Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Dấu ấn Hà Nội qua lịch sử những làng nghề tiêu biểu
Thứ hai, 23/06/2014 03:52
Sáng ngày 20/6/2014, Ban Quản lý Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II, Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức cuộc họp nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài “Những làng nghề tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội” do TS. Đinh Hạnh chủ biên. Cuộc họp có sự tham gia của các thành viên Hội đồng thẩm định, nghiệm thu, Ban Quản lý Dự án, đại diện nhóm biên soạn dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ.
 
PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ, Chủ tịch Hội đồng, chủ trì phiên họp.. Ảnh: Đ.Tùng
 
Lịch sử nghiên cứu về làng nghề Thăng Long - Hà Nội từ trước đến nay khá phong phú với rất nhiều công trình dày dặn, tiêu biểu đã từng được công bố. Chính vì thế đặt vấn đề tiếp tục nghiên cứu về làng nghề có thể coi là một thách thức của chủ biên TS. Đinh Hạnh. Cuốn sách dự định xuất bản có điểm gì khác, có nét gì mới, có đặt ra được những vấn đề quan trọng đối với sự phát triển làng nghề của Thủ đô trong thời điểm hiện nay? Đó là những câu hỏi và cũng là nhiệm vụ đặt ra cho công trình “Những làng nghề tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội”.
 
Ông Phạm Quốc Tuấn, Chánh Văn phòng Dự án đọc quyết định
thành lập Hội đồng nghiệm thu và giới thiệu thành phần tham dự. Ảnh: Đ.Tùng

Hội đồng nghiệm thu với sự tham gia của các nhà nghiên cứu chuyên sâu ở lĩnh vực kinh tế - văn hóa như PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, PGS.TS. Chu Tiến Quang, TS. Trần Kim Hào, đặc biệt là những nhà nghiên cứu đã từng biên soạn các công trình về làng nghề như PGS.TS. Bùi Xuân Đính, PGS.TS. Đỗ Thị Hảo nhận định đây là công trình có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống và góp phần vào sự phát triển của Thủ đô hiện nay về phương diện kinh tế - xã hội. Hội đồng cũng nhấn mạnh đây là một đề tài hay nhưng cũng là một đề tài khó - khó ở bề dày, thành tựu của những công trình đi trước và khó ở chính bản chất nội dung của vấn đề. Nhiều vấn đề được đặt ra yêu cầu chủ biên đề tài cần phải làm rõ như: định hướng nghiên cứu của công trình là gì? Tiêu chí để xác định làng nghề tiêu biểu ra sao? Giới hạn phạm vi nghiên cứu là làng nghề truyền thống hay làng nghề hiện đại? Đề tài tập trung vào vấn đề lý luận hay vấn đề lịch sử, hiện trạng làng nghề?...

 
TS. Đinh Hạnh là chủ biên đề tài “Những làng nghề tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội”. Ảnh: Đ.Tùng

Với tinh thần khoa học, trao đổi thẳng thắn, nghiêm túc, tại cuộc họp, các thành viên tham gia cũng đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp bổ ích cho việc chỉnh sửa, hoàn thiện đề cương. Trước hết, Hội đồng lưu ý chủ biên cần bổ sung các vấn đề cần thiết của đề cương một công trình mang tính chất nghiên cứu khoa học như: ý nghĩa lý luận và thực tiễn, lịch sử nghiên cứu vấn đề, mục đích và nhiệm vụ, đối tượng nghiên cứu và đặc biệt là định hướng nghiên cứu của công trình này. Theo ý kiến của các chuyên gia, với điều kiện thời gian và kinh phí hiện tại, chủ biên không nên mở rộng vấn đề nghiên cứu, tập trung quá sâu vào các vấn đề mang tính chất lý luận mà nên ưu tiên nêu bật các đặc trưng, giá trị, vị trí, đóng góp, các mô hình của làng nghề và những định hướng cho việc phát triển các làng nghề thủ công trong giai đoạn hiện nay.
 
Bên cạnh đó, Hội đồng nghiệm thu và Chủ đầu tư thống nhất cần nhấn mạnh vấn đề quan trọng, cốt lõi nhằm tạo ra điểm mới mẻ, khác biệt của đề tài này với các công trình đã có, đó chính là việc đặt ra hệ tiêu chí để nhận diện các khái niệm: làng nghề, làng nghề truyền thống, làng nghề hiện đại, làng nghề tiêu biểu.
 
 
PGS.TS. Chu Tiến Quang, Ủy viên Hội đồng góp ý cho đề tài. Ảnh: Đ.Tùng.
 
Với định hướng nói trên, Hội đồng nghiệm thu cũng đã đề xuất, gợi ý cho chủ biên trong việc điều chỉnh kết cấu đề cương phù hợp với mục tiêu của đề tài. Theo đó, đề cương có thể bố cục theo hai phần chính: Phần Tổng quan và Phần Giới thiệu các làng nghề tiêu biểu. Phần Tổng quan cần bao quát các nội dung chính như: các khái niệm chính; các yếu tố tác động việc hình thành và quá trình hình thành các làng nghề Thăng Long - Hà Nội; Vị trí, vai trò, đặc điểm và đóng góp của các làng nghề; Các tiêu chí đánh giá làng nghề tiêu biểu; Định hướng phát triển bền vững các làng nghề trong thời điểm hiện nay. Phần Giới thiệu các làng nghề tiêu biểu sẽ là một nội dung trọng tâm của đề tài, trong đó cần phải phân tích cụ thể những vấn đề của các nhóm làng nghề tiêu biểu.
 
TS. Đinh Hạnh thay mặt nhóm biên soạn tiếp thu những ý kiến đóng góp của Hội đồng nghiệm thu. Tuy nhiên theo quan điểm của người đã nghiên cứu lâu năm về làng nghề, ông cho rằng các công trình đã có chưa đi sâu làm rõ vấn đề nguồn gốc phát tích hình thành cũng như quá trình phát triển của làng nghề Thăng Long - Hà Nội, đó cũng sẽ là một nhiệm vụ chính cần phải giải quyết trong công trình xuất bản lần này.
 
  Ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Hà Nội, Trưởng ban Quản lý Dự án phát biểu. Ảnh: Đ.Tùng.

Tại buổi họp, Ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Hà Nội cho rằng, sau công trình “Làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội trên đường phát triển” đã xuất bản trong giai đoạn I của Dự án thì công trình do TS. Đinh Hạnh chủ biên sẽ là sự nối tiếp, tạo ra diện mạo đầy đủ về làng nghề thủ công trên đất kinh kỳ. Chia sẻ với những khó khăn, thách thức của chủ biên đề tài trong việc biên soạn công trình này, ông Nguyễn Kim Sơn – Trưởng ban Quản lý Dự án tin tưởng vào năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của chủ biên cùng các cộng sự và kỳ vọng đề tài “Những làng nghề tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội” sẽ là một công trình có chất lượng, là sự bổ sung cần thiết vào mảng sách kinh tế của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, cũng là sự bổ sung cần thiết đối với nhu cầu của người đọc hiện nay trong việc tìm hiểu về Thủ đô Hà Nội trên nhiều phương diện.

 

Hoàng Thị Thùy Linh

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá