Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Diện mạo địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội
Thứ ba, 22/07/2014 04:22

Một đề tài được đánh giá là một công trình rất cần thiết có trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II - “Từ điển địa danh hành chính Hà Nội”. Đề tài cho thấy sự biến đổi của các lớp địa danh hành chính từ khi hình thành, tồn tại và có thể được thay thế bằng một đơn vị khác, góp phần nhận diện khu vực Thăng Long - Hà Nội từ những góc nhìn đa chiều.

 

Sáng ngày 12 tháng 7 năm 2014, Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II - Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức họp nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài “Từ điển địa danh hành chính Hà Nội”do PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh làm chủ biên. Với tính chất của một đề tài không chỉ thuần túy ngôn ngữ học, có tính liên ngành cao, Ban Quản lý Dự án đã phối hợp với Ban Tư vấn chuyên môn lựa chọn Hội đồng nghiệm thu là những chuyên gia trên nhiều lĩnh vực gồm: những nhà ngôn ngữ học, nhà từ điển học (GS.TS. NGND. Đinh Văn Đức, PGS.TS. Phạm Văn Tình), nhà nghiên cứu Hán Nôm (TS. Nguyễn Thúy Nga), nhà địa lý học (GS.TS. Trương Quang Hải) và cả những nhà sử học (GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, PGS.TS. Vũ Văn Quân).
 
PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh - Chủ biên đề tài trình bày về đề cương chi tiết. Ảnh: V. Chiến.
 
Nói về địa danh và đặc biệt là địa danh Hà Nội có khá nhiều công trình nghiên cứu đi trước như: “Lược sử tên phố Hà Nội” của nhóm tác giả Lê Thước, “Đường phố Hà Nội” của Nguyễn Vinh Phúc và Trần Huy Bá, “Từ điển Hà Nội: Địa danh, làng xã ngoại thành Hà Nội” của NNC. Bùi Thiết, “Từ điển đường phố Hà Nội” của TS. Nguyễn Viết Chức, “Địa danh Hà Nội thời Nguyễn: khảo cứu từ nguồn tư liệu Hán Nôm” của TS. Nguyễn Thúy Nga… Tuy nhiên, chúng ta vẫn thiếu một đề tài có tính chất tổng thể, sâu sắc về địa danh hành chính Hà Nội. Bởi thế mà “Từ điển địa danh hành chính Hà Nội” được triển khai trong Tủ sách là vô cùng cần thiết.

Với sự kế thừa có chọn lọc những thành quả nghiên cứu của đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội về “Địa danh hành chính Hà Nội từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX”, chủ biên công trình đã giới hạn phạm vi không gian của đề tài ở khu vực Thăng Long - Hà Nội truyền thống (cổ truyền) tức là khu đô thị hạt nhân gồm 2 huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận thời Nguyễn, tương ứng với 5 quận nội thành Hà Nội ngày nay (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ). Và thời gian nghiên cứu được tính từ đầu thế kỷ XIX cho đến nay. Việc giới hạn phạm vi đề tài trong khoảng 2 thế kỷ trở lại đây là một cách lựa chọn khéo, hợp lý và vừa tầm. Chủ biên sẽ dễ triển khai và có thể đi sâu vào bản chất vấn đề. Đây cũng chính là ý kiến mà hầu hết các thành viên Hội đồng đã đóng góp.
 
GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc - Chủ tịch Hội đồng điều hành cuộc họp. Ảnh: V. Chiến.

Tại buổi họp, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc - Chủ tịch Hội đồng - đã khẳng định rõ đây là một công trình khảo cứu và được trình bày một cách tổng hợp về địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội truyền thống từ thế kỷ XIX đến nay, mà không phải là một cuốn từ điển địa danh hành chính Hà Nội hiện tại. Vì thế, theo thống nhất của Hội đồng, tên sách nên bỏ hai chữ “Từ điển” và thêm vào hoặc hai chữ “Thăng Long” hoặc hai chữ “truyền thống”. Từ đó đưa ra hai phương án được lựa chọn cho tên gọi của đề tài là: “Địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội” và “Địa danh hành chính khu vực Hà Nội truyền thống”. Cả hai cách đặt tên trên đều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, sự lựa chọn cuối cùng là ở nhóm biên soạn. Đến khi bản thảo hoàn thiện chủ biên có thể tìm một cái tên phù hợp nhất.
 
GS.TS. NGND. Đinh Văn Đức - Ủy  viên Hội đồng nghiệm thu phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Quý.
 
Không chỉ thế, Hội đồng đặt nhiều kỳ vọng vào việc cung cấp một hệ thống bản đồ (35 bản đồ) sau khi ra sách. Đây không chỉ là sản phẩm cao nhất của quá trình nghiên cứu mà còn là công nghệ trình bày của nhóm biên soạn. Nếu làm tốt được phần này thì đây cũng là một đóng góp mới mẻ, khá đặc sắc của cuốn sách. Ngoài ra, Hội đồng cũng đề nghị thay đổi lại cấu trúc của đề tài, từ cấu trúc để theo thứ tự 3 phần: Phần Nghiên cứu, Phần Bảng tra và Phần Bản đồ thì đổi lại thứ tự là: Phần Nghiên cứu, Phần Bản đồ rồi mới đến Phần Bảng tra.
 
GS.TS. Trương Quang Hải - Ủy viên Hội đồng nghiệm thu trình bày ý kiến nhận xét. Ảnh: Văn Quý.

Bên cạnh những đóng góp sâu sắc và cụ thể của Hội đồng, Chủ đầu tư Dự án - Ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản cũng đưa ra một vài ý kiến xác đáng: Ngay từ khi triển khai Dự án Tủ sách giai đoạn I, Ban Quản lý Dự án đã mong muốn có một cuốn “Từ điển địa danh Hà Nội”. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp và quy mô quá lớn, đề tài chưa thể thực hiện được trong điều kiện trước đây cũng như hiện tại. Ban Quản lý Dự án đã chủ trương xây dựng công trình “Từ điển địa danh hành chính Hà Nội” với phạm vi hợp lý, có tính khả thi cao hơn và là một bước tiền đề của đề tài trên. Tuy nhiên, với bản đề cương do PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh trình bày trong buổi họp đã thể hiện rõ việc không thể đặt tên sách là “Từ điển”. Nó cũng mang nội hàm của từ điển nhưng chưa đủ  cơ sở để trở thành một cuốn từ điển. Do đó, ông Nguyễn Kim Sơn cũng nhất trí với ý kiến của Hội đồng là không nên dùng chữ “Từ điển” ở tên đề tài và đương nhiên cũng không thể coi nó là một cuốn từ điển. Bên cạnh đó, Chủ đầu tư cũng đề nghị nhóm biên soạn phải có giới thuyết rõ ràng về phạm vi nghiên cứu và tập trung vào vấn đề chính là địa danh hành chính chứ không phải địa danh đường phố.
 
Ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Hà Nội, Trưởng ban Quản lý Dự án phát biểu ý kiến. Ảnh: V. Chiến.
 
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp của Hội đồng, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh đã có những tiếp thu hết sức tích cực nhưng vẫn có chọn lọc. Chủ công trình vẫn giữ quan điểm về việc đi sâu nghiên cứu địa danh đường phố, đặc biệt là địa danh đường phố thời Pháp. Đó là một đặc trưng không thể thiếu của địa danh đô thị, mà Hà Nội từ thời Pháp là một kiểu đô thị điển hình.

Hy vọng, sau khi đề cương đề tài được chỉnh sửa, cuốn sách sẽ là một tài liệu quý, có giá trị tư liệu và là cơ sở để tiến tới xây dựng bộ từ điển địa danh Hà Nội mà chúng ta hằng mong đợi.
 
 
Phạm Trang
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá