Hà Nội là một trong những
trung tâm báo chí lâu đời và lớn nhất của cả nước. Để kỷ niệm 1000 năm Thăng
Long - Hà Nội, việc xuất bản một cuốn sách về lịch sử báo chí của Hà Nội là điều
cần thiết, tự nó có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, không chỉ đối với bản thân
giới báo chí, mà còn có ý nghĩa như một lĩnh vực văn hóa sống động của người Hà
Nội hơn một thế kỷ nay. Thông qua việc phục hiện quá trình phát triển một cách
chi tiết và hệ thống của báo chí ở Hà Nội từ khởi thủy cho đến nay, cuốn sách nêu
bật tầm vóc và vị thế của báo chí Hà Nội qua các giai đoạn lịch sử.
Bố cục công trình chia làm
8 chương, trong đó chương thứ nhất trình bày về điều kiện xuất hiện báo chí ở Hà
Nội, 6 chương tiếp theo trình bày về báo chí Hà Nội qua các giai đoạn lịch sử
(từ khởi thủy đến cách mạng tháng Tám 1945; từ Cách mạng tháng Tám đến Toàn quốc
kháng chiến 12/1946; trong thời kỳ tạm chiếm (1947 - 10/1954); giai đoạn Cách mạng
XHCN và đấu tranh thống nhất nước nhà (10/1954 - 4/1975); trong thời kỳ “đêm trước
của sự đổi mới” (1976 - 1990). Chương cuối tác giả trình bày về thực trạng và
những vấn đề đặt ra (từ 2001 đến nay) đối với việc đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới báo
chí Hà Nội.
Các thành viên của Hội đồng
đều thống nhất nhận định đây là đề tài cần thiết, “không chỉ có ý nghĩa lý luận
mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc”; “tác giả là người am hiểu vấn đề nghiên cứu,
có kinh nghiệm tổ chức và triển khai đề tài”. PGS.TS. Đinh Văn Hường - Chủ tịch
Hội đồng đánh giá “cấu trúc đề tài gồm 8 chương là chặt chẽ, hợp lý; nội dung của
từng chương sáng rõ, thể hiện được giá trị khoa học, lịch sử và nghiên cứu liên
ngành nói chung”.
Tuy nhiên một điểm thống nhất
trong nhận xét của Hội đồng nghiệm thu là tác giả cần cân nhắc lại cách phân kỳ,
chia giai đoạn của lịch sử báo chí Hà Nội, vì còn thiếu sự cân đối, có giai đoạn
quá dài, có giai đoạn quá ngắn, có khoảng thời gian lại bỏ trống… Vấn đề quan
trọng khác các thành viên thẩm định lưu ý đó là: làm rõ khái niệm báo chí Hà Nội
(phân biệt tính địa phương với báo chí của toàn quốc xuất bản tại Hà Nội); việc
trích dẫn chính xác các ngày tháng thể hiện thời điểm đánh dấu, mốc quan trọng
của lịch sử báo chí (ví dụ như ngày Luật Báo chí được thông qua; năm xuất hiện
từ báo chữ quốc ngữ đầu tiên…). Ngoài ra tác giả cũng cần làm rõ những quan điểm
đổi mới của Đảng thể hiện xuyên suốt trong việc nhìn nhận, đánh giá quá trình
ra đời, phát triển của mỗi tờ báo, đánh giá các tác giả nổi bật của từng giai đoạn
để từ đó “tìm ra những giá trị đích thực của báo chí Hà Nội qua hơn thế kỷ hình
thành và phát triển”. Đồng thời nên có sự
so sánh báo chí Hà Nội với báo chí TP. Hồ
Chí Minh và một số địa phương trong cả nước (ví dụ như về lượng phát hành) để rút
ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan ảnh hưởng đến sự phát triển của báo
chí Thủ đô.
Hội đồng nghiệm thu là người
hoạt động nhiều trong các lĩnh vực báo chí nên đã có những nhận xét đánh giá
thiết thực và giàu tính chuyên môn đối với công trình này. Nhận triển khai đề tài
trong điều kiện có thể nói là khá gấp rút về mặt thời gian, tác giả thể hiện
quyết tâm cao độ thực hiện đề tài này.
(Nhà xuất bản Hà Nội)