Kiểm tra tiến độ biên soạn bản thảo “Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932 - 1945)
Kiểm tra tiến độ là một khâu quan trọng trong quy trình biên soạn bản thảo của Dự án. Công việc này không chỉ giúp chủ đầu tư quản lý được tiến độ thực hiện bản thảo mà còn thống nhất cùng chủ biên xử lý các đề xuất, các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức bản thảo, đảm bảo chất lượng và tiến độ công việc. Tại buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn báo cáo chi tiết về tiến độ biên soạn bản thảo “Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932 - 1945)” tập trung vào 3 vấn đề chính:
Thứ nhất là về tình hình tổ chức biên soạn bản thảo: Bản thảo vẫn được tiến hành theo đúng kế hoạch đã đặt ra. Công việc sưu tập tài liệu tại một số thư viện và gia đình các nhà thơ vẫn đang tiếp tục thực hiện. Dự kiến công việc sưu tập sẽ hoàn thành trong tháng 7/2014. Từ đó mới tiến hành phân loại, hệ thống hóa, sắp xếp các vấn đề tác giả, tác phẩm, sự kiện Thơ mới Hà Nội theo trình tự biên niên sử, hoàn thành trong tháng 9/2014.
Thứ hai là về khối lượng và phạm vi công việc: Nhóm biên soạn hiện đã thực hiện được 70% khối lượng công việc. Còn phạm vi tư liệu bao gồm tất cả các vấn đề tác giả Hà Nội - đội ngũ - nội dung - hình thức - giai đoạn - trào lưu - trường phái - định hướng tiếp nhận; các phương diện nghiên cứu, lý luận, phê bình; các bài tựa, bạt, phát biểu cảm tưởng, phân tích, bình luận, bình giảng; các sự kiện gắn với xuất bản, giới thiệu chân dung, hồi ức, kỷ niệm của người đương thời phong trào Thơ mới bàn về Thơ mới…
Thứ ba là về kế hoạch hoàn thành bản thảo: Thời gian từ nay đến khi hoàn thành bản thảo chỉ còn 6 tháng. Nhóm tác giả sẽ tiếp tục sưu tập, bổ sung, chỉnh lý, rà soát các nguồn tài liệu để cơ bản có thể chấm dứt công việc trong tháng 10/2014. Hai tháng cuối (tháng 11, 12/2014) sẽ tiến hành biên soạn và viết Lời giới thiệu.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn chủ biên đề tài, báo cáo kết quả thực hiện. Ảnh: Văn Chiến
Bên cạnh đó, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn cũng nêu rõ một số khó khăn mà nhóm biên soạn gặp phải. Đó chủ yếu là công tác sưu tầm tư liệu. Tư liệu báo chí liên quan đến thơ mới giai đoạn 1932 - 1945 ở các thư viện đều không đầy đủ, đều ở trong tình trạng thiếu, rách nát, mất trang, mất đoạn, mất dòng. Nhiều tác giả có tên tập thơ và tên bài viết nhưng nay chưa/ không tìm lại được văn bản. Tuy nhiên, chủ biên vẫn cam kết sẽ hoàn thành bản thảo đạt chất lượng, theo đúng tiến độ đã đặt ra.
Đánh giá về tiến độ công việc, chủ đầu tư hoàn toàn tin tưởng vào năng lực làm việc cũng như tiến độ thực hiện của nhóm biên soạn. Tuy nhiên, chủ đầu tư cũng lưu ý một số vấn đề cụ thể như: Do khối lượng công việc nhiều, việc tìm kiếm lại rất khó khăn, cần mở rộng các kênh tìm kiếm (VD: trên trang web http://clbnguoiyeusach) để bản thảo sau này có nguồn tư liệu đầy đủ và phong phú. Trong quá trình sưu tầm những ấn bản cũ, cần chụp những trang đặc biệt để đưa vào phần minh họa nhằm tăng tính thuyết phục của tư liệu, làm sinh động thêm cho cuốn sách. Bài tổng luận cần viết kỹ càng, có giới thuyết đầy đủ.
Họp kiểm tra tiến độ biên soạn bản thảo “Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932 - 1945)”, sáng ngày 18/6/2014. Ảnh: Văn Chiến
Ngoài ra, các thành viên của buổi họp cũng thảo luận nhiều về cách đặt tên bản thảo, có nên để chữ “Hà Nội” hay không? Theo ý kiến của chủ đầu tư thì tạm thời vẫn giữ nguyên tên đã đăng ký, trên cơ sở nội dung bản thảo, sẽ thảo luận và quyết định khi tổ chức nghiệm thu bản thảo. Nếu để chữ “Hà Nội” thì không có nghĩa là đề tài chỉ bó gọn cứng nhắc trong phạm vi Hà Nội. Và ngược lại nếu bỏ chữ “Hà Nội” thì cũng không có nghĩa là phải mở rộng phạm vi ra cả nước. Tóm lại, đề tài không làm Thơ mới trên cả nước mà tập trung chủ yếu vào Hà Nội, gắn với Thăng Long - Hà Nội, nhưng lại phải có sự lan tỏa để thấy được bức tranh tương đối toàn diện về Phong trào này.
Tại buổi họp, nhà báo Nguyễn Kim Sơn - Trưởng Ban Quản lý Dự án - cũng ghi nhận những kết quả ban đầu trong công tác sưu tầm của nhóm biên soạn và hy vọng vào sự thành công của cuốn sách sau khi biên soạn xong. Đây sẽ là sự tiếp nối “Tuyển thơ Thăng Long – Hà Nội, mười thế kỷ” (2 tập) đã được xuất bản ở giai đoạn I và sẽ là cuốn sách độc đáo với việc bổ sung nhiều tư liệu quý về Thơ mới cho độc giả trên cả nước.
Trang Phạm
Nhà xuất bản Hà Nội