“Vương triều Trần” - một triều đại lẫy lừng trong lịch sử
Thành viên Hội đồng nghiệm thu là các nhà khoa học có uy tín: GS.TSKH. Vũ Minh Giang, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ, GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ, PGS.TS. Đào Tố Uyên, PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ và PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật. Trong đó, GS.TSKH. Vũ Minh Giang làm chủ tịch Hội đồng.
GS.TSKH. Vũ Minh Giang chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp. Ảnh: Đ.Tùng.
Vương triều Trần (1226 - 1400) là một trong những vương triều có nhiều cống hiến to lớn đối với lịch sử dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ đất nước, với những thành tựu rực rỡ trên nhiều phương diện: kinh tế, văn hóa, chính trị, tư tưởng. Vương triều được biết đến như một trang sử huy hoàng của dân tộc, nhất là những kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông ở thể kỷ XIII. Việc tìm hiểu và nghiên cứu về vương triều một cách đầy đủ và hệ thống và đặc biệt là sự gắn kết giữa vương triều với kinh thành Thăng Long là vô cùng cần thiết. Công việc đó không chỉ bổ sung những tư liệu quý giá về vương triều mà còn đóng góp cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chúng và lịch sử thời Trần nói riêng. Đây cũng chính là ý nghĩa khoa học và tính cấp thiết của đề tài mà các nhà khoa học trong buổi họp đã đề cập và đánh giá cao.
PGS.TS. Vũ Văn Quân (chủ biên) trình bày một cách khái quát về đề cương cuốn sách. Ảnh: Đ.Tùng.
Tại buổi nghiệm thu, chủ biên công trình - PGS.TS. Vũ Văn Quân đã trình bày một cách khái quát về đề cương cuốn sách, có tập trung đi sâu vào cách tổ chức bản thảo trong sự so sánh với hai cuốn: “Vương triều Lý (1009 -1226)” của GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc và cuốn “Kinh tế, xã hội, đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX” của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ đã được xuất bản ở giai đoạn I của Tủ sách. Nếu như cuốn của GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc chia bản thảo thành 3 phần (phần nói về các triều vua; phần đánh giá tình hình chính trị, kinh tế, xã hội… và phần phụ lục) thì cuốn của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ lại trình bày theo hướng chuyên khảo, nghiên cứu các lĩnh vực, đời sống về kinh thành Thăng Long - Kẻ Chợ thế kỷ XVII - XIX.
Từ hai cách làm trên, chủ biên đề tài “Vương triều Trần” đã có sự dung hòa, xây dựng bản thảo với kết cấu hai phần: Phần 1: Vương triều Trần - theo dòng thời gian và Phần 2: Vương triều Trần, quốc gia Đại Việt, Kinh đô Thăng Long thế kỷ XIII - XIV, cuối cùng là Phụ lục với các công trình tuyển chọn. Đây là một kết cấu được xem là phá cách. Tuy nhiên, với kết cấu này chủ biên sẽ rất khó viết và đặc biệt là theo như cách đặt tên chương thì nhiều vấn đề sẽ bị trùng lặp. Nhiều ý kiến trong buổi họp đã thống nhất đề nghị chủ biên bố trí lại các phần, chương và tên gọi cho hợp lý và logic hơn.
PSG.TS. Nguyễn Đức Nhuệ - Ủy viên đóng góp ý kiến cho đề cương. Ảnh: Đ.Tùng.
Bên cạnh những góp ý về kết cấu, tên gọi các chương mục còn có ý kiến về mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa kinh đô Thăng Long, quốc gia Đại Việt với vương triều. Dù cuốn sách nằm trong khuôn khổ của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” nhưng cũng không nên quá cứng nhắc, chỉ đề cập đến sự gắn kết với kinh đô Thăng Long mà thiếu đi sức lan tỏa của công trình. Đặc biệt là cần có sự mở rộng những vấn đề có liên quan như văn hóa Chămpa, mối quan hệ Việt - Chăm đã có những ảnh hưởng nhất định vào văn hóa Đại Việt thời Trần.
Tổng hợp các ý kiến đóng góp, GS.TSKH. Vũ Minh Giang đã đưa ra những kết luận cụ thể. Trước hết là sự khẳng định tính cần thiết của cuốn sách trong Tủ sách và tin tưởng vào kinh nghiệm của chủ biên đề tài; sau là thống nhất ý kiến của các nhà khoa học đề nghị chủ biên cần phải chỉnh sửa kết cấu và tên các chương cho phù hợp tránh trùng lặp; nên bổ sung các vấn đề cần thiết có liên quan đến vương triều Trần. Xác định rõ “vị trí” của cuốn sách vừa là sách sử vừa là sách phổ thông nên chủ biên cần có cách viết nhẹ nhàng, lôi cuốn người đọc, nhưng vẫn dựa trên nền tảng khoa học.
Nhà báo Nguyễn Kim Sơn - Tổng Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hà Nội, Trưởng ban Quản lý Dự án phát biểu. Ảnh: Đ. Tùng
Thay mặt chủ đầu tư, nhà báo Nguyễn Kim Sơn - Tổng Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hà Nội, Trưởng ban Quản lý Dự án đã nói rõ “Vương triều Trần” là một trong những cuốn sách viết về các vương triều trong lịch sử: “Vương triều Lý (1009 - 1226)”, “Vương triều Trần (1226 - 1400)”, “Vương triều Lê (1428 - 1527)”… Nhưng đây không phải là một bộ sách mà là những công trình độc lập. Chúng ta không quá tham vọng nói hết tất cả các vấn đề về vương triều Trần nhưng người đọc vẫn phải thấy được một bức tranh lịch sử tương đối hoàn chỉnh, mà điểm nhấn là giai đoạn về kinh đô Thăng Long của vương triều. Cuối cùng, Chủ đầu tư cũng khẳng định rõ nếu không có cuốn “Vương triều Trần” trong Tủ sách thì sẽ là một thiếu sót lớn và Ban Quản lý Dự án cũng hoàn toàn tin tưởng khi giao đề tài này cho PGS.TS. Vũ Văn Quân thực hiện.
Đề cương đã được các thành viên Hội đồng nghiệm thu để biên tập xuất bản theo yêu cầu của Tủ sách.
Trang Phạm
Nhà xuất bản Hà Nội