Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội - Tập đại thành về lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội
“Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội” được biên soạn với tư cách là
công trình tra cứu góp phần tổng kết lịch sử Thăng Long - Hà Nội trong chiều dài
1000 năm lịch sử; phục vụ đông đảo các đối tượng bạn đọc, muốn tìm hiểu về tiến
trình lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Bản thảo cuốn sách khá đồ sộ,
gần 2000 trang đã được Hội đồng thẩm định xem xét một cách khoa học và nghiêm túc.
Tất cả thành viên của Hội đồng đều đánh giá cao công sức và sự tâm huyết của nhóm
biên soạn đề tài này. Kết quả sự nỗ lực của tập thể tác giả đã được ghi nhận. Bản
thảo đã phản ánh một cách toàn diện tất cả các mặt của đời sống Thăng Long - Hà
Nội trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển; nguồn tư liệu được
khai thác và sử dụng phong phú. Trong thời điểm chưa có một bộ sách nào tổng kết
một cách đầy đủ, toàn vẹn về các sự kiện lịch sử của Thăng Long - Hà Nội thì sự
có mặt của cuốn sách là rất cần thiết và đáng được kỳ vọng là một trong những
“tập đại thành về lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội”.
Tuy nhiên, để cuốn sách hoàn
thiện hơn, “xứng đáng với sự kỳ vọng” đó thì chủ biên và nhóm biên soạn vẫn phải
tiếp tục chỉnh sửa. Viết theo thể thức biên niên nghĩa là trình bày sự kiện
theo trình tự thời gian nhưng vẫn rất cần thiết phải phân chia thành các thời kỳ
lịch sử lớn, các giai đoạn cụ thể. Tuy chủ biên đã ý thức về điều này nhưng cần
phải thể hiện rõ ngay trong bản thảo.
Sự kiện là vấn đề cốt lõi của
một cuốn sách biên niên. Mặc dù số lượng các sự kiện được đề cập trong bản thảo
rất lớn, phong phú nhưng vẫn còn thiếu nhiều sự kiện lớn tạo những khoảng trống
trong cuốn sách. Thủ đô đã đi qua lịch sử 1000 năm với hàng ngàn sự kiện thì việc
tập hợp, tuyển chọn sự kiện đưa vào sách là một vấn đề cực kỳ phức tạp, vì thế
nhóm tác giả cần đặc biệt chú ý để không bỏ sót những sự kiện quan trọng và tránh
trùng lặp ở những sự kiện nhỏ, lẻ… Chọn sự kiện đã khó nhưng thể hiện sự kiện
như thế nào lại càng khó hơn. Chính ở điểm này, các chủ biên phải thể hiện được
vai trò của mình, phải thống nhất tiêu chí, phương pháp, văn phong thể hiện sự
kiện (tái hiện, bình luận…). Và quan trọng hơn nữa chính là ở nội dung của sự
kiện. Với một tập sách đồ sộ như cuốn biên niên sử này thì khối lượng tư liệu vô
cùng lớn nhưng mỗi một sự kiện đều phải đảm bảo sự chính xác cao nhất vì đây sẽ
là một cuốn sách công cụ tra cứu cho đông đảo bạn đọc.
Ngoài ra Hội đồng nghiệm
thu còn góp ý với chủ biên một số ý kiến để hoàn chỉnh hơn như đặt tên và chọn các
sự kiện ngắn gọn đúng tầm cỡ, súc tích hơn; việc sử dụng lịch âm - dương phải
chính xác; cách trích dẫn các nguồn tư liệu thống nhất; bổ sung thêm thông tin
mới để cuốn sách cập nhật với tình hình thời điểm ra đời…
Không chỉ là một bản thảo
quan trọng, có ý nghĩa trong mảng sách Lịch sử, “Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội” còn là một trong những đầu
sách của Tủ sách được lựa chọn để xây dựng thành sách điện tử, chính vì thế bản
thảo cuốn sách cần phải được tập trung hoàn thiện với chất lượng tốt nhất.
(
Nhà xuất bản Hà
Nội)