Nội dung và bố cục
Cuốn sách mô tả và phân tích toàn diện các mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa của kinh đô Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng (1527-1789). Không gian nghiên cứu đặt trọng tâm vào giới hạn “kinh thành”, bên trong bức lũy Đại La, sau là Đại Độ, có mở rộng ra các vùng phụ cận, đặt trong một hệ thống bối cảnh đa cấp: từ vùng, toàn quốc, đến khu vực và thế giới. Tận dụng khối tư liệu đương thời từ nhiều nguồn trong nước và ngoài nước, thư tịch và ngoài thư tịch, chính thống và phi chính thống (trung tâm và ngoại biên), có xử lý, đối chiếu và thẩm định khi cần thiết.
Tiếp theo, sẽ tổng hợp phân tích về vị thế, vai trò của Thăng Long trong diễn trình lịch sử, đặc trưng cấu trúc và vận hành của đô thị cùng tác dụng của nó đối với xã hội Việt nam truyền thống. Đánh giá cách ứng xử của đô thành - đô thị này trước các cơ hội và thách thức cùng với những hệ quả tích cực và tiêu cực. Có thể rút ra những khuôn mẫu truyền thống và bài học lich sử để lại như những thông điệp đa nghĩa và bổ ích của quá khứ nhắn gửi cho hiện tại, tham khảo cho công cuộc đổi mới và xây dựng chính quyền đô thị, quan hệ giữa nhà cầm quyền và dân chúng, quan hệ giữa kinh tế và chính trị, kinh tế và văn hóa, sự phát triển nền dân chủ đô thị của Hà Nội hôm nay và ngày mai. Bố cục cuốn sách:
KINH ĐÔ THĂNG LONG - KẺ CHỢ THỜI MẠC - LÊ TRUNG HƯNG
Chương I: Bối cảnh thời đại trong nước và quốc tế
1.Việt Nam: Một thời đoạn lịch sử hơn hai thế kỷ đầy biến động
- Chính trị: Nền quân chủ tập quyền bị phá vỡ, đất nước phân liệt (Đàng Ngoài, Đàng Trong), xuất hiện loại hình quyền lực lưỡng chế “vua Lê - chúa Trịnh”…
- Kinh tế: Mô hình kinh tế tự túc tiểu nông bị sứt mẻ, kinh tế hàng hóa tiền tệ thị trờng và mạng lưới đô thị phát triển ở cả hai miền
- Xã hội: Phân tầng giai cấp lồng ghép vào phân tầng đẳng cấp. Bùng nổ các mâu thuẫn xã hội trong phong trào nông dân nổi dậy
-Văn hóa: Những đợt sóng mới trong mô hình thiết chế văn hóa cũ. Một phong trào “văn hóa Phục hưng” Việt mang tính dân gian và những tiếp biến văn hóa, làm lay động xã hội nhưng không đủ lực để dẫn đến những chuyển đổi về chất
2.Thế giới: Buổi đầu toàn cầu hóa và cuộc hội ngộ đối diện Đông -Tây
- Buổi đầu của thời đại toàn cầu hóa
- Các cuộc thám hiểm khu vực Viễn Đông của các nước phương Tây
- Các tuyến hải thương quốc tế ở châu Á (Tây - Đông, Bắc - Nam)
- Hoạt động của các Công ty Đông Ấn phương Tây
- Công cuộc truyền đạo Ki tô ở vùng Châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam
3.Vị thế và vai trò lịch sử của Thăng Long-Kẻ Chợ
- Kinh đô truyền thống của quốc gia Đại Việt và trung tâm chính trị-văn hóa của các chính quyền Mạc, Lê - Trịnh
- Trung tâm kinh tế vùng, giang cảng nội địa và thương cảng giao dịch quốc tế. Những thuận lợi và hạn chế.
- Những biến chuyển mới trong mô hình cũ của một đô thị Việt Nam truyền thống.
Chương II: Tình hình chính trị Thăng Long-Kẻ Chợ từ 1527 đến 1789
1.Đông Kinh thời Mạc
- Cuộc chính biến cung đình năm 1527 của Mạc Đăng Dung
- Nhà Mạc với Đông Kinh và Dương Kinh
- Công cuộc phòng thủ chiến lược kinh thànhThăng Long năm 1587-1588
- Tình hình chính trị Thăng Long thời Mạc Mậu Hợp
- Đợt tiến công của quân Lê - Trịnh ra Thăng Long diệt Mạc năm 1592
2.Kinh thành Thăng Long thời Lê - Trịnh
-Triều đình nhà Lê trở lại Thăng Long. Cục diện độc đáo của chính quyền lưỡng chế “vua Lê - chúa Trịnh”
- Diện mạo kinh thành, hoàng thành Thăng Long và phủ Chúa Trịnh thời Lê -Trịnh
- Khu phố phường nội đô Kẻ Chợ thời Lê - Trịnh
- Một số gương mặt tiêu biểu các vua Lê chúa Trịnh
- Kinh thành Thăng Long trước phong trào nổi dậy nông dân Đàng Ngoài
- Tình hình rối ren ở Thăng Long cuối thời Lê - Trịnh. Biến động cung đình và loạn kiêu binh
- Những lần Tây Sơn tiến quân ra Thăng Long diệt Trịnh, bỏ Lê và chuẩn bị đại phá quân Thanh
Chương III: Kinh tế - Xã hội Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng
1.Các hoạt động kinh tế
- Chính sách kinh tế đối với Thăng Long của các chính quyền Mạc, Lê - Trịnh.
- Các thôn phường nông nghiệp giữa lòng đô thị.
- Thủ công nghiệp nhà nước và dân gian. Quan xưởng, các xưởng thủ công trong các làng chuyên nghề Thăng Long - Kẻ Chợ ven đô.
- Các hoạt động nội thương. Các cửa hiệu và mạng lưới chợ. Sông bến và các tuyến buôn bán liên vùng.
- Việc buôn bán với người nước ngoài (Trung Hoa, Nhật Bản, Bồ, Hà, Anh, Pháp) ở Thăng Long - Kẻ Chợ. Tính chất, đặc điểm và tác dụng.
2.Kết cấu xã hội
- Dân số và phân bố cư dân. Sự tương phản về mật độ
- Phân tầng đẳng cấp và giai cấp xã hội: Từ xung đột đến giao lưu
- Quý tộc quan liêu: một giai tầng khó định hình
- Thứ dân bách tính Thăng Long-Kẻ Chợ: mọt cộng đồng cư dân đa dạng trong cố kết
- Nhân tố mới ngoại kiều trong cư dân đô thị. Nghịch lý của tầng lớp Hoa kiều Kẻ Chợ.
- Di động xã hội theo chiều ngang và chiều dọc cùng những tác động tới cấu trúc cư dân.
Chương IV: Văn hóa Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng
1. Đời sống văn hóa vật chất
- Nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực Kinh kỳ
- Trang phục ở con người Kẻ Chợ
- Nhà ở và đi lại chốn đô thành
- Giao lưu và tiếp biến văn hóa trong nếp sống người Kẻ Chợ
2. Đời sống trí thức
- Nền giáo dục Thăng Long: Quốc Tử Giám và những lớp học dân lập. Những phường thôn khoa bảng
- Các khoa thi và tình hình thi cử. Nghịch lý của số lượng và chất lượng
- Kẻ sĩ Thăng Long: sự đa dạng về mô thức ứng xử và nhân cách
3.Đời sống tín ngưỡng tâm linh
- Sự suy thoái và biến cách của hệ tư tưởng Nho giáo chính thống
- Sự khởi phục của Phật, Đạo và tín ngưỡng dân gian. Tái cân bằng văn hóa
- Hiện tượng “Tam giáo tịnh tồn” mới phi nhà nước
4.Văn học nghệ thuật và khoa học kỹ thuật
- Sự bùng nổ của chữ Nôm và văn hóa dân gian. Thế đối trọng văn hóa “trung tâm và ngoại biên”.
- “Đợt sóng mới” trong văn học với các giá trị nhân ăn và hiện thực
- Nghệ thuật và folklore. Sự hội nhập mới của hai dòng văn hóa quan phương và phi quan phương
- Khoa học kỹ thuật. Y học cổ truyền: danh y Lê Hữu Trác với kinh thành Thăng Long. Cuộc sơ ngộ văn hóa Đông -Tây.
5. Một số gương mặt văn hóa ở kinh đô Thăng Long
- Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà lý học lớn dự báo những chuyển dịch thế kỷ
- Phùng Khắc Khoan - một nho sĩ dấn thân, người đồng hành cùng đất nước quê hương.
- Lê Quý Đôn - một mẫu hình về sự dung hợp tư tưởng và hành xử của người trí thức - quan liêu.
- Đoàn Thị Điểm - Đặng Trần Côn - Nguyễn Gia Thiều với những khúc bi ca về thân phận người phụ nữ thời đại.
- Ngô Thì Sĩ - Ngô Thì Nhậm: những thế hệ nhà nho trăn trở trước nghịch cảnh cuộc đời.
Kết luận
Kinh đô Thăng Long một thời vang bóng và bức thông điệp lịch sử để lại.
Phụ lục
Thư mục trích dẫn