Vương triều Lê (1428-1527) – Vương triều rạng rỡ võ công, văn trị
PGS.TS. Vũ Văn Quân - Chủ tịch hội đồng chủ trì buổi họp. Ảnh: Đ. Tùng.
Tham gia buổi nghiệm thu có các nhà khoa học cùng đại diện Chủ đầu tư và một số cán bộ các phòng ban thuộc Nhà xuất bản. Hội đồng khoa học dưới sự chủ trì của PGS.TS. Vũ Văn Quân - Chủ tịch; và các Uỷ viên: PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn, PGS.TS. Đào Tố Uyên, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi và PGS.TS. Trần Thị Vinh; đại diện Ban tư vấn chuyên môn mảng sách Lịch sử PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật.
Với định hướng đưa đến cho người đọc một cái nhìn toàn cảnh theo dòng chảy lịch sử, Ban Quản lý Dự án đã đầu tư cho việc biên soạn một loạt sách sử từ “Vương triều Lý (1009 - 1226)”… đã xuất bản ở giai đoạn I đến “Vương triều Trần”, “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung Hưng”, và đây là “Vương triều Lê (1428 - 1527), rồi Hà Nội thời cận đại… Đây là một định hướng nội dung mảng đề tài không chỉ bổ sung cho mảng sách lịch sử thêm phong phú, đa dạng mà còn là bước đi toàn vẹn, đúng đắn và hợp logic của Dự án.
GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc - chủ biên công trình “Vương triều Lê (1428 - 1527)”. Ảnh: Đ. Tùng.
“Vương triều Lê (1428 - 1527)” - một lát cắt theo dòng chảy lịch sử Việt Nam là một trong ba vương triều rạng rỡ nhất trong lịch sử thời kỳ trung đại. Vương triều rạng rỡ võ công, văn trị này đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước Đại Việt cũng như đối với Thăng Long - Hà Nội. Chính vì công lao và sự đóng góp to lớn của nhà Lê mà đến nay có khá nhiều công trình nghiên cứu về vương triều dưới các góc độ khác nhau. Tuy nhiên, những công trình đó mới chỉ dừng lại ở một vài khía cạnh mà chưa có công trình nào nghiên cứu một cách tổng thể và toàn diện về vấn đề này. GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc - chủ biên công trình - cũng đã nêu rõ: Đây là “một công trình khoa học tập hợp, tổng hợp và tổng kết một cách tương đối đầy đủ, khách quan và chuẩn xác về một thế kỷ vương triều ”. Từ đó chỉ rõ mục tiêu căn bản của cuốn sách chính là tìm ra những bài học cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước và Thủ đô trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa và hội nhập quốc tế và những nguy cơ tiềm ẩn trong xây dựng và bảo vệ vẹn toàn bờ cõi.

Hội đồng khoa học đóng góp ý kiên để đề cương chi tiết được hoàn thiện. Ảnh: Đ. Tùng.
Là chủ biên cuốn sách “Vương triều Lý (1009 - 1226)” đã xuất bản ở giai đoạn I và được không ít độc giả hoan nghênh, đến giai đoạn II này, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc lại tiếp tục làm chủ biên cuốn “Vương triều Lê (1428 - 1527)”. Đây là một thuận lợi đáng kể của chủ biên đề tài. Với lối kết cấu hợp lý chia làm hai phần: Phần Nội dung gồm 5 chương và Phần Phụ lục giới thiệu khoảng 30 bài viết và danh mục các công trình nghiên cứu, gần giống với kết cấu cuốn “Vương triều Lý (1009 - 1226)”, cùng cách đặt tít, phần khá hấp dẫn đã hoàn toàn thuyết phục Hội đồng.
Bên cạnh sự nhất trí cao về kết cấu cuốn sách, tại buổi họp nghiệm thu đề cương chi tiết, các nhà khoa học cũng góp một số ý kiến đóng góp với chủ biên như bỏ cách dùng từ “vua Quỷ”, “vua Lợn” thuộc chương 4; một vài mục thuộc chương 2 cần đặt tít ngắn gọn hơn; danh mục các công trình nghiên cứu nên để thành thư mục… Và đặc biệt là ý kiến trao đổi xoay quanh các vấn đề: “quân chủ tập quyền Nho giáo” và “xác lập mô hình chế độ phong kiến Việt Nam” thuộc chương 5. Tiếp thu các ý kiến của Hội đồng, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc đã cùng trao đổi, giải thích và đưa ra ý kiến cá nhân, vừa có tán đồng vừa có bảo lưu.
Đại diện chủ đầu tư - ông Phạm Quốc Tuấn - Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án phát biểu. Ảnh: Đ. Tùng.
Đại diện chủ đầu tư - ông Phạm Quốc Tuấn - Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án cảm ơn các thành viên Hội đồng đồng thời cũng hoàn toàn tin tưởng và đánh giá cao tính khả thi của đề tài. Ông cũng nhấn mạnh về tính hợp lý trong kết cấu cuốn sách và đề nghị chủ công trình cần có cách viết nhẹ nhàng, với độ chuyên sâu vừa đủ, tính hàn lâm vừa đủ để không chỉ hướng đến những người làm công tác nghiên cứu mà còn hướng đến đông đảo độc giả. Ngoài ra, ông cũng đề nghị phần danh mục các công trình nghiên cứu không để “tuyển chọn” và cũng không làm tuyển chọn như đã nêu trong đề cương. Chủ biên cần cố gắng giới thiệu hết mức có thể để độc giả có cái nhìn toàn cảnh và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của bạn đọc. Hơn thế, đây là công trình thể hiện rõ định hướng của chủ đầu tư. Nó là một lát cắt lịch sử quan trọng trong tiến trình lịch sử chung của đất nước. Cuốn sách ra đời sẽ là một trong những cuốn sử quý nhằm bổ sung và hoàn thiện mảng đề tài Lịch sử của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
Cuối buổi họp, PGS.TS. Vũ Văn Quân - Chủ tịch Hội đồng đã đưa ra những kết luận hết sức xác đáng: Một số lỗi đa phần là về mặt câu chữ, chủ biên cần xem xét và chỉnh sửa. Còn những vấn đề về quan điểm nghiên cứu như “xác lập mô hình chế độ phong kiến Việt Nam” thì chủ biên có thể hoàn toàn tự quyết. Hội đồng tôn trọng ý kiến của chủ biên.
Qua những góp ý thiết thực, cụ thể của từng thành viên Hội đồng dưới sự chủ trì của PGS.TS. Vũ Văn Quân, Hội đồng nghiệm thu đã thống nhất thông qua và đánh giá cao bản đề cương đề tài “Vương triều Lê (1428 - 1527)”.
Trang Phạm
Nhà xuất bản Hà Nội