Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Họp nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài “Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932-1945)”
Thứ sáu, 23/05/2014 10:17

Sáng ngày 22/5/2014, Ban Quản lý Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II, Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức họp nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài “Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932-1945)” do PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn chủ biên. Cuộc họp có sự tham gia của các thành viên Hội đồng thẩm định, nghiệm thu, Ban Quản lý Dự án, đại diện nhóm biên soạn dưới sự chủ trì của PGS.TS. Phạm Quang Long.

 

PGS.TS. Phạm Quang Long chủ trì cuộc họp. Ảnh: V.Chiến.
 
Phong trào Thơ mới ra đời từ năm 1932 là kết quả của sự giao thoa, hội nhập giữa nền thơ ca truyền thống dân tộc và thơ ca phương Tây. Phong trào ấy tuy chỉ diễn ra trong khoảng 10 năm nhưng được nhìn nhận như là một cuộc cách mạng, tạo ra “một thời đại trong thi ca” với sự ra đời của những tác giả và tác phẩm tiêu biểu để lại những thành tựu vô cùng lớn đối với sự phát triển của nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Đã có nhiều công trình giới thiệu, nghiên cứu về phong trào Thơ mới tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một công trình mang tính “biên niên sử” về phong trào văn học này. Chính vì thế, việc tổ chức biên soạn công trình này trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II được Hội đồng thẩm định, nghiệm thu đánh giá cao về ý nghĩa, tính cần thiết. Thông qua việc hệ thống hóa các nguồn tài liệu quý hiếm trên các nguồn sách báo trước 1945, công trình nhằm đưa đến một cái nhìn toàn cảnh về tất cả các vấn đề, sự kiện, hiện tượng được sắp xếp theo tiến trình thời gian từ đó phục dựng lại diện mạo phong trào Thơ mới. Với tính chất “biên niên sử”, những sự kiện được tập hợp trong công trình có tính chất là những tư liệu gốc, có tính chính xác và khách quan, sẽ là công cụ cần thiết cho độc giả, đặc biệt là giới nghiên cứu chuyên sâu về phong trào văn học này.
 
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn chủ biên, trình bày nội dung đề cương chi tiết. Ảnh: V.Chiến.
 
Hội đồng thẩm định, nghiệm thu là những nhà nghiên cứu lâu năm về văn học Việt Nam hiện đại gồm có PGS.TS. Phạm Quang Long, PGS.TS. Hà Văn Đức, PGS.TS. Nguyễn Bá Thành, PGS.TS. Lưu Khánh Thơ, TS. Chu Văn Sơn, Nhà thơ Bằng Việt. Về cơ bản, các thành viên Hội đồng khẳng định đề tài có tính khả thi cao với cấu trúc đề cương hợp lý, khoa học và đội ngũ biên soạn tâm huyết, nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện đề tài. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đưa ra nhiều ý kiến đánh giá xác đáng trong việc bổ sung, hoàn thiện chất lượng đề cương.

Trước hết, theo ý kiến của Hội đồng và Ban Quản lý Dự án NXB Hà Nội, tên đề tài như hiện tại là chưa hợp lý. Vì phong trào Thơ Mới vốn là phong trào văn học diễn ra trên phạm vi cả nước, nếu chỉ gọi là phong trào Thơ mới Hà Nội thì vô hình trung sẽ làm hẹp đi tính chất cũng như hạn chế ý nghĩa, giá trị của phong trào văn học này. Theo đó, Hội đồng thống nhất tên gọi của công trình là “Biên niên sử phong trào Thơ mới (1932-1945)”.
 
Hội đồng thẩm định, nghiệm thu đưa ra nhiều ý kiến đánh giá xác đáng
trong việc bổ sung, hoàn thiện chất lượng đề cương. Ảnh: V.Chiến.

Đối với công trình này, vấn đề khảo cứu, tập hợp sự kiện là cốt lõi, chính vì thế Hội đồng nhấn mạnh chủ biên cần phải có sự đầu tư trong việc sưu tầm, tổng hợp tư liệu cũng như xác định được tiêu chí tuyển chọn, quy cách biên soạn để đảm bảo được tính chính xác, đầy đủ, hợp lý, khoa học trong việc chọn lựa và sắp xếp các sự kiện liên quan đến phong trào. Việc chú thích, chú giải kèm theo đối với mỗi sự kiện là cần thiết, giúp người đọc hiểu rõ hơn các vấn đề gắn với phong trào văn học đã xuất hiện từ cách đây gần 80 năm. Đề tài sẽ đặc biệt phục vụ cho công tác tra lưu tư liệu, vì thế Hội đồng cũng đề xuất chủ biên cần bổ sung thêm bảng chỉ dẫn (index). Các thành viên của Hội đồng và Ban Quản lý Dự án cũng nhấn mạnh chủ biên cần có sự đầu tư đảm bảo chất lượng của bài tổng luận.

Sau cuộc họp nghiệm thu, chủ biên và nhóm biên soạn sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện đề cương chi tiết để chuyển sang biên soạn bản thảo theo đúng quy trình tổ chức biên soạn.


Hoàng Thị Thùy Linh

Nhà xuất bản Hà Nội

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá