Những thành tựu của văn chương khoa cử qua “Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội”
Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu GS.TS. Trần Ngọc Vương điều hành cuộc họp. Ảnh: Văn Quý.
Là một vùng đất có bề dày văn hiến, Thăng Long xưa không chỉ là nơi phát tích, là quê hương của kẻ sĩ, anh kiệt. Cho đến trước khi nhà Nguyễn dời kinh đô vào Huế, trải qua gần tám thế kỷ giữ vị trí là kinh đô của Đại Việt, Thăng Long - Hà Nội còn là mảnh đất hội tụ nhân tài bốn phương đất nước. Đây được coi là trường thi lớn - nơi diễn ra những kỳ thi Nho học trọng đại của quốc gia nhằm tìm ra những người tài giỏi phục vụ đất nước. Nền khoa cử Nho học với sản phẩm của nó là văn chương khoa cử, bởi thế là một thành tựu không nhỏ, góp phần làm nên diện mạo, bản sắc phong phú, đa diện của văn hiến Thăng Long.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh thay mặt nhóm biên soạn trình bày tóm tắt đề cương chi tiết đề tài. Ảnh: Đ. Tùng.
Được coi là sản phẩm cao cấp của văn chương khoa cử, văn sách Đình đối là thành tựu của kỳ thi Đình, kỳ thi cao nhất của khoa thi Tiến sĩ được tổ chức tại kinh đô, là những áng văn nghị luận tiêu biểu có giá trị về nhiều phương diện văn học, sử học, chính trị… Với nhiều năm tâm huyết đeo đuổi nghiên cứu về văn chương khoa cử, trong giai đoạn I của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, tập thể tác giả do PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh làm chủ biên đã biên soạn thành công công trình gồm hai tập “Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội”. Công trình sau khi ra mắt đã nhận được sự đón nhận nhiệt tình, trân trọng của đông đảo bản đọc. Tuy nhiên trong điều kiện hạn chế về thời gian cũng như kinh phí, bộ sách mới chỉ giới thiệu 24 bài văn sách của các tác giả người Thăng Long - Hà Nội. Nhằm làm rõ hơn một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của kinh thành, hoàn thiện thêm diện mạo văn hóa khoa cử của kinh đô Thăng Long, đề tài “Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội” (tập 3) được biên soạn trong giai đoạn II tiếp tục tuyển chọn, giới thiệu 13 bài văn sách của các kỳ thi Đình được tổ chức tại Thăng Long - Hà Nội qua các thời Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng.

PGS.TS. Trần Nho Thìn - Ủy viên Hội đồng nghiệm thu trình bày ý kiến đóng góp cho đề cương chi tiết. Ảnh: Đ. Tùng.
Tại buổi họp, Hội đồng nghiệm thu thể hiện sự ủng hộ, nhất trí cao với chủ trương của Chủ đầu tư NXB Hà Nội và chủ biên đề tài về việc tiếp tục khai thác, giới thiệu nguồn tư liệu văn sách thi Đình đến độc giả rộng rãi. Đề tài không chỉ có ý nghĩa về mặt bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc mà còn có ý nghĩa về mặt học thuật, cung cấp những tư liệu quan trọng phục vụ cho công tác nghiên cứu, khoa học. Với nhóm biên soạn gồm PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh và ThS. Đinh Thanh Hiếu - hai chuyên gia về văn chương khoa cử cùng đề cương chi tiết được xây dựng công phu, khoa học, bao quát đầy đủ các vấn đề trọng tâm, đề tài được đánh giá có tính khả thi cao.
PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ - Ủy viên Hội đồng nghiệm thu trình bày ý kiến nhận xét. Ảnh: Đ. Tùng.
Theo nhận định của các thành viên Hội đồng, đề tài được coi là tập 3 - là sự nối tiếp theo logic chung của hai tập đã được xuất bản trong giai đoạn trước tuy nhiên vẫn có tính độc lập tương đối bởi vì được tổ chức biên soạn trong giai đoạn khác của Dự án Tủ sách, với một hệ tiêu chí khác. Chính vì thế, Hội đồng nhấn mạnh tập 3 của đề tài “Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội” cần phải tạo được “sức nặng” ở chính bài nghiên cứu tổng quan. Bài viết này cần phải có sự giới thuyết rõ ràng, khéo léo để không phá vỡ tính logic chung của hệ vấn đề xuyên suốt từ giai đoạn I; cần làm rõ những cái mới, cái khác so với hai tập đã xuất bản đồng thời phải giải quyết sâu sắc hơn, triệt để hơn những vấn đề chưa hoặc đã được đặt ra ở công trình đã có. Bên cạnh việc giới thiệu về các cuộc thi Đình diễn ra tại Thăng Long - Hà Nội, bài tổng quan cần có sự giới thuyết về bối cảnh lịch sử, văn hóa - xã hội, chính trị tại thời điểm diễn ra khoa thi đồng thời nên có những nghiên cứu về chính nội dung, ý nghĩa của các bài văn sách được tuyển chọn để làm tăng thêm giá trị học thuật của các bản dịch chú.
Theo nhận định của PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh, các bài văn sách dự kiến tuyển chọn đều là những tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc tuy nhiên lại tập trung chủ yếu ở thời Lê sơ. Mặc dù văn thể Hồng Đức được đánh giá là thời kỳ đỉnh cao, thịnh vượng, biểu trưng cho văn chương khoa cử trung đại Việt Nam tuy nhiên việc thiếu vắng, hạn chế tác phẩm của những thời kỳ khác tạo ra sự mất cân đối về mặt kết cấu vấn đề. Các ý kiến của GS.TS. Trần Ngọc Vương, PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn cho rằng việc đặt ra tiêu chí là văn sách của các Tam khôi (ba vị đỗ đầu các kỳ thi Đình) cũng sẽ làm hạn chế phạm vi lựa chọn của đề tài, có thể bỏ sót những bài văn sách tuy không phải đỗ đầu nhưng cũng xứng đáng là những áng văn tiêu biểu, kiệt xuất của văn chương khoa cử. Việc làm rõ tiêu chí tuyển chọn, giới thuyết về tình hình văn bản để lý giải cho những “khoảng trống” về tư liệu cũng chính là những yêu cầu cần đặt ra giải quyết trong bài Tổng quan của công trình.
.JPG)
Ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Hà Nội, Trưởng ban Quản lý Dự án thay mặt Chủ đầu tư phát biểu ý kiến tại buổi họp. Ảnh: Văn Quý.
Phát biểu tại buổi họp, Ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Hà Nội, Trưởng ban Quản lý Dự án đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của bài tổng quan và chất lượng phiên dịch, chú giải văn bản. Ông cũng cho rằng nếu có thể nhóm biên soạn nên bổ sung thêm tác phẩm để đảm bảo sự phong phú, đầy đặn của đề tài. Đánh giá cao năng lực, kinh nghiệm của tập thể biên soạn thể hiện rõ ở công trình đã xuất bản, ông Nguyễn Kim Sơn tin tưởng vào chất lượng, tính khả thi của đề tài mới.
Đi qua những biến động, thăng trầm của lịch sử dân tộc, đã có lúc Thăng Long - Hà Nội trở thành cố đô nhưng lịch sử cũng đã chứng minh đây là chốn “kinh sư muôn đời”. Và ở thời điểm nào thì Thăng Long - Hà Nội vẫn luôn là nơi tổ chức, diễn ra những khoa thi lớn - nơi hội tụ, nơi khởi đầu của nhiều nhân tài, trí thức kiệt xuất. Nói vậy để thấy, “Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội” không chỉ phản ánh diện mạo văn chương khoa cử của mảnh đất nghìn năm này mà còn là lịch sử khoa cử của cả dân tộc. Đó là ý nghĩa, tầm vóc của đề tài, cũng là tầm vóc của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Hoàng Thị Thùy Linh
Nhà xuất bản Hà Nội