CÁC VĂN BẢN PHÁP QUY VỀ DỰ ÁN TỦ SÁCH
"THĂNG LONG NGÀN NĂM VĂN HIẾN"
(Trích)
1. Công văn số 667 - CV/TU, ngày 19 tháng 12 năm 2003 của Thường trực Thành ủy Hà Nội gửi Thủ Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc Xin phép Thủ tướng Chính phủ duyệt Dự án nghiên cứu sưu tầm, biên soạn, xuất bản Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến".
Thực hiện Chỉ thị 32 của Bộ Chính trị về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhân dịp làm việc với lãnh đạo thành phố về tổng kết lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó có dự kiến xây dựng, tổ chức sưu tầm, hệ thống, biên tập, dịch thuật để xuất bản, giới thiệu một tủ sách hoàn thiện về Thăng Long - Hà Nội việc này có ý nghĩa rất sâu sắc về chính trị, văn hóa, đối ngoại.
Thành phố nhất trí giao cho Nhà xuất bản Hà Nội là Nhà xuất bản tổng hợp và duy nhất của Thủ đô làm đầu mối nghiên cứu sưu tầm, biên soạn, xuất bản
Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến". Để có thể đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng công việc quan trọng này, Thành phố trình lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định, ủng hộ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Dự án xây dựng và phát triển tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến".
2. Công văn số 936 - BKH/KHGDTN&MT, ngày 20 tháng 2 năm 2004 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ về ý kiến nhận xét đối với Dự án xây dựng và phát triển Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến như sau:
"Dự án xây dựng và phát triển Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến" như đề nghị của Thành ủy Hà Nội là cần thiết, phục vụ thiết thực cho công tác chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Vì vậy, Bộ Kế hoạch nhất trí với đề xuất của Thành ủy Hà Nội về dự án nói trên.
3. Công văn số 6592/VPCP-VX, ngày 02/12/2004 của Văn phòng Chính phủ gửi UBND thành phố Hà Nội; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Thành ủy Hà Nội về việc xây dựng Dự án Biên soạn và xuất bản Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến", thay mặt Thủ tướng chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã có ý kiến dự án Tủ sách là Dự án lớn, bao gồm nhiều nội dung, nhiều công việc khác nhau, không chỉ là biên soạn - xuất bản sách và sẽ thực hiện trong nhiều năm và yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo hoàn thiện dự án, xác định rõ nội dung phù hợp, mối quan hệ với các nội dung, chương trình liên quan khác, lấy ý kiến các cơ quan liên quan về dự án trên. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
4. Quyết định số 3490/QĐ-UBND, ngày 07 tháng 8 năm 2006 của UBND thành phố Hà Nội về việc Thành lập Hội đồng Khoa học xây dựng Dự án đầu tư, điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Hội đồng có tổng số 17 người gồm các nhà khoa học, các giáo sư đầu ngành. Chủ tịch Hội đồng là GS. Vũ Khiêu, Hội đồng có những nhiệm vụ sau:
- Thẩm định đề cương, nhiệm vụ điều tra, sưu tầm và kết quả đánh giá thực hiện dự án.
- Tuyển chọn danh mục các đầu sách tái xuất bản, đầu sách mới để xuất bản.
- Đề xuất các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn các đầu sách.
- Thẩm định nội dung các đầu sách, thẩm định nội dung các trang Website, đĩa CDROM trước khi in ấn, phát hành.
- Chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố, Nhà nước về tính chính xác, khoa học, trung thực các thông tin, tư liệu lịch sử trong các đầu sách và trong Website.
5. Quyết định số 3834/QĐ-UBND, ngày 30 tháng 8 năm 2006 của UBND thành phố Hà Nội về việc Phê duyệt Dự án điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” với những nội dung như:
- Tên dự án: Đầu tư Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến".
- Chủ đầu tư: Nhà xuất bản Hà Nội
- Cơ quan lập dự án: Nhà xuất bản Hà Nội
- Mục tiêu đầu tư là cung cấp cho độc giả trong và ngoài nước những kiến thức cần thiết về hoàn cảnh tự nhiên và cư dân trên đất Thăng Long Hà Nội; nêu lên những đặc trưng của văn hóa và con người Thăng Long Hà Nội, đây là nội dung thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
- Các hạng mục đầu tư chủ yếu:
+ Điều tra, sưu tầm, tuyển chọn và biên soạn sách mới.
+ Xây dựng và duy trì Website Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến".
+ In ấn, xuất bản các đầu sách, sách điện tử.
- Thời gian thực hiện dự án: từ năm 2006 đến tháng 9 năm 2010.
6. Công văn số 190/XB-QLXB ngày 18/02/2005 của Cục Xuất bản gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư về việc Xây dựng dự án Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, với một số ý kiến như sau:
- Hoàn toàn nhất trí với chủ trương cho triển khai dự án, đề nghị các cơ quan chức năng tham mưu cho Chính phủ phê duyệt sớm vì thời gian đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội không còn nhiều.
- Nên coi trọng việc phát hiện, sưu tầm, tập hợp, biên dịch, biên tập để xuất bản lại (tái bản) những tác phẩm đã có. Việc sáng tác, biên soạn, xuất bản các tác phẩm mới nên đặt ra một cách thực tế, phù hợp với khả năng đội ngũ thực hiện, quỹ thời gian và nguồn kinh phí cho phép.
- Bên cạnh tính toán tính khả thi của dự án nên xem xét tính hiệu quả xã hội của dự án, bên cạnh những bộ sách đồ sộ cần xuất bản những tạpp sách nhỏ nhẹ , phù hợp với khả năng và thị hiếu của người đọc.
7. Tờ trình số 34/TTr-UBND, ngày 11 tháng 7 năm 2007 của UBND thành phố Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ về việc Xin cho phép áp dụng một số hình thức lựa chọn nhà thầu để triển khai thực hiện đối với các gói thầu của Dự án điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Hiện nay, UBND Thành phố Hà Nội đang vướng mắc trong khâu lựa chọn văn bản quy phạm áp dụng làm căn cứ phê duyệt Kế hoạch đấu thầu của dự án để triển khai các bước tiếp theo. Là một dự án đặc thù cụ thể là:
- Dự án không có nội dung xây dựng công trình, sản phẩm cuối cùng gồm kho tư liệu về văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
- Rất thiếu đơn giá và định mức để áp dụng và khó khăn trong việc xác định khối lượng thực hiện.
- Để có sản phẩm cuối cùng phải qua nhiều công đoạn và mỗi công đoạn có tính đặc thù riêng.
- Đối tượng tham gia thực hiện dự án rất đa dạng, tổ chức, cá nhân thuộc nhiều lĩnh vực và đòi hỏi cao về trí tuệ, công sức của các nhà khoa học.
- Trong hệ thống văn bản quy phạm về quản lý đầu tư xây dựng và các văn bản khác không thấy đề cập đến loại dự án này, do đó căn cứ pháp lý để áp dụng phê duyệt Kế hoạch đấu thầu, lập và phê duyệt Hồ sơ mời thầu, tiêu chuẩn đánh giá Hồ sơ mời thầu đều phải vận dụng các văn bản pháp luật tương tự.
Xuất phát từ những đặc thù nói trên và căn cứ tính chất, nội dung cụ thể của dự án và để có thể triển khai các nội dung công việc tiếp theo đảm bảo tiến độ đề ra là hoàn thành vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho phép được áp dụng một số hình thức lựa chọn nhà thầu đã được quy định trong: Luật đấu thầu; Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; Thông tư hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án khoa học và công nghệ là: tự thực hiện, chỉ định thầu, khoán kinh phí và đặt hàng để áp dụng phê duyệt kế hoạch đấu thầu nhằm triển khai và hòan thành dự án trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010.
8. Công văn số 1792/TTg-VX, ngày 22 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ trả lời Tờ trình số 34/TTr-UBND, ngày 11/7/2007 của UBND thành phố Hà Nội về việc Xin phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu để triển khai thực hiện các gói thầu của Dự án điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ như sau:
- Đối với công tác điều tra, sưu tầm, tuyển chọn, biên soạn, xây dựng trang tin điện tử và xuất bản sách:
+ Áp dụng hình thức chỉ định thầu trong trường hợp chỉ có một tổ chức có thể nhận thực hiện; kinh phí thực hiện theo thỏa thuận giữa người đặt hàng và người nhận làm.
+ Áp dụng hình thức xét tuyển cạnh tranh trong trường hợp chỉ có một số ít tổ chức có thể thực hiện; danh sách xét tuyển do UBND thành phố Hà Nội xác định sau khi có tham mưu của các cơ quan chuyên môn.
+ Áp dụng hình thức đấu thầu trong trường hợp có nhiều tổ chức có thể nhận thực hiện.
|