Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Chân dung một tác gia lớn của văn học giao thời qua “Tuyển tập Tản Đà”
Thứ tư, 02/07/2014 05:12

Chiều ngày 01/7/2014, tại NXB Hà Nội Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II tổ chức buổi họp nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài “Tuyển tập Tản Đà” do GS.TS. Trần Ngọc Vương chủ biên. Buổi họp có sự tham gia của các thành viên Hội đồng nghiệm thu, đại diện Ban Quản lý Dự án, chủ biên đề tài dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng - PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn.

 
Ông Phạm Quốc Tuấn, Chánh Văn phòng Dự án, phát biểu đề dẫn và giới thiệu thành phần tham gia Hội đồng nghiệm thu. Ảnh: Đ.Tùng
 
Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, là người con của vùng Xứ Đoài nay thuộc Hà Nội. Hà Nội bởi thế, không chỉ là nơi ông sinh ra, mà cũng chính ở mảnh đất này, trong điều kiện môi trường đô thị của những năm đầu thế kỷ XX, Nguyễn Khắc Hiếu mới trở thành Tản Đà, mới ra đời một nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch - một gương mặt kiệt xuất của nền văn hóa dân tộc buổi giao thời. Đề tài mong muốn làm sáng tỏ những thành tựu mà Tản Đà có được, những giá trị lớn trong văn nghiệp của ông đã có những đóng góp không nhỏ, tạo ra những điểm nhấn, những mốc son trong diện mạo văn học, văn hóa Hà Nội nói riêng và dân tộc nói chung. Bởi vậy, một công trình về Tản Đà trong Tủ sách về văn hiến Thăng Long - Hà Nội ở thời điểm hiện nay nhận được sự đánh giá cao của các nhà nghiên cứu về ý nghĩa cũng như tính cần thiết của đề tài. Thông qua việc tuyển chọn các tác phẩm tiêu biểu của Tản Đà và một số bài nghiên cứu bình luận quan trọng nhất về tác gia này cũng như văn nghiệp của ông, công trình mong muốn đem lại một cái nhìn bao quát, tổng thể về hiện tượng Tản Đà trong khung cảnh văn học những năm giao thời đầu thế kỷ XX, giúp người đọc nhìn nhận rõ một nhân vật văn chương xuất sắc của Hà Nội đã góp phần tạo nên diện mạo tri thức và văn hóa Hà Thành nói riêng và dân tộc nói chung cách đây một thế kỷ.
 
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu điều hành phiên họp. Ảnh: Đ.Tùng.

Việc lựa chọn GS.TS. Trần Ngọc Vương làm chủ biên đề tài được Hội đồng đánh giá là một quyết định sáng suốt, đúng đắn của Ban Quản lý Dự án. Là một trong những chuyên gia hàng đầu về văn học trung đại, đặc biệt đã có 40 năm để tâm trăn trở và nghiên cứu về tác giả Tản Đà kể cả văn nghiệp lẫn những mối quan hệ xung quanh nhà nho tài tử này, GS.TS. Trần Ngọc Vương - như ông tự nhận - đã có thể viết về Tản Đà như với tư cách là người trong cuộc, thì hơn ai hết ông là người phù hợp để “đảm đương” công trình này.

Với năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết của chủ biên, đề cương chi tiết được đánh giá cao về chất lượng và sự công phu. Với kết cấu ba phần chính (Tổng luận, Tuyển chọn tác phẩm, Tuyển các bài nghiên cứu), Hội đồng cho rằng đề cương đã bao quát, chuyển tải được các nội dung chính của đề tài. Với kết cấu này, đề tài “Tuyển tập Tản Đà” được kỳ vọng sẽ cung cấp cho người đọc những công cụ để nhận thức về gương mặt văn học tiêu biểu này trên cả hai phương diện hoạt động sáng tác và lịch sử tiếp nhận.
 
GS.TS. Trần Ngọc Vương chủ biên đề tài  trình bày khái quát nội dung trước Hội đồng. Ảnh: Đ.Tùng

Bài Tổng luận do chính GS.TS. Trần Ngọc Vương chấp bút với sự đầu tư kỹ lưỡng hứa hẹn sẽ là một điểm nhấn của công trình. Như chủ biên chia sẻ, với sự cố gắng để làm mới chính những kết quả nghiên cứu của ông trong nhiều năm qua, bài viết sẽ cung cấp thông tin đầy đủ và toàn diện về văn nghiệp Tản Đà cũng như sử dụng hệ thống lý luận về hệ hình lịch sử văn học, về nghiên cứu loại hình tác giả để đưa ra những kết quả nghiên cứu, những nhận định, đánh giá mới nhất về tác giả văn học tiêu biểu này. Cùng với việc hệ thống và tuyển chọn những tác phẩm đặc sắc của Tản Đà trên nhiều thể loại, đặc biệt với sự cố gắng tuyển một số tác phẩm trước nay vẫn bị bỏ qua hoặc thất lạc, công trình được Hội đồng đánh giá sẽ là sự bổ sung quan trọng cho các toàn tập, tuyển tập về Tản Đà đã có trước đây.
 
Hội đồng nghiệm thu thảo luận và đóng góp ý kiến để đề tài được hoàn thiện hơn. Ảnh: Đ.Tùng.

Vốn là những nhà nghiên cứu sâu về văn học trung đại nói chung và tác gia Tản Đà nói riêng, các thành viên Hội đồng thẩm định đã có nhiều đóng góp để chủ biên hoàn thiện đề cương. TS. Nguyễn Đức Mậu, Nhà thơ Bằng Việt đề xuất việc tuyển thêm một số tác phẩm đặc sắc của Tản Đà để làm phong phú và toàn diện phần Tuyển chọn tác phẩm. Một số ý kiến của TS. Trần Văn Toàn, TS. Phạm Xuân Thạch cho rằng thay vì tuyển các bài nghiên cứu rộng rãi về Tản Đà, chủ biên nên xây dựng thư mục nghiên cứu về tác giả này, và mỗi giai đoạn nên chọn một vài công trình nghiên cứu tiêu biểu để thấy được sự vận động trong lịch sử tiếp nhận di sản văn học Tản Đà.

Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Hà Nội Nguyễn Kim Sơn - Trưởng Ban quản lý Dự án khẳng định và tin tưởng vào chất lượng công trình. Ông nhấn mạnh công trình cần phải tạo điểm nhấn, điểm mới so với các công trình đã có thể hiện ở việc tinh tuyển tác phẩm. Đặc biệt hơn nữa chủ biên cần cố gắng sưu tầm tài liệu gốc để đảm bảo độ chính xác, tin cậy cao nhất của tư liệu đồng thời nên bổ sung tư liệu ảnh để tăng độ hấp dẫn của công trình.
 
Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Hà Nội Nguyễn Kim Sơn - Trưởng Ban quản lý Dự án
khẳng định và tin tưởng vào chất lượng công trình. Ảnh: Đ.Tùng.
 
Hà Nội là một không gian quan trọng trong việc hình thành, nuôi dưỡng phong cách nghệ thuật của Tản Đà và với sự góp mặt của ông, Hà Nội càng trở nên sáng rõ hơn ở sự kết tinh và hội tụ những giá trị văn hóa. “Tuyển tập Tản Đà” vì thế không chỉ là sự khắc họa chân dung một tác gia văn học lớn mà còn thể hiện những dấu ấn, những giá trị văn hiến của mảnh đất nghìn năm.
 
 
Hoàng Thị Thùy Linh
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá