“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Biểu tượng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
Tiến hành chiến dịch Linebacker II từ ngày 18/12 đến ngày 30/12/1972, Hoa Kỳ đã sử dụng lực lượng không quân chiến lược với B.52 làm nòng cốt ném bom rải thảm hủy diệt xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác liên tục trong 12 ngày đêm. Đây là cuộc ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đáp trả trận tập kích này, quân và dân ta đã tiến hành chiến dịch phòng không quy mô lớn nhằm tiêu diệt máy bay chiến lược B.52 và giáng cho Mỹ những đòn thất bại nặng nề.

Hội đồng nghiệm thu thảo luận tại cuộc họp. Ảnh: V. Chiến.
Viết về chiến dịch vĩ đại này từ cả hai phía và từ cả những người không đứng về phía nào là rất nhiều và cho đến nay vẫn còn tiếp tục. Sở dĩ có điều đó là vì tầm vóc lịch sử vô cùng lớn lao của sự kiện. Do đó, việc nghiên cứu nhằm phục dựng một cách toàn diện, khách quan, sâu sắc hơn trận “Điện Biên Phủ trên không”; nhằm nêu bật vai trò của quân dân Hà Nội, lực lượng phòng không; khẳng định ý nghĩa thắng lợi; làm sáng tỏ thêm những bài học vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân vào bảo vệ Tổ quốc hiện nay là hết sức có ý nghĩa và cần thiết. Đây cũng chính là mục tiêu mà cuốn sách “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của PGS.TS. Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng đã đặt ra.
Theo đúng quy trình của Dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, sau khi chủ biên xây dựng đề cương chi tiết, Ban Quản lý Dự án đã triển khai thẩm định và tổ chức họp nghiệm thu vào ngày 26/6/2014. Hội đồng nghiệm thu gồm những chuyên gia nghiên cứu về lịch sử như PGS.TS. Phạm Xuân Hằng, PGS.TS. Vũ Văn Quân, PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên và những nhà lịch sử quân sự như PGS.TS. Hồ Khang, PGS.TS. Trần Ngọc Long, PGS.TS. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân.

PGS.TS. Phạm Xuân Hằng - chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp. Ảnh: V.Chiến.
Dưới sự chủ trì của chủ tịch Hội đồng - PGS.TS. Phạm Xuân Hằng, nhiều vấn đề đã được gợi mở. Theo Hội đồng nghiệm thu, nói “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” không có nghĩa là chỉ khoanh vùng tại không gian Hà Nội mà cần phải mở rộng ra cả những không gian khác, nhưng vẫn lấy Thủ đô Hà Nội làm trung tâm. Nội dung của cuốn sách “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” phải vừa tổng quát vừa cụ thể, vừa bao gồm cái chung lại vừa bao hàm cái riêng. Đề tài cần tái hiện lại trận Điện Biên Phủ trên không một cách trọn vẹn, có nguyên nhân, diễn biến và kết quả, trong đó Hà Nội được tô đậm như một điểm sáng.Bên cạnh đó, Hội đồng nghiệm thu cũng đưa ra một số góp ý để chủ biên và nhóm tác giả hoàn thiện kết cấu của đề cương, tránh những chi tiết rườm rà và cần chỉnh sửa lại tên các chương mục cho phù hợp.

PSG. TS. Trịnh Vương Hồng, chủ biên đề tài trình bày nội dung đề cương chi tiết trước Hội đồng. Ảnh: V.Chiến.
Ngoài ra, với mục tiêu phục vụ đồng đảo bạn đọc, một số ý kiến cho rằng, cuốn sách cần có bút pháp sinh động, lôi cuốn và đặc biệt là phải có cách viết hết sức khách quan. Cách viết khách quan ở đây là việc không đi sâu phân tích và kiến giải khi chưa có những cơ sở xác thực, tránh lối suy diễn chủ quan như: Không vì thấy Mỹ thất bại mà hạ thấp sức mạnh quân sự của Mỹ; không quá đề cao vai trò của chiến dịch như một yếu tố tiên quyết để tiến tới việc ký kết Hiệp định Paris; hay quá đi sâu phân tích về số liệu máy bay B.52 bị bắn hạ... Không chỉ thế, cách viết khách quan ở đây còn đòi hỏi chủ biên phải có một cái nhìn mới và công bằng hơn về cuộc chiến. Nó không chỉ có màu hồng mà còn có cả màu xám. Nó không chỉ có cái hùng mà còn có cái bi. Dưới sức mạnh tàn phá của địch, những cố gắng vượt đau thương, tinh thần chiến đấu quyết tử, nghệ thuật quân sự tài tình và những thành công dù nhỏ cũng là điều vô cùng đáng quý. Phân tích theo hướng ấy sẽ đưa cuốn sách đến một tầm cao hơn, mới mẻ hơn và bạn đọc chắc hẳn sẽ rất thích thú. Bên cạnh đó, để cuốn sách được phong phú, chủ biên cũng cần phải bổ sung thêm một số tư liệu, nhất là tư liệu của các học giả nước ngoài.

PGS.TS. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quâm - Ủy viên đóng góp ý kiến cho bản nghiệm thu. Ảnh: V.Chiến.
Tại buổi họp, Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội – Trưởng ban Quản lý dự án Nguyễn Kim Sơn cho rằng cuốn sách này không phải là sự tả lại đơn thuần cuộc chiến đấu 12 ngày đêm mà qua đó để nói lên cái hào khí Thăng Long và chủ nghĩa anh hùng dân tộc. Nhóm tác giả cần nêu bật tinh thần chiến thắng của lẽ phải và chính nghĩa. Một chiến thắng vĩ đại bằng tình yêu, bằng bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Cuộc chiến đã đi vào lịch sử nhưng vẫn luôn là bài học để chúng ta áp dụng cho ngày hôm nay. Nó cũng là minh chứng cho lịch sử oai hùng của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Chủ đầu tư cũng đề nghị nhóm biên soạn phải thận trọng với việc sử dụng tư liệu. Ban Quản lsy Dự án hy vọng cuốn sách sẽ là một tác phẩm có tiếng vang lớn không chỉ với Thủ đô mà còn với cả nước.

Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội – Trưởng ban Quản lý dự án Nguyễn Kim Sơn phát biểu. Ảnh: V.Chiến.
Đề cương chi tiết đề tài “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã được Hội đồng nghiệm thu để sớm triển khai biên soạn, xuất bản theo yêu cầu của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Trang Phạm
Nhà xuất bản Hà Nội