Họp kiểm tra tiến độ biên soạn bản thảo đề tài “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Thần tích (phần tiếp theo)”
Nhận được sự đánh giá cao và những đóng góp cụ thể, hữu ích của Hội đồng thẩm định, sau buổi họp nghiệm thu đề cương vào tháng 5/2014, chủ biên PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh đã tập trung chỉnh sửa, hoàn thiện đề cương chi tiết và bắt tay vào khâu biên soạn bản thảo.
PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh (chủ biên) báo cáo tiến độ thực hiện đề tài. Ảnh: V. Chiến
Tại buổi họp, chủ biên công trình đã báo cáo với Chủ đầu tư tình hình, tiến độ biên soạn cho đến thời điểm hiện tại: đã sưu tầm, dịch và scan các văn bản thần tích Thăng Long - Hà Nội tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Thông tin khoa học xã hội (thuộc các huyện: Hoàn Long, Từ Liêm). Cũng tại buổi họp, chủ biên đã nêu một số vấn đề vướng mắc trong quá trình biên soạn bản thảo như: phạm vi khảo sát, sưu tầm thần tích; trường hợp trùng lặp thần tích ở nhiều địa phương khác nhau; vấn đề trình bày kỹ, mỹ thuật cho cuốn sách…
Sau khi trao đổi, thảo luận với chủ biên, tham khảo ý kiến của đại diện Ban Tư vấn chuyên môn Tư liệu - Tổng hợp - PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ, thay mặt Chủ đầu tư, ông Nguyễn Kim Sơn - Trưởng ban Quản lý Dự án đã tổng kết các phương án nhằm tháo gỡ vướng mắc cho người chủ trì đề tài trong quá trình biên soạn bản thảo. Theo đó, Chủ đầu tư đề nghị chủ trì đề tài tập trung sưu tầm, dịch thuật một cách triệt để thần tích của 4 quận nội thành thuộc huyện Hoàn Long xưa (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) trên cơ sở chất lượng nội dung của thần tích, nếu cần đảm bảo dung lượng sách thì có thể bổ sung một số thần tích đặc sắc, tiêu biểu ở các huyện ngoại thành. Với trường hợp có nhiều bản thần tích cùng nội dung do nhiều địa phương cùng thờ một vị thần thì sẽ lựa chọn tuyển dịch văn bản có nội dung đặc sắc nhất, những văn bản còn lại sẽ liệt kê ở phần Phụ lục. Chủ đầu tư tán thành phương án của chủ trì đề tài trong việc sưu tầm thần tích kết hợp khảo sát trong kho lưu trữ và điền dã, theo đó các thần tích được tuyển dịch sẽ có ảnh di tích giới thiệu kèm theo, điều này sẽ tăng thêm phần hấp dẫn cho cuốn sách. Sau khi bản thảo hoàn thành, Nhà xuất bản Hà Nội có trách nhiệm phối hợp cùng người thực hiện nghiên cứu cách thức trình bày phù hợp nhất, đảm bảo cuốn sách khi xuất bản không những có giá trị về mặt nội dung mà còn là một ấn phẩm đẹp, với mục tiêu phục vụ tiện lợi nhất cho độc giả trong việc tra cứu.

Ông Nguyễn Kim Sơn - Trưởng ban Quản lý Dự án đã tổng kết các phương án nhằm tháo gỡ vướng mắc cho người chủ trì đề tài trong quá trình biên soạn bản thảo. Ảnh. V. Chiến.
Ghi nhận những kết quả mà tập thể biên soạn đã thực hiện cho đến thời điểm hiện tại, Ban Quản lý Dự án cũng lưu ý khối lượng công việc còn lại vẫn rất lớn, bởi vậy chủ trì công trình cần có kế hoạch triển khai hợp lý đảm bảo tiến độ biên soạn bản thảo.
“Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Thần tích (phần tiếp theo)” là một công trình có ý nghĩa trên nhiều phương diện văn hóa, đặc biệt có ý nghĩa đối với công tác bảo tồn, phục dựng di tích truyền thống của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay. Với tâm huyết và kinh nghiệm của người thực hiện đề tài, công trình “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Thần tích (phần tiếp theo)” hứa hẹn sẽ là một cuốn sách có chất lượng trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II.
Hoàng Thị Thùy Linh
Nhà xuất bản Hà Nội