.JPG)
GS.TS. Nguyễn Xuân Kính - Chủ tịch Hội đồng điều hành cuộc họp. Ảnh: Văn Quý.
Trải qua hàng ngàn năm hình thành và phát triển, mảnh đất Thăng Long - Hà Nội đã định danh mình bằng những giá trị, bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc trưng. Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng các di tích quốc gia được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng, dẫn đầu cả nước về số lượng các di tích quốc gia đặc biệt được Chính phủ xếp hạng và là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng di tích được UNESCO vinh danh là di sản vật thể, di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Đã có rất nhiều công trình viết về những di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội. Có công trình mang tính chất nghiên cứu chuyên sâu, cũng có công trình hướng tới thống kê giới thiệu di sản; có công trình bao quát nhiều vấn đề về văn hiến Thủ đô, lại cũng có công trình tập trung tìm hiểu một phương diện văn hóa nào đó của mảnh đất nghìn năm này. Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có cuốn sách nào hướng tới việc đánh giá, xếp hạng các di tích vật thể, phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội nhằm giới thiệu tới bạn đọc những giá trị tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất, tinh túy nhất của văn hiến Thủ đô thông qua một cách tiếp cận phổ thông và hấp dẫn. Đó chính là mục tiêu của đề tài “Topten Thăng Long - Hà Nội”.
.JPG)
TS. Nguyễn Viết Chức - Chủ biên đề tài thay mặt nhóm biên soạn trình bày đề cương chi tiết. Ảnh: Văn Quý.
Ý tưởng về việc biên soạn công trình “Topten Thăng Long - Hà Nội” vốn đã hình thành rất sớm - từ giai đoạn I của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến và cũng đã nhận được sự ủng hộ, phê duyệt của Hội đồng Tư vấn khoa học Tủ sách, Ban Tư vấn chuyên môn mảng sách Văn hóa - Xã hội. Tuy nhiên trong những điều kiện hạn chế về thời gian và kinh phí, và quan trọng hơn cả là do tính chất phức tạp của đề tài nên công trình vẫn chưa được triển khai. Chính vì thế, ở giai đoạn II của Dự án, Chủ đầu tư NXB Hà Nội và tập thể nhóm biên soạn tiếp tục tổ chức biên soạn đề tài này với mong muốn bổ sung thêm một cuốn sách mang tính phổ thông bên cạnh những công trình mang tính hàn lâm, đồ sộ, để Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến có thể hướng tới phục vụ cho bạn đọc rộng rãi trong và ngoài nước. Công trình dự kiến gồm 5 tập, mỗi tập sẽ đề cập đến một loại hình như: Đình, chùa, đền, am, miếu; các món ăn ngon; các lễ hội truyền thống; các làng nghề tiêu biểu; các nhà hàng, khách sạn, siêu thị nổi bật…

PGS.TS. Bùi Xuân Đính - Ủy viên Hội đồng nghiệm thu trình bày ý kiến nhận xét. Ảnh: Văn Chiến.
Theo ý tưởng ban đầu của chủ biên và nhóm biên soạn, đề tài sẽ được tổ chức triển khai theo một cách thức khá đặc biệt và mới mẻ so với các công trình biên soạn đã có trong Tủ sách: nhóm tác giả biên soạn sẽ đề cử và giới thiệu danh sách ngắn các loại hình di sản Thăng Long - Hà Nội và phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tổ chức cho độc giả (khán, thính giả) bình chọn. Kết quả bình chọn từ công chúng sẽ được thẩm định, đánh giá bởi Hội đồng thẩm định chuyên môn và trên cơ sở đó nhóm tác giả thực hiện sẽ tổ chức biên soạn đề tài. Hội đồng nghiệm thu đánh giá đây là cách thức biên soạn mới và hấp dẫn nhưng cũng rất phức tạp, khó triển khai bởi thế thiếu tính khả thi trong điều kiện thời gian và kinh phí của Dự án. Sau khi trao đổi, thảo luận, Hội đồng thống nhất lựa chọn cách tổ chức phù hợp và khả thi hơn trong thời điểm hiện nay: nhóm tác giả sẽ đề xuất danh sách đề cử và sẽ được thẩm định bởi các nhà nghiên cứu chuyên môn thuộc Hội đồng thẩm định của Dự án Tủ sách. Hội đồng nhấn mạnh với hướng biên soạn này yêu cầu nhóm tác giả phải xây dựng được hệ thống tiêu chí khoa học, chuẩn xác và cách giới thiệu di sản thuyết phục, chính điều đó sẽ quyết định chất lượng và tính hấp dẫn của công trình.

NNC. Giang Quân (nhóm biên soạn) phát biểu. Ảnh: Văn Chiến.
Tại buổi họp, các thành viên Hội đồng cũng trao đổi sôi nổi về tên đề tài hiện tại. Với một công trình hướng đến giới thiệu những di sản văn hóa, những giá trị mang tính truyền thống thì một nhan đề dùng ngôn từ nước ngoài là chưa phù hợp, nếu không nói là có độ “vênh” đáng kể. Chính vì thế, Hội đồng cũng thống nhất yêu cầu nhóm tác giả tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu để tìm ra một tên đề tài thuyết phục hơn, chuyển tải được hết sức nặng của nội dung vấn đề.
Dự kiến công trình gồm 5 tập nhưng trước mắt, nhóm tác giả sẽ tập trung biên soạn tập đầu tiên giới thiệu về các di sản tín ngưỡng như Đình, Chùa, Đền, Am, Miếu, Quán, Phủ. Là những người nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa, các thành viên Hội đồng gồm có GS.TS. Nguyễn Xuân Kính, PGS.TS. Phạm Mai Hùng, PGS.TS. Bùi Xuân Đính, TS. Đặng Kim Ngọc, NNC. Yên Giang đã có nhiều ý kiến cụ thể về danh sách các di tích được nhóm tác giả giới thiệu như: đánh giá đúng giá trị của các di tích được đề cử; bổ sung thêm những di tích xứng đáng được đưa vào xếp hạng hay cần phải có sự cân đối trong việc đề cử di tích của hai vùng Hà Nội cũ và vùng đất mới sát nhập về Thủ đô… Ngoài ra, Hội đồng cũng lưu ý nhóm biên soạn cần đầu tư cho phần giới thiệu về các di sản, di tích để định hướng cho người đọc. Sách hướng tới phổ cập rộng rãi nên càng yêu cầu cao về tính chính xác của thông tin, hơn nữa các bài viết này nên ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ và đặc biệt cần phải hấp dẫn, đúng với tiêu chí của một cuốn cẩm nang.

Quang cảnh tại buổi nghiệm thu. Ảnh: Văn Chiến.
Nhóm biên soạn gồm có TS. Nguyễn Viết Chức, PGS. Lê Văn Lan, NNC. Giang Quân tiếp thu những ý kiến đóng góp của Hội đồng để hoàn chỉnh đề cương chi tiết.
Với tâm huyết của những người làm sách - như chia sẻ của chủ biên đề tài TS. Nguyễn Viết Chức rằng dù biết trước những thách thức nhưng vẫn quyết tâm thực hiện vì mong muốn giới thiệu, quảng bá được một cách rộng rãi nhất có thể những giá trị văn hóa biểu trưng của mảnh đất kinh kì đến với mọi tầng lớp, thế hệ độc giả trong và người nước - tin rằng công trình sẽ sớm được ra mắt bạn đọc và sẽ được đón nhận đúng như kỳ vọng của những người “đứng phía sau trang sách”.
Hoàng Thị Thùy Linh
Nhà xuất bản Hà Nội