Họp nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Thần tích Hà Nội (Nghiên cứu, giới thiệu, tuyển chọn)”

PGS.TS. Nguyễn Công Việt chủ trì buổi họp. Ảnh: Đ. Tùng.
Dự án Tủ sách giai đoạn I đã tổ chức biên soạn và xuất bản công trình “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Thần tích” do PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí và PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh chủ trì. Tuy nhiên, do tiêu chí và phương pháp tuyển chọn, đề tài trên mới chỉ tập trung giới thiệu các thần tích thuộc các quận, huyện, phường xã thuộc Hà Nội II, tức tỉnh Hà Tây cũ mà chưa nghiên cứu, giới thiệu và tuyển dịch các thần tích gắn với lịch sử phát triển của Thăng Long - Hà Nội xưa. Kế thừa thành tựu công trình đã có, đề tài “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Thần tích Hà Nội” do PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh chủ trì trong khuôn khổ Dự án giai đoạn II tập trung tuyển dịch, chú giải thần tích của 4 quận nội thành Hà Nội và 4 huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, từ đó làm nổi bật các giá trị văn hóa của tư liệu thần tích ở vùng đất văn hiến nghìn năm này.
PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh trình bày nội dung của đề tài. Ảnh: Đ. Tùng.
Hội đồng thẩm định với sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Công Việt, PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn, PGS.TS. Phạm Xuân Hằng, PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ, TS. Nguyễn Hữu Mùi, TS. Phạm Văn Thắm là những chuyên gia ở lĩnh vực Hán Nôm đã có những nhận xét và đóng góp hữu ích đối với đề cương đề tài. Các thành viên Hội đồng nghiệm thu hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Ban Quản lý Dự án NXB Hà Nội trong việc tiếp tục tổ chức biên soạn công trình về thần tích Hà Nội trong Dự án Tủ sách giai đoạn II. Hội đồng khẳng định đề tài có nhiều ý nghĩa về các phương diện văn hóa, tín ngưỡng, học thuật, đặc biệt cần thiết đối với công tác bảo tồn, phục dựng di tích và tổ chức lễ hội truyền thống của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn hiện nay. Đề tài cũng được đánh giá có tính khả thi cao bởi chủ biên và nhóm biên soạn là những người tâm huyết và có kinh nghiệm trong việc tổ chức biên soạn những công trình sưu tầm, tuyển dịch tư liệu.
Hội đồng thẩm định thảo luận và đánh giá đề tài. Ảnh: Đức Tùng.
Bên cạnh đó Hội đồng cũng đề xuất một vài ý kiến để hoàn thiện đề cương. Về mặt kết cấu, Hội đồng yêu cầu cần có sự sắp xếp hợp lý hơn, phần Tuyển dịch văn bản cần được tách thành một nội dung chính, không nên để trong phần Phụ lục. Phần nghiên cứu cũng là một nội dung quan trọng tuy nhiên trong khuôn khổ của một công trình mang tính tuyển dịch tư liệu thì chủ biên cũng nên có sự tính toán về dung lượng cũng như phạm vi của nội dung này để tạo ra sự cân đối, hợp lý trong chỉnh thể cuốn sách. Phần làm rõ giá trị thần tích cũng cần phải có một vài điều chỉnh, Hội đồng lưu ý chủ biên nên tập trung vào giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng thờ cúng. Tên của đề tài, theo đề xuất của Hội đồng tạm thời sẽ lấy tên là “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Thần tích (Phần tiếp theo)” để có sự phù hợp với công trình đã xuất bản trong Giai đoạn I. Ngoài ra, Hội đồng cũng yêu cầu chủ biên cần thống kê số lượng văn bản dự kiến tuyển dịch; lý giải, làm rõ vấn đề thần tích quan phương hay phi quan phương…
Chủ biên đề tài sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện đề cương chi tiết theo những đánh giá, góp ý của Hội đồng trước khi triển khai biên soạn bản thảo theo đúng quy trình Dự án Tủ sách đã đề ra.
Hoàng Thị Thùy Linh
Nhà xuất bản Hà Nội