Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Để khai thác tiềm năng “nước” của “Thành phố trong sông”
Thứ bảy, 07/06/2014 11:07

 

Chiều ngày 30/5/2014, Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến - Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức họp nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài “Hệ thống sông hồ Hà Nội do PGS.TS Đặng Văn Bào chủ biên.

 

 

Tham dự cuộc họp có các nhà khoa học là các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu địa lý, địa chất do GS.TS Trương Quang Hải - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển làm chủ tịch hội đồng, các thành viên Ban Quản lý Dự án, các biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội.


GS.TS Trương Quang Hải - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển làm chủ tịch hội đồng. Ảnh: V.Chiến.

Mảng sách Địa lý của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến trong cả giai đoạn I và giai đoạn II đều là mảng sách khó, các nghiên cứu gần như cần được đầu tư mới, kinh phí thực hiện lớn nên số lượng đầu sách không nhiều. Tuy nhiên với sự nỗ lực của chủ đầu tư, của Ban Tư vấn chuyên môn, trong cơ cấu Tủ sách đã cố gắng xây dựng các đầu sách vừa đảm bảo tính hệ thống, vừa có những công trình mang tính lĩnh vực chuyên sâu, thể hiện đặc trưng của Hà Nội. “Hệ thống sông hồ Hà Nội” do PGS.TS Đặng Văn Bào chủ biên là một công trình như vậy. Hà Nội - Thành phố trong sông, như tên gọi của mình mang nhiều đặc trưng của sông hồ. Tuy nhiên từ trước đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu, tổng kết một cách hệ thống về sông hồ Hà Nội từ lịch sử hình thành, đánh giá hiện trạng, biến động và định hướng khai thác nguồn tài nguyên này. Công trình do PGS.TS Đặng Văn Bào thực hiện với mong muốn đưa đến bạn đọc cái nhìn tổng quát, hệ thống về sông hồ Hà Nội. Đồng thời công trình hướng đến mục tiêu trả lời cho rất nhiều vấn đề còn nổi cộm trong nghiên cứu về sông hồ Hà Nội hiện nay như: Duy trì hay phá bỏ hệ thống đê ngăn lũ sông Hồng? Hà Nội nên phát triển ưu tiên các trung tâm đô thị về hướng nào, trên vùng đất nào, vì sao?..; Vấn đề khôi phục đoạn sông Đáy từ Đập Phùng đến Ba Thá; Vấn đề làm sạch nước sông Tô và Hồ Tây, Vị trí đích thực cửa sông Tô Lịch? Địa danh Hà Nội thực ra ẩn ý gì, v.v....?  


PGS.TS Đặng Văn Bào chủ biên đề tài “Hệ thống sông hồ Hà Nội” . Ảnh: V.Chiến.

Tại buổi nghiệm thu, với sự trao đổi thẳng thắn, đậm chất khoa học, các thành viên Hội đồng đều thống nhất ý kiến đánh giá: Công trình có giá trị khoa học và thực tiễn cao, rất cần thiết cho Hà Nội hiện nay. Đây cũng là cơ hội để các nhà địa lý, địa chất thể hiện tiếng nói, công bố một số kết quả nghiên cứu có giá trị cao về sông hồ Hà Nội trong những năm qua. Với 6 nội dung nghiên cứu được xây dựng có mối quan hệ mật thiết với nhau, công trình khi thực hiện thành công sẽ đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Các thành viên của hội đồng gồm GS.TS Trương Quang Hải, GS.TSKH Đặng Văn Bát, GS.TS Đào Đình Bắc, PGS.TS Chu Văn Ngợi, PGS.TS Phạm Quang Tuấn, PGS.TS. Vũ Văn Phái cũng đã đóng góp nhiều ý kiến để PGS.TS Đặng Văn Bào hoàn thiện đề cương công trình. Tên sách nên đổi thành “Sông hồ Hà Nội” là đầy đủ, bao quát được nội dung công trình. Đây là công trình khoa học nhưng mang tính chất phổ biến tri thức phổ thông nên cần được viết với ngôn ngữ, văn phong dễ hiểu, không nặng tính chất chuyên môn hóa. Để nâng cao giá trị sử dụng, nên xây dựng bảng khái niệm thuật ngữ (sông, hồ, đầm, ngòi...), bảng dữ liệu tra cứu về hệ thống sông hồ Hà Nội. Đề cương cũng cần xác định chính xác phạm vi nghiên cứu theo khung tọa độ. Để đảm bảo tính khả thi của công trình về thời gian, chất lượng đề nghị nhóm thực hiện cần có sự kế thừa cao nhất các kết quả nghiên cứu về địa lý Hà Nội nhất là các sách đã xuất bản trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn I.     


Ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội, Trưởng ban Quản lý Dự án
đã khẳng định sự tin tưởng của Nhà xuất bản đối với chủ biên trong việc thực hiện công trình. Ảnh: V.Chiến.

Thay mặt Chủ đầu tư, Ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội, Trưởng ban Quản lý Dự án đã khẳng định sự tin tưởng của Nhà xuất bản đối với chủ biên trong việc thực hiện công trình. Đây là công trình được Nhà xuất bản mong muốn thực hiện từ giai đoạn I của Tủ sách bởi sông hồ là tài nguyên có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử, kinh tế, văn hóa Hà Nội. Tuy nhiên, việc khai thác sử dụng sông hồ Hà Nội hiện nay có rất nhiều vấn đề cần phải quan tâm. Công trình từ những kết quả nghiên cứu khoa học mong muốn đóng góp ý kiến với các nhà quản lý trong việc định hướng sử dụng tài nguyên sông hồ Hà Nội hiện nay.

Đề cương đã được các thành viên Hội đồng nghiệm thu để sớm biên tập xuất bản theo yêu cầu của Tủ sách.


 

Quách Hòa

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá