Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Những tư liệu bổ ích về xây dựng và quản lý đô thị Hà Nội - Bài học không bao giờ cũ
Thứ bảy, 12/07/2014 11:26

Sáng ngày 08/7/2014, Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II - NXB Hà Nội tổ chức buổi họp nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài “Xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội qua hệ thống văn bản pháp quy của chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1873-1954)” do TS. Đào Thị Diến chủ biên. Buổi họp có sự tham gia của các thành viên Hội đồng nghiệm thu, đại diện Ban Quản lý Dự án, chủ biên đề tài dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng - PGS.TS. Phạm Xuân Hằng.

 

PGS.TS. Phạm Xuân Hằng - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp nghiệm thu (ảnh Văn Quý)

Trong giai đoạn I của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, TS. Đào Thị Diến cũng là người chủ biên công trình đồ sộ “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1873-1954)” gồm 2 tập. Bộ sách sau khi ra đời đã nhận được sự đón nhận, ủng hộ nhiệt tình của bạn đọc, đặc biệt là sự đánh giá rất cao của giới nghiên cứu chuyên môn, được coi là “một bộ sách công cụ tra cứu có giá trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Hà Nội học, tạo điều kiện thuận tiện cho các nhà khoa học và bạn đọc mở rộng các nguồn thông tin tư liệu về Hà Nội” (GS. Phan Huy Lê). Những thông tin về Hà Nội trong bộ sách này được công bố lần đầu tiên, rất có giá trị về nhiều mặt, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam. Tuy nhiên với điều kiện hạn chế về thời gian và kinh phí, các văn bản mới chỉ lược dịch tóm tắt nội dung, cung cấp cho người sử dụng những thông tin ngắn gọn với trích nguồn tài liệu.


TS. Đào Thị Diến chủ biên đề tài trình bày đề cương (ảnh Văn Quý)

Trên cơ sở những tư liệu trong bộ sách “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1873-1954)” đề tài “Xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội qua hệ thống văn bản pháp quy của chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1873-1954)” sẽ tổ chức khảo sát, tuyển chọn và dịch toàn văn các văn bản quy phạm pháp luật các cấp về 8 lĩnh vực của thành phố Hà Nội trong khoảng thời gian 1873-1954 là Địa giới – tổ chức hành chính, Quy hoạch – Xây dựng, Giao thông – Công chính, Văn hoá – Giáo dục. Công trình dự kiến sẽ có khoảng 120 văn bản gốc, mỗi văn bản sẽ được dịch toàn văn, có chú thích nguồn và những chỉ dẫn khoa học cần thiết đồng thời được sắp xếp theo từng vấn đề, trong đó lại được hệ thống hóa theo thời gian thuận lợi cho việc tra cứu.

Hội đồng đánh giá đây là một bản đề cương chi tiết phong phú, được xây dựng công phu, nghiêm túc, khoa học; bao quát được những vấn đề, nội dung chính mà cuốn sách hướng tới. Với tinh thần khoa học - thẳng thắn, nghiêm túc và nhiệt tình - các thành viên Hội đồng nghiệm thu đã có những ý kiến thảo luận sôi nổi nhằm đưa ra những góp ý cần thiết hoàn chỉnh đề cương chi tiết.


PGS.TS. Vũ Huy Phúc - Ủy viên Hội đồng đang phát biểu ý kiến về đề cương chi tiết. Ảnh: Văn Chiến.

Việc xác định rõ hệ thống chính quyền ban hành văn bản pháp quy và phạm vi thời gian để tuyển chọn tư liệu từ đó liên quan trực tiếp đến tên gọi của đề tài là những vấn đề nổi bật được trao đổi tại buổi họp nghiệm thu. Trong khoảng thời gian từ 1873 đến 1954, có thời điểm, tại Việt Nam cùng lúc tồn tại nhiều chính quyền: chính quyền thuộc địa Pháp, chính quyền thân Nhật Trần Trọng Kim, chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa. Vấn đề đặt ra là có nên tuyển chọn văn bản của nhiều hệ thống chính quyền cũng như về mặt thời gian, nên lựa chọn khoảng thời gian với mốc ban hành văn bản đầu tiên 1888 và văn bản cuối cùng 1952 hay sẽ lấy mốc từ khi Pháp bắt đầu đưa quân ra Hà Nội 1873 và kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp 1954? Quan điểm của Hội đồng cũng như Chủ đầu tư NXB Hà Nội nhấn mạnh mỗi chính quyền là một hệ thống chính trị riêng biệt, không thể cùng một lúc, trong một cuốn sách, trong một cấu trúc lại có sự đan xen, kết hợp tư liệu, nhất lại là tư liệu mang tính quy phạm pháp luật của những chính quyền khác nhau. Chính vì thế, Hội đồng cho rằng đề tài chỉ nên lựa chọn văn bản của chính quyền thuộc địa Pháp.

Bên cạnh đó, mặc dù từ 1945, Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp nhưng từ 1945 đến 1954 cũng là khoảng thời gian có rất nhiều văn bản pháp quy được ban hành có giá trị, liên quan đến việc xây dựng và quản lý Hà Nội. Vì thế Hội đồng thống nhất xác định phạm vi thời gian của đề tài sẽ gắn với hai mốc nổi bật: 1873 đến 1954. Trên cơ sở đó, Hội đồng đề xuất tên gọi mới của công trình là “Hệ thống văn bản pháp quy về quản lý và xây dựng thành phố Hà Nội từ 1873 đến 1954”.


Hội đồng nghiệm thu thảo luận, đánh giá  bản đề cương. Ảnh: Văn Chiến.

Về cơ bản, cấu trúc đề cương được đánh giá hợp lý, khoa học. Tuy nhiên nhiều ý kiến của Hội đồng cũng cho rằng thay vì phân chia văn bản thành tám lĩnh vực và trình bày theo kiểu cặp đôi (Địa giới - Tổ chức hành chính; Quy hoạch - Xây dựng; Giao thông - Công chính và Văn hóa - Giáo dục), chủ biên có thể tách riêng ra từng vấn đề nhỏ hơn, mỗi vấn đề lại sắp xếp theo trình tự thời gian để tạo thuận lợi cho người sử dụng trong việc theo dõi, tra cứu. Hội đồng cũng yêu cầu chủ biên cần phải dịch toàn văn các văn bản để khai thác được tối đa giá trị thông tin tư liệu.

Ngoài ra, mặc dù công trình mang tính cung cấp tư liệu nhưng vẫn cần phải có bài tổng quan nghiên cứu khái quát về nội dung, giá trị của văn bản. Và trước mỗi lĩnh vực, vấn đề cũng cần có phần dẫn nhập nhằm định hướng cho người đọc trong việc tiếp cận tư liệu.


Ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Hà Nội, Trưởng Ban quản lý Dự án phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Văn Chiến.

Tin tưởng vào năng lực, tâm huyết của chủ biên TS. Đào Thị Diến - một chuyên gia trong lĩnh vực tư liệu lưu trữ, đặc biệt là khối tư liệu lưu trữ của Pháp về lịch sử Việt Nam thời cận đại, Hội đồng kỳ vọng đây sẽ là một công trình có giá trị, một công cụ hữu ích đối với những người đọc quan tâm, tìm hiểu về Hà Nội, đồng thời góp phần xây dựng, quản lý Thủ đô hiện nay và tương lai.


Hoàng Thị Thùy Linh

Nhà xuất bản Hà Nội

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá